Rợn người xem clip tay không bắt rắn hổ mang chúa cỡ "khủng"

Thiên nhiên - Môi trường - Ngày đăng : 10:14, 19/02/2022

Đoạn clip ghi lại khoảnh khắc người đàn ông sử dụng tay không để "đùa giỡn" và bắt gọn một con rắn hổ mang chúa cỡ lớn, khiến nhiều người chứng kiến phải rùng mình.

Theo đó, người dân sống tại một ngôi làng ở tỉnh Krabi (miền nam Thái Lan) đã thông báo đến nhà chức trách sau khi phát hiện thấy một con rắn hổ mang chúa cỡ lớn trườn vào đồn điền cọ và trốn trong một bể nước.

Sutee Naewhaad, một chuyên gia bắt rắn 40 tuổi, dẫn đầu một nhóm bắt rắn đã được cử đến hiện trường để đối phó với con vật đáng sợ. Nawehaad đã dụ con rắn hổ mang chúa ra đường, nơi có không gian rộng và thoáng, để bắt con vật được dễ dàng hơn.

Một đoạn clip được nhân chứng ghi lại được cho thấy khoảnh khắc con rắn hổ mang chúa đã tìm cách chống trả các chuyên gia bắt rắn để không bị bắt giữ. Có thời điểm, con rắn này đã tung ra một cú mổ chết chóc nhằm vào Nawehaad, nhưng anh này đã tránh được.

Không cần dùng đến bất kỳ dụng cụ bắt rắn nào, Nawehaad đã sử dụng tay không để đối phó với con rắn hổ mang chúa và sau hơn 20 phút, con vật đã bị khuất phục.

Clip tay không bắt rắn hổ mang chúa cỡ "khủng" khiến dân mạng rợn người (Video: Facebook).

Trả lời phỏng vấn của truyền thông địa phương, Sutee Naewhaad nhận định rằng con rắn hổ mang chúa này có vẻ như đang tìm kiếm bạn tình, khi mà trước đó dân làng cũng đã giết chết một con rắn hổ mang chúa khác.

Sau khi bị bắt giữ, các chuyên gia bắt rắn xác định con rắn hổ mang chúa này có kích cỡ "khủng", với chiều dài 4,5m và nặng hơn 10kg. Con rắn này sau đó đã được thả về môi trường sống tự nhiên, tại một khu vực an toàn và tránh xa con người.

Sutee Naewhaad cũng cảnh báo mọi người khi thấy rắn cần phải tránh xa nếu không xác định được đó là loại rắn gì và tuyệt đối không tự bắt rắn. Anh cho biết kỹ năng đối phó với các loài rắn cần phải trải qua nhiều năm luyện tập và phải nắm rõ thói quen, tập tính của từng loài rắn.

Hổ mang chúa là loài rắn độc lớn nhất thế giới, với chiều dài trung bình từ 3 đến 4m, có trường hợp ghi nhận rắn hổ mang chúa dài đến 6m. Loài rắn độc này sống chủ yếu ở các khu rừng mưa và đồng bằng của Ấn Độ, miền nam Trung Quốc và Đông Nam Á.

Nọc độc của rắn hổ mang chúa không phải là mạnh nhất trong số các loài rắn độc, nhưng lượng chất độc mà chúng sử dụng trong một cú cắn đủ để giết chết 20 người trưởng thành hoặc thậm chí một con voi. Nọc độc của rắn hổ mang chúa ảnh hưởng đến các trung tâm hô hấp ở não, gây ngừng hô hấp và suy tim.

Theo Y.N

T.Thủy