Làm sao phân biệt cúm mùa và COVID-19?

Tin Y tế - Ngày đăng : 15:58, 18/02/2022

Theo các chuyên gia về y tế, cúm mùa và COVID-19 đều là những bệnh lây qua đường hô hấp. Trẻ dưới 5 tuổi lại là nhóm dễ nhiễm cúm và nguy cơ biến chứng từ cúm mùa rất cao.
cum-mua-o-tre-em.jpeg
Trẻ em dưới 5 tuổi dễ nhiễm cúm và gặp biến chứng rất cao - Ảnh: Internet

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ghi nhận hàng năm có khoảng một tỷ ca cúm mùa, trong đó 3-5 triệu ca bệnh nặng. Cúm mùa là một trong những nguyên nhân gây tử vong cao nhất thế giới, lên đến 650.000 ca tử vong mỗi năm, tương đương mỗi phút có một người tử vong do cúm.

Trẻ dưới 5 tuổi dễ bị cúm nặng

Theo các chuyên gia y tế, nhiều trường hợp mắc COVID-19 không có triệu chứng lâm sàng, trong khi bệnh COVID-19 và cúm mùa có các biểu hiện tương tự, gần giống nhau.

PGS.TS Cao Hữu Nghĩa, giảng viên Trung tâm Đào tạo, Viện Pasteur TP.HCM cho biết cúm mùa không được nhiều người đặt mối quan tâm hàng đầu. Tuy nhiên, các biến chứng do cúm mùa gây ra ở người mắc bệnh nền có thể để lại vĩnh viễn.

Cúm mùa và COVID-19 đều là bệnh truyền nhiễm qua đường hô hấp do virus gây ra và có một vài triệu chứng giống nhau, nhưng cúm mùa và COVID-19 là 2 bệnh khác nhau do các virus khác nhau gây ra.

Với COVID-19, trẻ em không nằm trong nhóm đối tượng nguy cơ bệnh nặng và tử vong. Trong khi đó, trẻ dưới 5 tuổi lại là nhóm dễ nhiễm cúm và nguy cơ biến chứng từ cúm mùa rất cao.

Tổ chức Y tế thế giới thống kê hằng năm có hơn 4 triệu trẻ em tử vong vì bệnh viêm hô hấp cấp (chủ yếu do viêm phổi), trẻ dưới 5 tuổi có thể bị viêm đường hô hấp cấp 4 - 6 lần/năm.

PGS.TS Cao Hữu Nghĩa nhấn mạnh ai cũng có thể nhiễm cúm và biến chứng do cúm mùa gây ra có thể gặp ở bất kỳ độ tuổi nào. Biến chứng cúm mùa có thể gây ra tình trạng viêm phổi, viêm tai giữa, viêm cơ tim, làm trầm trọng hơn bệnh lý đang có ở trẻ em.

taking-the-needles-out-of-vac.format-jpeg.jpegquality-75.jpg
Tiêm phòng đầy đủ là cách phòng ngừa cúm tốt nhất - Ảnh: Internet

Cần tiêm phòng vắc xin đầy đủ

Bác sĩ Nguyễn Nguyên Huyền, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương, cho biết bệnh COVID-19 và cúm có triệu chứng tương tự, gần giống nhau. Tuy nhiên, người bị COVID-19 thường chỉ ho, ho khan, ho dai dẳng, sốt, mất khứu giác, khác với biểu hiện hắt hơi, sổ mũi, chảy nước mũi của cúm.

Triệu chứng thông thường của cảm cúm, cảm lạnh bao gồm sốt, ho, đau mỏi người, có các tổn thương viêm long đường hô hấp… Hiện nay, tỉ lệ tiêm đủ liều vắc-xin ngày càng cao nên triệu chứng của bệnh COVID-19 ngày càng nhẹ và khó nhận biết hơn, vì vậy để xác định đúng bệnh, cần dựa vào yếu tố dịch tễ và thực hiện xét nghiệm nhanh COVID-19 khi cần.

Bác sĩ Huyền cho biết thêm, trong thời tiết chuyển mùa cần giữ ấm cơ thể, thường xuyên tập luyện thể thao, thực hiện dinh dưỡng hợp lý; vệ sinh răng miệng bằng nước muối sinh lý; vệ sinh tay thường xuyên bằng xà phòng hoặc nước rửa tay để hạn chế lây truyền mầm bệnh.

Cần nâng cao đề kháng bằng nhiều vắc-xin khác như vắc-xin cúm mùa, thủy đậu, sởi - quai bị - Rubella, viêm màng não, viêm não Nhật Bản… Tiêm chủng vắc-xin ngừa COVID-19 đầy đủ, thực hiện các liều tiêm bổ sung và nhắc lại theo khuyến cáo bởi vắc-xin là tấm lá chắn phòng COVID-19 hữu hiệu nhất, đặc biệt với người ngoài 50 tuổi, người có bệnh nền, bệnh mạn tính.

Các chuyên gia khuyến cáo nếu có những triệu chứng nghi ngờ mắc COVID-19 cộng với yếu tố dịch tễ nguy cơ thì tự cách ly tại nhà, tuân thủ 5K, thực hiện xét nghiệm nhanh COVID-19 hoặc gọi điện thoại đến cơ sở y tế để được tư vấn.

ANH ĐÀO