Chuẩn bị cho làn sóng Omicron Tin Y tế - Ngày đăng : 14:33, 18/02/2022
Tình hình dịch tễ tại châu Âu trong 2 tháng vừa qua cho thấy Omicron sẽ không dẫn đến số ca nhập viện hay vào ICU ở mức cao như chủng Delta.
24/11/2021, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) xác nhận về một chủng mới của virus SARS-CoV-2 xuất hiện ở Nam Phi: Omicron. Những nghiên cứu lúc đó cho thấy khả năng lây nhiễm gấp 70 lần chủng Delta vốn đã tạo ra một mùa thu đầy biến động cho thế giới đã khiến nhiều người lo ngại. Một làn sóng lây nhiễm ngay sau đó đã khiến nhiều quốc gia dè chừng. Ca Omicron ngay sau đó được xác định tại Mỹ, Anh, Hà Lan… trong những ngày cuối tháng 11 tạo ra các phản ứng khác nhau từ các Chính phủ phương Tây, và giờ đây, làn sóng Omicron đã lan đến châu Á. Những bài học có thể rút ra từ các quốc gia khác, nhất là châu Âu hiện giờ, có thể sẽ hữu ích với việc ứng phó với làn sóng này. Tôi muốn đề xuất trong bài viết dưới dây một số ý kiến về cách thức ứng phó với Omicron tại Việt Nam.
Hà Lan trải qua đợt bùng phát số ca nhiễm Covid-19 khi biến thể Omicron lan tràn nhưng tỷ lệ nhập viện, tử vong không tăng cao. Ảnh minh họa: Reuters
1. Cần lường trước và bình tĩnh khi lây nhiễm lan rộng. Chúng ta nên nhận thức ngay từ bây giờ là sự lan nhiễm của Omicron sẽ cao đến mức mà tới cuối tháng 2, đầu tháng 3, số ca nhiễm ghi nhận hằng ngày sẽ vào khoảng vài trăm nghìn, và có thể cao hơn nữa dựa trên khả năng xét nghiệm hàng loạt.
Nhận thức và lường trước điều này là cần thiết để chúng ta không bị sốc và từ đó áp dụng các biện pháp chống dịch hà khắc một cách vội vàng có thể gây tổn hại cho xã hội và nền kinh tế. Có lẽ chúng ta cần rút kinh nghiệm từ đợt đóng cửa hàng loạt địa phương vào năm ngoái trong khi thực tế, tình hình dịch tễ lúc đó chỉ nặng nề ở khu vực TP.HCM và một số tỉnh phía nam.
2. Nhận thức là Omicron sẽ không dẫn đến quá tải y tế như Delta. Tình hình dịch tễ tại châu Âu trong 2 tháng vừa qua cho thấy Omicron sẽ không dẫn đến số ca nhập viện hay vào ICU ở mức cao như chủng Delta.
Chúng ta có thể xem xét trường hợp cụ thể của Hà Lan, quốc gia có mật độ dân số còn cao hơn Việt Nam (508 người/km2 so với 311 người/km2 ở Việt Nam), trong đợt nhiễm biến chủng Delta khắp châu Âu vào tháng 10-11 năm 2021, khi Hà Lan đã tiêm chủng cho hơn 70% dân số 17 triệu người.
Tỷ lệ nhiễm hằng ngày so với các con số người tử vong và vào viện tại một trong những ngày cao nhất trước khi Omicron lan tràn như sau - ngày 5/12/2021; 21.771 ca nhiễm, 68 người thiệt mạng, 2.094 người trong viện, 593 người trong ICU. Trong khi đó, tại đỉnh điểm Omicron tại Hà Lan, ngày 12/2/2022, các con số này là 125.320 ca nhiễm, 12 người tử vong, 1.268 người trong viện, 176 người trong ICU (theo Our World In Data).
Số ca nhiễm tăng lên gấp 6 lần, số người nhập viện, vào ICU và tử vong đã giảm đáng kể, cho thấy rằng Omicron nhẹ nhàng hơn rất nhiều.
Các con số trung bình trong tuần cũng cho thấy dữ liệu tương tự, và tình hình dịch tễ trong các quốc gia châu Âu cũng tương đồng như bức tranh tại Hà Lan.
Với tỷ lệ tiêm chủng tại Việt Nam là 82,1% (ngày 15/2/2022), một trong những tỷ lệ tiêm cao nhất thế giới, đồng nghĩa hầu hết dân số cũng được bảo vệ khỏi các triệu chứng nặng. Làn sóng Omicron sẽ không quá nặng nề, sẽ chỉ có một tỷ lệ nhỏ số người nhiễm cần đến trợ giúp y tế mà thôi.
3. Đảm bảo hệ thống y tế sẵn sàng để ứng phó với Omicron. Mặc dù chỉ có một tỷ lệ nhỏ người nhiễm cần đến trợ giúp y tế, và có lẽ Omicron sẽ không gây suy sụp y tế như Delta, chúng ta cần có chuẩn bị tốt nhất cho làn sóng nhiễm theo một cách chủ động. Đó là đảm bảo sự sẵn sàng của các dịch vụ y tế, để mở rộng công suất bệnh viện và ICU, tuyển chọn các tình nguyện viên để hỗ trợ chăm sóc bệnh nhân.
Tôi nghĩ nhiều người Việt Nam, đặc biệt là thanh niên tại Việt Nam sẽ sẵn sàng để góp sức vào “cuộc chiến”. Với cách tiếp cận này, chúng ta sẽ cần sớm kêu gọi và tuyển chọn các tình nguyện viên, đào tạo đầy đủ, nhanh chóng cho họ trong thời gian sắp tới.
4. Giảm thời gian cách ly cho F0, và bỏ yêu cầu cách ly cho F1. Hầu hết các công việc làm ăn ở Việt Nam đòi hỏi người công nhân phải có mặt tại chỗ làm. Việc hàng trăm nghìn người bị nhiễm Covid-19 hằng ngày và đòi hỏi cách ly từ 7 ngày đến 2 tuần sẽ gây những tác hại lớn cho nền kinh tế cả nước, không nói đến công ăn việc làm của từng người.
Chúng ta nên xem xét cách tiếp cận của nhiều nước châu Âu, để giảm thời gian cách ly của các F0 xuống còn 4 ngày, rồi sang tháng 4 nên hoàn toàn bỏ yêu cầu đòi hỏi cách ly hoàn toàn, khi chủng Omicron đã nhiễm khắp toàn quốc và việc cách ly không còn cần thiết để bảo vệ sức khoẻ cộng đồng nữa.
Đối với các F1, yêu cầu cách ly 7 ngày cũng sẽ không còn có lý một khi Omicron đã đến. Khi hàng trăm nghìn người thành F0 thì con số F1 hằng ngày có thể lên tới hàng chục triệu người, khiến việc cách ly F1 hoàn toàn không khả thi cho xã hội và kinh tế.
Điều duy nhất mà chúng ta có thể nên làm để thay thế điều kiện cách ly của các F1 hiện giờ là đưa ra lời khuyên chính thức. Nếu tiếp xúc với F0 thì nên xét nghiệm nhanh tại nhà hằng ngày trước khi đi làm việc, mua sắm, và hạn chế đi gặp các đối tượng nhiễm nguy cơ cao (người già, sức khoẻ yếu).
5. Mở rộng điều kiện và khả năng test nhanh toàn quốc. Chính phủ nên có các giải pháp khẩn cấp để mở rộng nguồn cung và trợ cấp chi phí của người dân để mua và sử dụng các bộ test nhanh. Cho phép các tiệm thuốc bán các test nhanh ở một chi phí rẻ hơn, hay yêu cầu các cơ sở làm việc cung cấp cho các nhân viên một số lượng test nhanh nhất định hằng tuần. Điều này sẽ cho phép nhiều người có thể tự test khi có các triệu chứng nhẹ để lập tức cách ly, cho các F1 tự test, để đàm bảo sức khoẻ trước khi đi làm, đến trường, hay nếu định đi thăm những người già như bố mẹ, ông bà…
Một thực tế khác, là giá các kit test nhanh đang rẻ đi mỗi ngày khi các nhà sản xuất gần như đã thu hồi được chi phí nghiên cứu và lợi nhuận kỳ vọng trong thời gian qua. Việt Nam cũng có lợi thế khác là ở ngay gần Trung Quốc, nơi tập trung các nhà sản xuất kit test số lượng lớn nhất trên thế giới, đang cung cấp cho cả châu Âu và Mỹ.
Ảnh minh họa: Telegraphindia
6. Các biện pháp phòng dịch phi y tế nên được áp dụng theo vùng thay vì các địa phương nhỏ (xã/phường/huyện/quận). Ví dụ điển hình nhất là Hà Nội, chính quyền địa phương vẫn yêu cầu các quận, phường quyết định việc đóng hay mở cửa các cơ sở kinh doanh dựa trên tỷ lệ số ca nhiễm trong địa bàn như một giải pháp phòng dịch phi y tế “chuyển tiếp” từ thời kỳ “zero-Covid”.
Cách tiếp cận này sẽ không giúp kiểm soát được làn sóng Omicron, khi cả nước sẽ phải đối mặt với tình trạng dịch tễ học giống hệt nhau trong khi sẽ tạo ra nhiều rủi ro cho hoạt động kinh doanh.
Thay vì đó, quyết định mở đóng các hoạt động xã hội nên được áp đặt trên toàn quốc, không tỉnh, thành phố nào khác nhau. Hoặc chúng ta có thể đi theo cách tiếp cận của một số quốc gia châu Âu như Hà Lan hoặc Đức, thiết lập các “security region” là các khu vực trong đất nước để quản lý dịch một cách tập trung hơn nếu dịch bùng phát ở một khu vực cụ thể nào đó tạo ra những bất ổn.
7. Gỡ bỏ các biện pháp chống dịch đòi hỏi hàng quán phải đóng cửa và hạn chế kinh doanh. Khi Omicron đổ bộ thì việc đóng cửa hàng quán sẽ không còn là một cách phù hợp và chỉ việc đóng cửa các quán ăn, cửa hàng không giúp gì tới việc cản lại làn sóng Omicron mà nó còn ảnh hưởng đến công ăn việc làm của nhiều người.
Như đợt phong tỏa gần đây nhất ở Hà Lan cho thấy, việc đóng cửa các hàng quán trong vòng một tháng đã không có bất kì một ảnh hưởng nào tới việc ngăn chặn làn sóng nhiễm Omicron.
Mặc dù vậy, các hoạt động tập trung đông người như là lễ hội, đám cưới, đi chùa,… nên được hạn chế vào tháng 3 tới trong thời kỳ đầu của Omicron như một biện pháp đề phòng y tế, rồi sau một vài tuần có thể nới lỏng khi các số ca nhiễm đã ổn định hơn.
8. Mở cửa toàn bộ hệ thống giáo dục. Các trường học cần được mở cửa hoàn toàn, kể cả khi các ca nhiễm đi đến đỉnh điểm, học sinh cần có liên hệ trực tiếp với các bạn bè, các giáo viên cần được giảng dậy trực tiếp cho các học trò để đảm bảo học sinh tiếp thu đầy đủ các kiến thức cần thiết.
Điều này quan trọng nhất đối với các trường mẫu giáo, tiểu học và trung học, chúng ta nên coi việc mở cửa trường học cho đến lớp 12 tại trường học là hoàn toàn cần thiết, từ giờ cho đến cuối năm học này.
Những địa phương như Hà Nội đã phải đóng cửa trường học từ đầu năm học cho đến giờ mới bắt đầu mở cửa lại, thì việc Omicron đến không thể là một lý do để đóng cửa các trường. Học sinh nên được đi học lại bình thường, trong khi ngành giáo dục và y tế nên có những hướng dẫn cụ thể để các trường học có thể đảm bảo mở cửa.
Cũng với việc đẩy nhanh chiến dịch tiêm chủng thần tốc Mùa xuân mà Chính phủ đang phát động, sớm hoàn tất tiêm chủng mũi bổ sung và tiêm chủng cho người trên 12 tuổi, có lẽ việc ứng phó với Omicron sẽ cần một sự bình tĩnh, ở cả từng người dân lẫn các cơ quan quản lý đất nước.
Với tỷ lệ tiêm chủng cao và sự hiệu quả trong triển khai tiêm chủng, tôi tin chúng ta sẽ vượt qua làn sóng Omicron này an toàn, và có lẽ, sẵn sàng để trở lại các hoạt động bình thường vào đầu mùa hè tới.