Tình tiết tăng nặng cho người cha ném con gái xuống sông

Pháp luật - Ngày đăng : 12:33, 18/02/2022

Với 3 tình tiết định khung, tăng nặng trách nhiệm hình sự, mức án cao nhất dành cho Viên có thể là tử hình.

Tối 16/2, Trần Văn Viên (30 tuổi, ở huyện Núi Thành, Quảng Nam) sau khi nhậu về đã bế con gái là T.L.Y.V. (5 tuổi) ném xuống sông Trường Giang khiến nạn nhân tử vong.

Sau khi gây án, nghi phạm đã về báo với gia đình và đến công an đầu thú. Với hành vi này, nghi phạm có thể đối mặt các tội danh và tình tiết định khung, tăng nặng nào?

273539165_466117231662003_8629406294438336047_n.jpg

Trần Văn Viên thực hiện lại hành vi phạm tội trong buổi thực nghiệm hiện trường. Ảnh: Đ.T.

Theo dõi sự việc, luật sư Trần Xuân Tiền (Trưởng Văn phòng luật sư Đồng Đội) đánh giá đây là hành vi thể hiện sự nhẫn tâm, ích kỷ, chỉ vì những mâu thuẫn cá nhân của người lớn mà người cha sẵn sàng tước đoạt mạng sống của cô con gái mới 5 tuổi. Hành động này là không thể chấp nhận và cần bị nghiêm trị.

Quá trình điều tra, cơ quan chức năng sẽ làm rõ nhiều yếu tố như thời điểm bé tử vong là khi nào, bé tử vong trước hay sau khi bị ném xuống sông hay hành vi của người cha có phải nguyên nhân dẫn tới cái chết của bé không...

Trường hợp kết quả giám định cho thấy bé tử vong bởi hành vi của Viên, người này có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Giết người theo Điều 123 Bộ luật Hình sự 2015.

Đồng quan điểm, luật sư Trần Minh Hùng (Đoàn Luật sư TP.HCM) nhận định với đầy đủ nhận thức, năng lực điều khiển hành vi của một người trưởng thành bình thường, Viên phải biết hành vi của mình có thể tước đoạt tính mạng của bé gái. Do đó, nghi phạm có thể bị khởi tố về tội Giết người.

Với nhiều tình tiết định khung, tăng nặng như giết người dưới 16 tuổi, phạm tội với người trong tình trạng không thể tự vệ hay phạm tội vì động cơ đê hèn (trả thù vợ), nghi phạm có thể đối diện mức án cao nhất là tử hình theo Khoản 1, Điều 123 Bộ luật Hình sự 2015.

Trước khi phạm tội, Viên đã sử dụng chất kích thích. Tuy nhiên, đây không phải căn cứ miễn trừ trách nhiệm hình sự dành cho nghi phạm.

Điều 13 Bộ luật Hình sự 2015 quy định rõ người phạm tội trong tình trạng mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình do dùng rượu, bia hoặc chất kích thích mạnh khác, thì vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự. Do đó, nghi phạm vẫn phải chịu trách nhiệm về hành vi của mình.