Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden: Góc nhìn từ giới ngoại giao quốc tế
Đối ngoại - Ngày đăng : 10:54, 18/02/2022
Tổng thống Mỹ Joe Biden. (Nguồn: AFP) |
Mong muốn được chia sẻ nhiều hơn
Khi được hỏi ý kiến, gần như tất cả 19 đại sứ và cán bộ cao cấp của một số đại sứ quán tại Washington D.C đều có chung nhận định rằng chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden được tổ chức quy củ hơn chính quyền tiền nhiệm.
Các đại sứ của những nước có thiện chí với Mỹ đều bày tỏ sự hài lòng hơn về chính sách đối ngoại của Mỹ, nhưng họ cảm thấy thất vọng vì thiếu các trao đổi cấp cao và quá trình quyết sách đôi khi thiếu rõ ràng của Mỹ.
Đại sứ của một nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) cho biết ông cảm thấy giới lãnh đạo Mỹ không dành đủ thời gian để tiếp xúc với ông.
Ông nói: "Trong khi đó, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov có thể tới đất nước của chúng tôi và trao đổi trực tiếp hàng giờ với các nhà lãnh đạo. Điều đó không có nghĩa là chúng tôi sẽ tin mọi điều ông ấy nói, nhưng rõ ràng nếu ông ấy dành nhiều thời gian trao đổi với chúng tôi, chúng tôi sẽ lắng nghe và hiểu được quan điểm của ông ấy rõ ràng hơn".
Tuy nhiên, nhiều quốc gia lớn ở châu Âu cho rằng đã có sự cải thiện đáng kể trong các tương tác của chính quyền Mỹ sau khi Mỹ rút quân khỏi Afghanistan.
Các nước nhỏ có lẽ sẽ thất vọng hơn khi không được chính quyền Tổng thống Biden lưu tâm, với lý do thường được đưa ra là do dịch Covid-19. Một số nước cho rằng họ không được cập nhật nhiều thông tin về các diễn biến quan trọng, như đàm phán Mỹ-Nga liên quan đến Ukraine.
Một đại diện cho biết chính phủ của họ chỉ nhận được thông tin chính thức từ Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), và điều này khiến họ cảm thấy "không thoải mái", và có lẽ các nước nhỏ hơn khác ở châu Âu cũng có cảm giác tương tự.
Một số nhà ngoại giao, yêu cầu giấu tên, cho rằng cách chính quyền Tổng thống Biden vận hành hiện nay đang mâu thuẫn với hình ảnh thân thiện mà ông dày công gây dựng trong những năm qua.
Khi chính quyền Tổng thống Biden tuyên bố ưu tiên quan hệ với các nước châu Âu, họ chỉ tập trung chủ yếu vào quan hệ với Đức và Pháp. Một số nhà ngoại giao đưa ra ví dụ cho thấy Mỹ chỉ chủ động tiếp cận họ khi cần sự ủng hộ.
Ví dụ, lãnh đạo của Tây Ban Nha, nước lớn thứ tư của châu Âu chỉ nhận được cuộc gọi từ Tổng thống Biden ngày 21/8/2021 khi Mỹ đang tìm các địa điểm có thể đón nhận người tị nạn Afghanistan.
Một số lãnh đạo khác chỉ nhận được điện thoại từ Mỹ khi Washington muốn nước này loại bỏ Trung Quốc ra khỏi danh sách các nhà cung cấp mạng 5G quốc gia.
Tăng cường kết nối trực tiếp
Trong khi đó, các nhà ngoại giao đến từ châu Á tỏ ra hài lòng với sự quan tâm của chính quyền Tổng thống Biden đối với khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, thể hiện qua nhiều chuyến thăm của giới chức Mỹ tới khu vực.
Một đại sứ đến từ châu Á đánh giá cao nỗ lực của chính quyền Mỹ trong việc tiếp cận với các nước trong khu vực, trong đó có khuôn khổ hợp tác của nhóm Bộ tứ (Quad).
Vị đại sứ này cho rằng Mỹ muốn tăng cường quan hệ với các nước châu Á nhưng lại đang lúng túng do thiếu một khuôn khổ thương mại trong khu vực. Cựu Tổng thống Donald Trump đã rút Mỹ khỏi thỏa thuận thương mại do chính người tiền nhiệm của mình thúc đẩy, trong khi 15 quốc gia trong khu vực, trong đó có Trung Quốc tiếp tục triển khai Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP).
Ngoài ra, các nhà ngoại giao cho rằng đôi khi họ không thể tìm được quan chức cấp cao phù hợp của Mỹ để trao đổi, do còn hơn 100 vị trí đối ngoại và an ninh cần sự thông qua của Thượng viện.
Điều này một phần là do giới lãnh đạo cấp cao của Mỹ chưa có quyết định, một phần vì chưa có ứng viên, và một phần do bị thành viên Đảng Cộng hòa ngăn cản quá trình bỏ phiếu. Một đại sứ thậm chí còn bình luận rằng họ chưa từng gặp Cục trưởng Cục Lễ tân.
Phần lớn các nhà ngoại giao cho rằng đã đến lúc Nhà Trắng cần nối lại các hoạt động trực tiếp và điều này sẽ mang lại lợi ích chiến lược cho Mỹ.