Thanh long không người mua, nông dân lỗ nặng

Chuyển động Thị trường - Ngày đăng : 10:54, 18/02/2022

Sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, giá thanh long trên địa bàn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã tăng đáng kể, ở mức từ 14.000 -18.000 đồng/kg.

Tuy nhiên, mới đây sau khi có thông tin tỉnh Lạng Sơn ngừng tiếp nhận xe nông sản, giá thanh long trên địa bàn tỉnh đột ngột giảm sâu, chỉ còn 1 nửa.

Người trồng thanh long ở huyện Xuyên Mộc và Châu Đức của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cho biết, hiện nay thương lái chỉ thu mua thanh long với giá 7.000 đồng/kg loại 1, còn hàng loại 2, loại 3 thì hầu như không ai mua.

Ông Dũng ở xã Bưng Riềng, huyện Xuyên Mộc chia sẻ, vụ này gia đình ông bỏ ra 100 triệu đồng chi phí sản xuất vụ nghịch mùa. Thanh long phải đạt 15.000 đồng/kg trở lên mới đủ vốn. Với giá bán như hiện nay, gia đình ông Dũng lỗ khoảng 70 triệu đồng. Mặc dù giá thấp, song do vườn thanh long mới được thu hoạch nên dù thua lỗ, ông cũng không dám bỏ vườn hay chuyển đổi sang cây trồng khác.

Theo thống kê của ngành nông nghiệp Bà Rịa – Vũng Tàu, trên địa bàn hiện có khoảng hơn 450 ha trồng thanh long. Có đến khoảng 80% sản lượng thanh long của địa phương được xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc theo đường tiểu ngạch.

Ông Lê Thanh Liêm, Phó Chủ tịch UBND huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cho biết, để đảm bảo đầu ra của nông sản thì nông dân phải liên kết lại với nhau. Về phía chính quyền, địa phương đang kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư, xây dựng nhà máy chế biến trái cây để thu mua cho nông dân khi vào vụ, tránh tình trạng được mùa, mất giá.

“Về lâu dài, sản xuất phải theo chuỗi giá trị, theo mô hình liên kết. Chỉ có như vậy, chính quyền mới mời gọi doanh nghiệp, thương lái về thu mua nông sản cho bà con, từ đó mới giải quyết được bài toán về đầu ra căn cơ, lâu dài, chứ người dân sản xuất manh mún, được mùa – rớt giá như vầy là không ổn” - ông Liêm nói.

Theo ngành nông nghiệp tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, ngoài nguyên nhân phía tỉnh Lạng Sơn ban hành thông báo tạm ngừng tiếp nhận xe chở nông sản về cửa khẩu từ ngày 16 – 25/2, thì việc phía Trung Quốc ngày càng siết chặt các điều kiện tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm đối với hàng nông sản xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc khiến việc thông quan gặp nhiều khó khăn, ách tắc.

(Theo VOV)