Uống 1,5 lít nước ngọt/ngày, bé gái nhập viện trong nguy kịch
Sức khỏe - Ngày đăng : 10:59, 18/02/2022
Con mệt là cho uống nước ngọt
Bác sĩ Nguyễn Cát Phương Vũ, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TP.HCM), cho biết nơi đây vừa cấp cứu thành công bệnh nhi bị biến chứng tiểu đường do uống nước ngọt. Bệnh nhi là bé gái 13 tuổi, quê Cà Mau.
Mẹ bệnh nhi cho biết dịp Tết Nguyên đán vừa qua đã liên tục cho con gái uống nước ngọt. Trung bình mỗi ngày bé uống khoảng 1,5 lít. Những ngày sau Tết, bệnh nhi cảm thấy choáng váng nhưng gia đình không hay biết con mình bị di chứng do bệnh tiểu đường. Sau đó, em liên tục than mệt, khát nước, tiểu nhiều, giảm 10kg trong 3 ngày.
“Mỗi khi mệt, bệnh nhi được người nhà cho uống nước ngọt. Đỉnh điểm ngày trở nặng, bệnh nhi đã uống hết cả một thùng trà xanh C2. Bệnh nhi còn uống thêm 5 bịch cà phê gói pha, hơn hai trái dừa tươi. Uống xong, bệnh nhi càng mệt hơn”, bác sĩ Vũ chia sẻ.
Tối 14/2, bệnh nhi nằm vật vã rồi lơ mơ nên được gia đình đưa đến bệnh viện khám. Các kết quả xét nghiệm cho thấy, bệnh nhi bị toan ceton trong máu cao do biến chứng bệnh đái tháo đường.
“Đường huyết ghi nhận lúc đó hơn 1500 mg/dl. Đây là con số khủng hoảng sẵn sàng gây biến chứng hôn mê và nhiễm trùng khó lường”, bác sĩ Vũ chia sẻ. Ngay sau đó, bệnh nhân được chuyển đến Bệnh viện Nhi đồng Thành phố trong tình trạng lơ mơ, sốc mất nước nặng, da khô và tái nhợt.
“Sau hai ngày hôn mê, bệnh nhân mới tỉnh dậy”, bác sĩ Vũ chia sẻ. Em được các bác sĩ cấp cứu cân chỉnh đường huyết tích cực bằng nhiều loại dịch truyền, thuốc insulin tiêm đặc trị đái tháo đường.
Ngày 17/2, bệnh nhi mới tỉnh táo, giảm tổng cộng gần15kg, các biến chứng nguy hiểm do tiểu đường được loại bỏ. Vừa nhìn thấy mẹ, bệnh nhi đã khóc vì sợ và lo lắng. Bác sĩ Vũ cho biết, bệnh nhi được tập ăn theo chế độ mới, đó là khẩu phần nhạt và khắc nghiệt để kiểm soát tiểu đường.
Cha mẹ cần giúp con ăn, uống lành mạnh
Theo bác sĩ Vũ Thanh, Trung tâm dinh dưỡng lâm sàng (Bệnh viện Bạch Mai), nước ngọt có gas không tốt cho sức khỏe, đặc biệt là đối với trẻ em. Lượng đường mía, đường ngô, caffeine, chất tạo màu, tạo chua, tạo ga… trong nước ngọt ảnh hướng không tốt đến cơ thể, gây nên các căn bệnh về thận, ảnh hưởng nghiêm trọng đến dạ dày, đường ruột, sức khỏe răng miệng, tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường, tim mạch và dễ gây béo phì.
Khi trẻ uống nước ngọt quá nhiều sẽ làm tăng đào thải canxi qua nước tiểu, dễ làm trẻ bị thiếu canxi, khiến cơ thể không có đủ canxi để tăng chiều cao và làm gia tăng nguy cơ béo phí. Đặc biệt, trẻ uống nước ngọt nhiều sẽ lười ăn, không chịu uống sữa hoặc ăn uống các bữa chính không đầy đủ, dẫn tới hiện tượng thiếu hụt dinh dưỡng trầm trọng, gây suy dinh dưỡng ở trẻ.
Một nghiên cứu được công bố trên tạp chí The Journal of Pediatrics còn khẳng định các vấn đề về bạo lực, khả năng tập trung chú ý và hành vi cãi cọ đều liên quan đến việc sử dụng nước ngọt có gas ở trẻ em.
Cụ thể, những đứa trẻ uống hơn 4 lon nước ngọt/ngày dường như hay phá đồ đạc, tham gia đánh nhau và tấn công người khác gấp đôi so với những trẻ ít uống. Không những vậy, nước nọt có gas còn làm trẻ bị tăng các vấn đề về khả năng tập trung và các hành vi tự vẫn so với những trẻ không sử dụng nước ngọt.
Đồng tình với ý kiến trên, bác sĩ Lê Quang Hào, Viện Dinh dưỡng Quốc gia Việt Nam cho rằng, để cho trẻ không còn thèm đồ uống có gas, bố mẹ cần xây dựng một chế độ dinh dưỡng lành mạnh, khoa học, đa dạng về hương vị trong bữa ăn của trẻ. Có thể sử dụng nước ép trái cây, nước thảo mộc thơm ngon để tăng vị giác cho con.
Cha mẹ cần loại bỏ dần dần nước ngọt có ga ra khỏi thực đơn hàng ngày của trẻ, không tích trữ các loại đồ uống có ga trong nhà. Cần giúp con tăng cường các hoạt động thể chất, tham gia thêm các hoạt động ngoại khoá để giúp con rèn luyện sức khỏe, đốt cháy năng lượng trong cơ thể và có một cơ thể khỏe mạnh.