Khí đốt - nạn nhân của địa chính trị

Đối ngoại - Ngày đăng : 07:02, 18/02/2022

Thị trường khí đốt thế giới đã trải qua nhiều biến động lớn khi bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi những bất ổn chính trị, thảm hoạ tự nhiên cũng như nhiều bất cập trong triển khai kế hoạch chuyển đổi sang năng lượng xanh.
Căng thẳng Nga-Ukraine: Ai là người chiến thắng cuối cùng?
Khí đốt đang trở thành nạn nhân bởi chính vai trò quan trọng của nó. (Nguồn: Nord Stream 2)

Theo Tiến sĩ Scott B. MacDonald, nhà kinh tế trưởng của Viện Smith’s Research and Gradings, nguy cơ chiến tranh Nga-Ukraine, căng thẳng giữa Algeria (nhà cung cấp khí đốt tự nhiên lớn cho châu Âu) và Morocco, cùng với việc giảm đầu tư vào thăm dò mới và nâng cấp cơ sở hạ tầng quan trọng tại các mỏ khí đốt khiến nguồn cung bị thắt chặt và giá cả tăng cao.

Vai trò trung tâm trên bản đồ năng lượng

Khí đốt là nguồn nhiên liệu chuyển tiếp quan trọng cho nhiều quốc gia. Khí đốt sạch hơn than, dầu và sẽ giúp chuyển dịch sang năng lượng xanh. Tại Mỹ, đây là nguồn năng lượng cung cấp hơn 40% nhiên liệu để tạo ra điện, vượt xa than, dầu, điện hạt nhân và các nguồn năng lượng tái tạo khác.

Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), khí đốt tự nhiên chiếm khoảng 1/4 sản lượng điện toàn cầu, được sử dụng để sản xuất điện cho hệ thống sưởi ấm gia đình, sản xuất và chiếu sáng đô thị.

Khí tự nhiên có khả năng dự trữ, vận chuyển qua đường ống, hoặc hóa lỏng và gửi bằng tàu, đồng thời, các nhà máy điện chạy bằng khí đốt có linh động cao. Các đặc điểm này phù hợp với các nhu cầu theo mùa và những biến động trong ngắn hạn. Khí đốt cũng được coi là một phương án dự phòng trong bối cảnh việc đưa vào sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo như năng lượng gió và năng lượng mặt trời còn gặp nhiều trở ngại về nguồn cung.

IEA cũng lưu ý rằng, sự tăng trưởng của thương mại khí đốt, cũng như sự thay đổi từ các hợp đồng dài hạn sang hợp đồng giao ngay ở nhiều thị trường đã tạo ra mối quan hệ ngày càng sâu sắc giữa tình hình khu vực với những cú sốc về nhu cầu hay giá.

Trung Quốc và Ấn Độ là các nhà nhập khẩu ròng khí đốt tự nhiên, do vậy, châu Á là khu vực sử dụng khí đốt nhiều nhất, đạt 345,4 tỷ m3 vào năm 2020, tiếp đó châu Âu ở vị trí thứ hai với 114,8 tỷ m3. Ba nhà nhập khẩu hàng đầu thế giới là Đức, Nhật Bản và Trung Quốc.

“Cơn bão hoàn hảo” với thị trường khí đốt

Giá khí đốt giảm mạnh tới mức thấp nhất trong lịch sử vào năm 2020 bởi sự kết hợp của nhiều yếu tố, bao gồm đại dịch Covid-19, sự gián đoạn chuỗi cung ứng, sự nhạy cảm hơn của thị trường cũng như quá trình chuyển đổi sang năng lượng xanh của một số quốc gia.

Năm 2021, nhu cầu phục hồi kinh tế đã tạo nên căng thẳng với thị trường nhiên liệu hoá thạch, không chỉ với khí đốt mà còn cả dầu mỏ và than đá. Một nghiên cứu của Viện Brookings đã chỉ ra rằng, giá cả khí đốt tăng vọt khi nhu cầu tăng trong khi nguồn cung nhiên liệu vẫn chưa phục hồi sau đại dịch.

Dù cho là nhà sản xuất và xuất khẩu khí đốt hàng đầu thế giới, giá khí đốt tại Mỹ vẫn tăng cao, góp phần gây nên tỷ lệ lạm phát tới 7,5% vào tháng đầu tiên của năm mới. Đây là mức lạm phát cao nhất của Washington trong 4 năm trở lại đây.

Điểm gây áp lực chính là sự tăng cường đáng kể của quân đội Nga ở biên giới với Ukraine. Với thực tế rằng khí đốt tự nhiên của Nga chiếm gần 40% nhu cầu năng lượng của châu Âu, bất kỳ cuộc đối đầu quân sự lớn nào sẽ không có lợi cho việc ổn định nguồn cung và giá cả.

Những bất ổn đặt châu Âu vào một cuộc khủng hoảng năng lượng. Đặc biệt là Đức, nước phụ thuộc nhiều vào khí đốt tự nhiên của Nga, trong khi đường ống Dòng chảy phương Bắc 2 đang chờ phê duyệt.

Dự báo năm nay châu Âu có thể phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng năng lượng, có thể ảnh hưởng đến sự phục hồi kinh tế toàn cầu.

Căng thẳng Nga-Ukraine: Ai là người chiến thắng cuối cùng?
Căng thẳng Nga-Ukraine đang tác động trực tiếp tới giá cả khí đốt. (Nguồn AIF)

Không thể có giải pháp thay thế nguồn khí đốt của Nga

Ba nguồn cung cấp khí đốt tự nhiên chính của châu Âu là Nga, Na Uy và Algeria. Khả năng cung cấp của Na Uy và Algeria không thể bù đắp toàn bộ sự khác biệt do mất nguồn cung của Nga. Đồng thời, tình hình chính trị tại Algeria cũng chứa nhiều bất ổn do căng thẳng với Morocco.

Vào tháng 11/2021, Algeria đã đóng cửa một đường ống dẫn khí đốt của nước này qua Morocco đến Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha. Algeria vẫn duy trì dòng khí đốt tự nhiên thông qua một đường ống khác nối nước này với Italy và có hai nhà máy LNG cũng vận chuyển năng lượng đến châu Âu.

Tình hình chính trị trong nước của Algeria hiện đang ổn định, nhưng căng thẳng vẫn trực chờ bên ngoài. Bên cạnh đó, nhu cầu trong nước đối với khí đốt tự nhiên của Algeria đang tăng lên.

Một báo cáo Standard & Poor’s đầu năm 2022 đã điểm qua các nhà sản xuất khí đốt tự nhiên lớn khác trên thế giới và kết luận rằng chúng không vẽ nên một tương lai tươi sáng hơn cho châu Âu.

Libya đang gặp khó khăn trong việc cung cấp cho các khách hàng truyền thống, đồng thời, quốc gia này cũng đang căng thẳng do bất ổn chính trị và các vấn đề an ninh, nên không có thêm khả năng xuất khẩu khí đốt.

Trong vài năm qua, Ai Cập đã thực hiện một số cuộc thăm dò lớn về khí đốt ngoài khơi và được nhận định đã tăng tối đa lượng xuất khẩu khí hoá lỏng.

Tại khu vực Vịnh Ba Tư, Qatar đã ký hợp đồng cung cấp phần lớn sản lượng khí đốt của mình. Các nguồn tin nhận định rằng, một số có thể chuyển hướng đến châu Âu nếu khách hàng châu Á chấp nhận. Tuy nhiên, điều này sẽ đòi hỏi một số cuộc đàm phán khéo léo.

Trong khi đó, Mỹ vốn đã cung cấp lượng khí đốt khí đốt kỷ lục cho châu Âu. Mặc dù nước này có thể tiếp tục khai thác thêm nhưng đó là điều không nên. Trong thời đại căng thẳng địa chính trị gia tăng, các vấn đề trên thị trường toàn cầu có thể có tác động đến thị trường nội địa.

Đồng thời, các cuộc tấn công mạng hay thời tiết khắc nghiệt như cơn bão Uri tấn công bang Texas vào tháng 2/2021, có thể dẫn đến gián đoạn cung cấp năng lượng.

Australia là nhà xuất khẩu khí tự nhiên hoá lỏng hàng đầu thế giới, đạt mức cao kỷ lục vào năm 2021. Dù vậy, doanh số bán hàng của họ chủ yếu đến từ các quốc gia ở châu Á như Nhật Bản, Ấn Độ, Trung Quốc, Hàn Quốc, Việt Nam, Pakistan, Thái Lan và Bangladesh.

Có thể kết luận rằng khí đốt trở thành nạn nhân của chính vai trò quan trọng của nó. Nguồn nhiên liệu chuyển tiếp quan trọng này đang có nguồn cầu lớn trong khi nguồn cung không đủ đáp ứng. Nếu như tham vọng về địa chính trị của một số nước được thực hiện thì tình trạng sẽ còn trở nên tồi tệ hơn.

Lan Phương