Tin thế giới 17/2: Ukraine nói Nga ‘thất hứa’ ở Donbass, chỉ ra rào cản gia nhập NATO; Mali trở thành quan ngại mới
Đối ngoại - Ngày đăng : 20:15, 17/02/2022
Tin thế giới 17/2: Một ngôi trường mầm non bị hư hại do chịu đợt pháo kích tại Stanytsia Luhanska, khu vực Luhansk, Ukraine. (Nguồn: Ukrinform) |
Nga-Ukraine
Donbass: Ukraine nói Nga vi phạm thỏa thuận, Moscow ‘quan ngại sâu sắc’
Ngày 17/2, Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba tuyên bố Nga đang vi phạm lệnh ngừng bắn theo các thỏa thuận Minsk sau khi Kiev cáo buộc lực lượng ly khai do Moscow hậu thuẫn pháo kích một ngôi làng ở Donbass, miền Đông Ukraine.
Ông Kuleba nói: “Cơ sơ hạ tầng dân sự bị hư hại. Chúng tôi kêu gọi tất cả các bên nhanh chóng lên án hành vi vị phạm trắng trợn của Nga đối với các thỏa thuận Minks trong bối cảnh tình hình an ninh vốn đã rất căng thẳng”.
Cùng ngày, Tổng thống Ukraine Voldoymyr Zelensky cho biết ông đã thảo luận về vụ bắn pháo vào một ngôi làng ở miền Đông Ukraine với Chủ tịch Ủy ban châu Âu Charles Michel sau khi Kiev hối thúc các đồng minh lên án vụ việc này.
Tổng thống Zelensky viết trên Twitter: “Đã thông tin về tình hình an ninh và vụ nã pháo khiêu khích ngày hôm nay, đặc biệt là ở Stanytsia Luhanska”.
Đáp lại, Điện Kremlin bày tỏ quan ngại sâu sắc trước diễn biến bạo lực mới bùng phát ở miền Đông Ukraine và hy vọng phương Tây sẽ dùng ảnh hưởng của mình đối với Kiev để ngăn chặn tình hình leo thang hơn nữa.
Phát biểu họp báo, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov tuyên bố, Moscow đang theo dõi sát tình hình ở khu vực Donbass do phiến quân kiểm soát tại Ukraine.
Ông Peskov lưu ý rằng Nga bắt đầu rút một số binh sĩ đã hoàn thành các cuộc tập trận ở những khu vực tiếp giáp Ukraine và tiến trình này cần có thời gian.
Phiến quân do Nga hậu thuẫn và các lực lượng Ukraine cáo buộc lẫn nhau về hành động nã pháo qua giới hạn ngừng bắn, làm gia tăng báo động ở thời điểm các quốc gia phương Tây cảnh báo nguy cơ xảy ra một cuộc tấn công của Nga bất cứ lúc nào. (Reuters/Sputnik)
Ukraine: Một số thành viên NATO ngăn cản Kiev gia nhập liên minh
Tuyên bố ngày 17/2 của Văn phòng Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết, không chỉ Nga mà một số thành viên trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) cũng phản đối Kiev gia nhập liên minh.
Theo ông Zelensky, Ukraine đã đi trên con đường để trở thành một phần của NATO trong thời gian dài, nhưng chưa thể tiến gần tới mục tiêu này do có sức ép với Kiev.
Ông nêu rõ: “NATO là một trong những vấn đề mà Ukraine bị gây áp lực. Vấn đề chính là nền độc lập của Ukraine và sự lựa chọn độc lập trong mọi vấn đề, và Ukraine đã đấu tranh cho quyền được làm như vậy trong nhiều năm”.
Tổng thống Zelensky nhấn mạnh, Nga đang sử dụng vấn đề NATO như một cái cớ để triển khai binh sĩ ở biên giới giáp Ukraine và một số nước châu Âu đã “giả vờ đồng ý với Nga về vấn đề này”. Những hành động như vậy ngăn cản tiến trình Ukraine gia nhập NATO. (Reuters)
Nga bác thông tin “xâm lược” Ukraine sau ngày 20/2
Ngày 17/2, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết, thông tin trên truyền thông cáo buộc Nga có thể “xâm lược” Ukraine sau ngày 20/2 là tin giả.
Ông Peskov nói: “Vậy là sau ngày 20/2. Tôi và các bạn đã nghe về nhiều mốc thời gian, với một phiên bản cụ thể hơn nhiều. Tất cả những điều đó hóa ra chỉ là một thông tin giả khác, thông tin giả vô trách nhiệm”.
Trước đó, tờ Politico của Mỹ đưa tin Nga có thể “bắt đầu một cuộc xâm lược” Ukraine sau ngày 20/2 tới, còn mốc thời gian 16/2 được đưa ra trước đó là cách “đánh lạc hướng khỏi những ngày giờ quan trọng”. (Sputnik)
Thông báo kết thúc tập trận ở Belarus, Nga nói về đảm bảo an ninh với Mỹ
Ngày 17/2, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov tuyên bố Nga và Belarus sẽ kết thúc tập trận quân sự chung vào ngày 20/2 theo đúng kế hoạch. Thông báo này dường như đã giải quyết được những quan ngại của phương Tây về việc binh sĩ Nga có thể ở lại Belarus lâu hơn.
Theo hãng thông tấn RIA Novosti, người phát ngôn Dmitry Peskov cũng khẳng định sự hiện diện kéo dài của binh sĩ Nga ở Belarus không nằm trong chương trình nghị sự.
Liên quan tới đảm bảo an ninh, TASS dẫn lời Ngoại trưởng Nga Lavrov nhấn mạnh, Moscow sẽ có phản hồi tới Washington trong ngày 17/2. Ông cũng khẳng định Nga sẽ tiếp tục đàm phán với phương Tây về tất cả các điểm trong đề xuất an ninh của mình.
Trong khi đó, phát biểu tại cuộc họp báo chung sau cuộc gặp với người đồng cấp Nga Sergei Lavrov, Ngoại trưởng Italy Luigi Di Maio đã hoan nghênh việc Moscow sẽ gửi phản hồi cho Mỹ trong ngày 17/2.
Theo người đứng đầu ngành ngoại giao Italy, Ngoại trưởng Lavrov đã khẳng định Moscow mong muốn có một giải pháp ngoại giao cho khủng hoảng Ukraine. (RIA/TASS)
Mali
Pháp lo ngại về tình hình Mali hậu rút quân
Ngày 17/2, khi tuyên bố Pháp và châu Âu rút quân khỏi Mali, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho rằng, lính đánh thuê thuộc công ty quân sự tư nhân Nga Wagner đang ở Mali “để đảm bảo lợi ích kinh doanh của họ và chính quyền quân sự” ở Bamako.
Phát biểu họp báo ở thủ đô Paris, Tổng thống Macron nói: “Đây là hoạt động thuê mướn của chính quyền quân sự Mali, sử dụng nguồn tài chính, mà chính họ sẽ phải giải trình trước người dân Mali, để thuê lính đánh thuê – lực lượng về cơ bản ở đó để đảm bảo lợi ích kinh doanh của chính họ và bảo vệ chính quyền quân sự”.
Ngoài ra, ông Macron nêu rõ, thái độ của chính quyền quân sự Mali đã buộc Pháp phải rút quân.
Tổng thống Pháp đồng thời bác bỏ suy luận cho rằng việc triển khai lực lượng kéo dài gần một thập niên của Paris đã kết thúc trong thất bại.
Ông Macron nhấn mạnh: “Chúng tôi không thể tiếp tục can dự quân sự cùng với chính quyền trên thực tế vốn không cùng chiến lược và mục tiêu ngầm với mình”.
Trong khi đó cùng ngày, Tổng thống Ghana Nana Akufo-Addo cho rằng, điều quan trọng là lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc phải tiếp tục hoạt động ở Mali ngay cả sau khi lực lượng Pháp rút khỏi nước này và tái triển khai ở những nước khác trong vùng Sahel. (AFP/Reuters)
EU muốn nhận được đảm bảo từ chính quyền quân sự Mali
Ngày 17/2, Đại diện cấp cao về chính sách an ninh và đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU) Josep Borrell cho biết, khối này đang chờ "sự đảm bảo" từ chính quyền quân sự Mali giữa lúc cân nhắc về tương lai của các phái bộ huấn luyện quân sự và dân sự của liên minh sau khi Pháp rút quân.
Phát biểu với các nhà báo, ông Borrell nói: “Tôi đã cử một phái bộ đến Mali để xác định với các nhà chức trách sở tại về những điều kiện và đảm bảo mà chúng tôi có thể xem xét khả năng duy trì hay không phái bộ huấn luyện của chúng tôi ở đó… Sẽ có câu trả lời trong những ngày tới”.
Trong khi đó cùng ngày, Liên hợp quốc (LHQ) rằng kế hoạch rút quân của Pháp khỏi Mali “chắc chắn ảnh hưởng đến” sứ mệnh gìn giữ hòa bình của LHQ ở nước Sahel đang bất ổn này.
Người phát ngôn phái bộ gìn giữ hòa bình của LHQ tại Mali (MINUSMA) Olivier Salgado cho hay, LHQ đang nghiên cứu tác động của việc rút quân này và sẽ “thực hiện các bước cần thiết để thích ứng”.
Tương tự, Bộ trưởng Quốc phòng Đức Christine Lambrecht đã bày tỏ hoài nghi rằng liệu một phái bộ huấn luyện của Liên minh châu Âu (EU) ở Mali (EUTM) có thể tiếp tục hoạt động và nhận định sứ mệnh gìn giữ hòa bình của LHQ sẽ phải được xem xét lại sau khi Pháp tuyên bố sẽ bắt đầu rút quân khỏi đây.
Phát biểu với các phóng viên khi đến dự cuộc họp bộ trưởng quốc phòng các nước thành viên NATO tại Brussels (Bỉ), bà Lambrecht nói: “Tôi phải nói rằng tôi rất hoài nghi về việc liệu sứ mệnh của EUTM có được gia hạn hay không.
Khi chúng ta thấy rằng tiến trình chuyển tiếp, tức là tiến trình của các giá trị dân chủ tồn tại hiện nay, đã bị trì hoãn đáng kể... thì đó không phải là cách hiểu của chúng ta về tiến trình chuyển đổi này”.