Tương lai bất định của công nghệ Trung Quốc tại Ấn Độ
Cuộc sống số - Ngày đăng : 19:21, 17/02/2022
Ngày 14/2, Thời báo Kinh tế đưa tin Bộ Công nghệ thông tin và Điện tử Ấn Độ đưa 54 ứng dụng liên quan đến Trung Quốc vào danh sách cấm do nguy cơ an ninh. Danh sách bao gồm các ứng dụng của Tencent, NetEase và đặc biệt là Sea. Tổng cộng, Ấn Độ đã cấm cửa hơn 200 ứng dụng Trung Quốc trong 2 năm qua.
Dù không có nhiều ứng dụng nổi tiếng như các đợt trước, động thái của Ấn Độ cho thấy “sự phân mảnh căn bản của bức tranh kỹ thuật số” đang diễn ra hàng năm trời, theo Alex Capri, nhà nghiên cứu tại tổ chức Hinrich Foundation.
Các doanh nghiệp công nghệ Trung Quốc xem Ấn Độ là mảnh đất màu mỡ để phát triển kinh doanh. Dù vậy, trong khi các hãng smartphone như Xiaomi, Vivo, Oppo và Realme ngày càng thống trị thị trường smartphone Ấn Độ, nhiều ứng dụng đồng hương lại không may mắn như vậy. Ông Capri nhận xét, căng thẳng địa chính trị và “khác biệt giá trị” giữa hai nước là nguyên nhân dẫn đến New Delhi siết quản lý ứng dụng Trung Quốc.
Trong số 54 ứng dụng mới bị cấm, có tựa game Garena Free Fire của Sea, công ty đến từ Singapore nhưng do một doanh nhân gốc Trung thành lập. Game trở nên phổ biến sau khi tựa game PUBG Mobile của Tencent bị cấm vào tháng 9/2020. Tencent hiện nắm 18,7% cổ phần trong Sea.
Đây là đợt cấm lớn thứ hai kể từ tháng 6/2020, khi chính phủ Ấn Độ đưa TikTok, WeChat, Weibo, Shein cùng 55 ứng dụng khác vào danh sách đen với lý do “phương hại đến chủ quyền và toàn vẹn, quốc phòng, an ninh và trật tự xã hội của Ấn Độ”. Đợt "càn quét" lớn nhất là vào tháng 9/2020 với 118 ứng dụng bị cấm, bao gồm Taobao. Hai tháng sau đó, đến lượt chợ điện tử AliExpress lọt lưới.
Dù các ứng dụng Trung Quốc cũng bị giám sát tại các nước khác, song không nhiều nước mạnh tay như Ấn Độ. Thị phần ứng dụng Trung Quốc tại Ấn Độ đã giảm từ 38% năm 2019 xuống 29% năm 2020, theo báo cáo của hãng phân tích AppsFlyer. Ông Capri dự báo công nghệ Trung Quốc còn phải đối mặt với những cơn gió chướng mạnh hơn nữa.
Khi căng thẳng leo thang, dân mạng Trung Quốc đã lên Weibo bày tỏ sự giận dữ. Một người bình luận: “Tại sao Trung Quốc không trả đũa bằng lệnh cấm tương tự”.
Du Lam (Theo SCMP)