Pháp và đồng minh tuyên bố rút quân khỏi Mali, Tây Phi đứng trước nỗi lo tự lực cánh sinh
Đối ngoại - Ngày đăng : 17:53, 17/02/2022
Pháp và các đồng minh châu Âu ra tuyên bố rút quân khỏi Mali vào sáng 17/2. (Nguồn: France 24) |
Tuyên bố chung có đoạn viết: "Do vấp phải nhiều cản trở từ chính quyền chuyển tiếp Mali, Canada và các nước châu Âu tham gia Chiến dịch Barkhane và Lực lượng Đặc nhiệm Takuba nhận thấy các điều kiện chính trị, hoạt động và pháp lý không đáp ứng để tiếp tục một cách hiệu quả sự can dự quân sự hiện tại trong cuộc chiến chống khủng bố ở Mali".
Từ đó, họ "quyết định bắt đầu phối hợp rút các nguồn lực quân sự tương ứng dành riêng cho các chiến dịch này khỏi lãnh thổ Mali".
Tuyên bố chung cho biết thêm, Paris cũng như các quốc gia Liên minh châu Âu (EU) khác và Canada cam kết tham gia "hành động chung chống khủng bố ở khu vực Sahel, bao gồm ở Niger và Vịnh Guinea" vào tháng 6/2022.
Trước đó, Tổng thống Côte d’Ivoire Alassane Ouattara cảnh báo, việc rút đột ngột các lực lượng của Pháp và những nước châu Âu khác khỏi Mali sẽ “tạo ra khoảng trống”, đẩy quân đội các nước Tây Phi ra tuyến đầu trong cuộc chiến chống chủ nghĩa thánh chiến Hồi giáo cực đoan.
Theo ông Ouattara, việc rút lực lượng của Pháp cùng đồng minh sẽ buộc các nước trong khu vực phải “mua sắm vũ khí” để tự giải quyết những vấn đề “trong lãnh thổ quốc gia” của mình.
Pháp lần đầu triển khai quân đội tại Mali vào năm 2013 để đẩy lùi các chiến binh thánh chiến đang tiến công ở miền Bắc quốc gia châu Phi này.
Tuy nhiên, các phần tử cực đoan sau đó đã tập hợp lại và vào năm 2015, di chuyển vào trung tâm Mali, một khu vực dân tộc thiểu số, trước khi tiến hành các cuộc tấn công xuyên biên giới vào các nước láng giềng Niger và Burkina Faso.
Hiện các cuộc tấn công lẻ tẻ vào các quốc gia ở phía Nam của Mali làm dấy lên lo ngại về một cuộc tấn công của phiến quân thánh chiến tới Vịnh Guinea.
Từ năm ngoái, Pháp bắt đầu rút quân khỏi khu vực Sahel, đóng cửa các căn cứ ở miền Bắc Mali. Paris vẫn duy trì khoảng 4.300 binh sĩ trong khu vực, trong đó có 2.400-2.500 quân ở Mali.
Trong khi đó, các lực lượng Takuba của châu Âu do Paris đứng đầu có khoảng 600-900 quân, trong đó 40% là đến từ Pháp, bao gồm các nhóm quân y và hậu cần, số binh sĩ còn lại đến từ hơn 10 nước EU, trong đó có Italy và Estonia.
Tháng trước, chính quyền quân sự Mali ra quyết định trục xuất Đại sứ Pháp do những phát biểu của giới chức ở Paris liên quan chính phủ chuyển tiếp tại quốc gia Tây Phi này. Pháp sau đó thông báo triệu hồi Đại sứ nước này tại Mali.
Căng thẳng gia tăng giữa Mali và các quốc gia châu Âu sau khi chính quyền quân sự ở quốc gia Tây Phi không tổ chức được các cuộc bầu cử sau hai cuộc đảo chính quân sự xảy ra vào tháng 8/2020 và tháng 5/2021.
Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian cho rằng, việc chính quyền quân sự ở Mali kéo dài quá trình chuyển tiếp khiến tình hình ở nước này trở nên "mất kiểm soát" và Paris đang thảo luận với các đối tác về cách điều chỉnh chiến lược chống khủng bố tại quốc gia châu Phi.
Ngày 9/1, Cộng đồng Kinh tế các quốc gia Tây Phi (ECOWAS) cũng áp đặt các biện pháp cấm vận thương mại và đóng cửa biên giới đối với Mali, liên quan việc trì hoãn bầu cử tại nước này.