Vì sao sinh viên dễ trầm cảm nếu học trực tuyến kéo dài?

Xã hội - Ngày đăng : 12:56, 17/02/2022

Cuối năm 2021, ĐHQG TP. HCM đã thực hiện khảo sát trên 37.000 sinh viên toàn hệ thống cho thấy học trực tuyến khiến sinh viên gặp rất nhiều áp lực, dẫn đến trầm cảm.

Sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, đồng loạt các trường ĐH đã tổ chức dạy và học trực tiếp toàn phần cho sinh viên. Trở lại trường sau thời gian dài phải học trực tuyến giúp nhiều sinh viên trở nên vui vẻ, hứng khởi. Tưởng như việc ngồi nhà học tập, không phải tiếp xúc hay va chạm bên ngoài giúp sinh viên yên tâm nhưng thực tế hoàn toàn khác.

Khảo sát của nhóm nghiên cứu ĐHQG TP. HCM cho thấy những mối nguy tiềm ẩn với sinh viên khi “giam mình” trong màn hình trực tuyến.

147359740_3204877486278588_788149857622756186_n.jpg
Học trực tuyến kéo dài tạo ra nhiều áp lực với sinh viên dẽ dẫn đến trầm cảm.

Khảo sát được tiến hành trên nền tảng trực tuyến với hơn 37.000 sinh viên thuộc các trường thành viên ĐHQG TP. HCM tham gia. Trong đó có hơn 51% là nam và hơn 48% là nữ. PGS. TS Nguyễn Thị Thu Hoài – thành viên nhóm nghiên cứu, cho biết, kết quả khảo sát cho thấy, trong các áp lực tâm lý mà sinh viên phải chịu thì vấn đề học tập trực tuyến được ghi nhận cao nhất (65,1%).

Sinh viên có xu hướng lo lắng vì lý do trang thiết bị, căng thẳng liên quan đến đại dịch, vì mất đi nề nếp của trường học cùng những khoản hỗ trợ chính thức hoặc không chính thức. Đặc biệt, sinh viên lo lắng về sự an toàn khi phải sống trong môi trường, hoàn cảnh khó khăn hoặc nguy hiểm.

Áp lực học trực tuyến xuất hiện nhiều từ năm đầu đến năm 3 và giảm dần ở những năm về sau. E ngại  tiếp xúc với người khác gia tăng đều theo năm học của sinh viên từ năm 1 tới năm 6, kể cả với người thân. Hơn phân nửa sinh viên được khảo sát (56,8%) cho biết thiếu tập trung hoặc không có hứng thú trong học tập thể hiện việc tổ chức giảng dạy  còn nhiều hạn chế.

217604582_3646047875494878_2588043462599063956_n.jpg
TS Lê Minh Công - Phó Khoa Công tác xã hội trường ĐH KHXH&NV (ĐHQG TP. HCM) tư vấn cho sinh viên trong chương trình "Chăm sóc sức khỏe tinh thần trong đại dịch".

Ngoài ra còn có nhiều sinh viên không hài lòng với chất lượng bài giảng trực tuyến. Ngoài ra, còn có áp lực tâm thần đáng kể khác lên sinh viên là: Nỗi lo lắng khả năng đóng học phí (58,9%); có mâu thuẫn với gia đình trong vấn đề thấu hiểu (27,7%) hay làm việc quá sức (27,1%).

Đáng chú ý, 48% sinh viên được khảo sát thừa nhận đã cảm thấy bản thân nhiều thiếu sót, tự ti và mơ hồ về mục đích sống của bản thân trong thời gian dịch bệnh. Ngoài ra, cũng xảy ra các vấn đề như mất nhận thức thoáng qua, có những hành vi vô thức, hay quên cũng như sự thay đổi tính tình trở nên cáu gắt, buồn rầu, lo lắng không rõ lý do.

Đặc biệt, có tỉ lệ nhỏ nhưng đáng lưu tâm là sinh viên phản ánh bị ngược đãi, quấy rối bằng cơ thể hoặc ngôn ngữ. Càng ngạc nhiên hơn là tỉ lệ sinh viên nam bị ngược đãi nhiều hơn sinh viên nữ, cảm thấy bị phân biệt đối xử về các vấn đề liên quan đến giới tính.

Từ số liệu thu được, cuộc khảo sát đã cho thấy rối loạn giấc ngủ và thiếu định hướng trong học tập và cuộc sống chính là vấn đề phổ biến ở một bộ phận sinh viên ĐHQG TP. HCM trong thời gian dịch bệnh bên cạnh những vấn đề về hành vi và sức khỏe khác.

Theo nhóm nghiên cứu, COVID-19 đã làm trầm trọng hơn những vấn đề và áp lực tâm thần ở sinh viên. Những biện pháp hỗ trợ, đặc biệt là các hoạt động giao lưu và các hoạt động tương tác là cần thiết trong thời gian sinh viên học trực tuyến. Ngoài ra, những sinh viên nữ, sinh viên gặp khó khăn về tài chính hay những sinh viên có cha mẹ mất vì COVID-19 là những đối tượng cần được trợ giúp nhất về mặt tâm thần.

272687270_2441706465960402_5586290849461125814_n.jpg
Sinh viên trường ĐH Văn Lang TP. HCM trong giờ học tại thư viện.

Tứ đó, nhóm nghiên cứu cho rằng các cơ sở giáo dục nên có những biện pháp phù hợp nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho sinh viên có một cuộc sống tâm thần tốt để tiếp cận chương trình học một cách tối ưu.

Bốn biện pháp được đề xuất nhằm giúp tăng cường sức khỏe tinh thần cho sinh viên: khai thác tốt những dịch vụ chăm sóc đời sống tâm thần cho sinh viên. Triển khai nhanh, trên diện rộng những chính sách hỗ trợ tài chính, gia hạn và tặng học bổng v..v.

Dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần cho sinh viên cần được tăng cường thêm: rối loạn giấc ngủ, tính tình thay đổi hay cáu gắt, buồn rầu, lo lắng không rõ lý do, hay quên…

Bình An (tổng hợp)