Giá dầu đắt đỏ đe dọa nền kinh tế toàn cầu
Đối ngoại - Ngày đăng : 09:42, 17/02/2022
Tuy nhiên, giá dầu tăng mạnh cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ, nó làm chậm đà phục hồi của nền kinh tế thế giới và đẩy nhanh lạm phát. Theo ngân hàng đầu tư đa quốc gia Goldman Sachs, các thị trường mới nổi sẽ chịu gánh nặng của lạm phát.
Do đó, Izvestia mới đây đã tìm hiểu về “cuộc khủng hoảng giá dầu” sẽ ảnh hưởng đến Nga như thế nào và những hậu quả tiêu cực có thể xảy ra.
Giá dầu tăng
Theo ghi nhận, giá dầu hiện tại đắt hơn gần gấp rưỡi so với một năm trước. Vào tháng 2/2021, giá dầu Brent giao sau được giao dịch ở mức gần 60 USD/thùng, tuy nhiên vào tháng 2/2022 là trên 90 USD/thùng. Tốc độ tăng giá như vậy chỉ đứng sau tốc độ tăng của năm 2009. Nguyên liệu thô xuất khẩu của Nga cũng đang trở nên đắt đỏ hơn, báo giá của chúng gắn với dầu Brent. Tính đến ngày 15/2, giá trao đổi của dầu Urals là 93,7 USD/thùng.
Giá dầu thế giới hiện đã tiến gần mức 100 USD/thùng. (Ảnh: RIA) |
Tất cả những điều này là hệ quả của việc giá khí đốt tăng cao và sự phục hồi của nhu cầu toàn cầu sau quãng thời gian ngừng hoạt động do đại dịch Covid-19, cũng như những thất bại về hậu cần và căng thẳng địa chính trị. Cho đến nay, thị trường dầu mỏ vẫn trong tình trạng thiếu cung.
Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ và các đối tác ngoài khối (OPEC+) mới đây thông báo sẽ tiếp tục tăng sản lượng với kế hoạch là 400 nghìn thùng/ngày. Tuy nhiên, theo ước tính mới nhất từ Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) và Cơ quan Quản lý Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA), năm nay thế giới sẽ cần nhiều dầu hơn nguồn cung từ OPEC+. Theo IEA, sự thâm hụt trên thị trường ngày càng tăng và có thể có ít dự trữ hơn trong hệ thống. Đồng thời, theo tính toán, nhu cầu dầu thế giới cũng đang tăng lên đều đặn, “rõ ràng là chủng Omicron đã không có tác động mạnh đến mức tiêu thụ nguyên liệu thô trên thế giới như nhiều người đã giả định”.
“Cú đấm kép”
Tuy nhiên, đối với nền kinh tế thế giới, dầu đắt đỏ như vậy có thể trở thành một “cú đúp đau đớn”. Theo Bloomberg, việc giá dầu tăng từ khoảng 70 USD/thùng vào cuối năm 2021 lên 100 USD/thùng vào cuối tháng 2/2022 sẽ khiến lạm phát ở Mỹ và châu Âu tăng khoảng 0,5% trong nửa cuối năm.
Các nhà phân tích tại ngân hàng đầu tư Goldman Sachs dự đoán, giá dầu sẽ tăng lên 100 USD trong quý III/2022. Theo ước tính của ngân hàng này, với xác suất 50%, điều này sẽ dẫn đến mức tăng lạm phát trung bình là 60 điểm cơ bản. Và các nền kinh tế mới nổi sẽ bị ảnh hưởng nặng nề nhất.
Dự báo của JPMorgan Chase thậm chí còn bi quan hơn khi giá dầu tăng lên 150 USD/thùng gần như sẽ ngăn chặn hoàn toàn tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế toàn cầu và nâng lạm phát toàn cầu lên trên 7%.
Theo Oxford Economics, cứ 10 USD/thùng giá dầu làm thâm hụt khoảng 0,2% tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Và theo Moody's Analytics, 10 USD cộng thêm mỗi thùng sẽ làm giảm 0,1% tăng trưởng kinh tế vào năm 2023. Một số quốc gia trong tình trạng như vậy sẽ phải đối mặt với nguy cơ suy thoái, đặc biệt nếu ngân hàng trung ương của các quốc gia đó thắt chặt chính sách tiền tệ.
Nga đạt siêu lợi nhuận
Nga, trong điều kiện giá dầu đắt đỏ đã được hứa hẹn đạt siêu lợi nhuận cho ngân sách. Năm 2022, nếu giá dầu ở mức trung bình 90 USD/thùng. Theo các nhà phân tích của Bloomberg, ngân sách Nga trong trường hợp này có thể nhận thêm hơn 65 tỉ USD doanh thu. Và với giá dầu là 100 USD/thùng, số tiền này là 80 tỉ USD.
Giá dầu thô hiện cao hơn khoảng 50% so với cùng kỳ năm ngoái. (Ảnh: RIA) |
Do đó, giá trị đồng USD trong tổng thu ngân sách của Nga sẽ tiệm cận với giá trị đỉnh cao được quan sát thấy lần cuối cách đây khoảng 10 năm. Tính theo đồng ruble, “khoản thu ngân sách” của Nga có thể còn lớn hơn rất nhiều lần.
Tất cả số tiền thu được từ việc bán dầu vượt quá giá ngân sách được chuyển đến Quỹ Phúc lợi Quốc gia (NWF).
“Càng có nhiều tiền trong NWF, nền kinh tế Nga càng cảm thấy tự tin hơn, vì những khoản tiền này có thể được chi để duy trì tỷ giá đồng ruble, thực hiện các nghĩa vụ xã hội đối với công dân hoặc đầu tư vào các dự án cơ sở hạ tầng quan trọng nhất của đất nước”, các nhà phân tích của Freedom Finance nhận định.
Lạm phát sẽ tăng ở Nga
Tuy nhiên, cũng có một mặt trái. Giá dầu tăng, tác động tích cực đến các nhà sản xuất nguyên liệu thô, nhưng cũng sẽ ảnh hưởng mạnh đến người tiêu dùng. Chi phí cho các sản phẩm cuối cùng họ sẽ tăng lên, kể cả đối với hàng hóa do Nga nhập khẩu.
“Chỉ trong lĩnh vực bán lẻ tiêu dùng, chúng tôi có tỷ trọng nhập khẩu 40%, bao gồm cả thực phẩm 22%. Và sự gia tăng đáng kể của giá các nguồn năng lượng trên thế giới là một trong những nguyên nhân quan trọng làm tăng tốc độ lạm phát ở Nga”, ông Mark Goykhman, nhà kinh tế trưởng tại trung tâm phân tích và thông tin TeleTrade cho biết. Đồng thời, ông cho rằng với động lực này có thể tiếp tục khiến giá dầu và các sản phẩm dầu tăng thêm.
“Nhiều khả năng lạm phát giá tiêu dùng năm nay sẽ thấp hơn năm trước, do các nhà sản xuất và bán lẻ cũng không thể tăng giá liên tục. Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng lạm phát từ 5-8% trong năm nay là khá thực tế”, bà Natalya Milchakova, Phó Giám đốc Hãng phân tích Alpari (Nga) cho biết.
Thanh Bình (lược dịch)