Học sinh Hà Nội trở lại trường, phát hiện F0 xử lý thế nào?
Tin Y tế - Ngày đăng : 16:52, 16/02/2022
Tại Hội nghị của Bộ Y tế sáng 16/2, TS Dương Chí Nam, Phó Cục trưởng Cục quản lý môi trường y tế, Bộ Y tế, thông tin về điều kiện để các trường tiến hành dạy học trực tiếp.
TS Dương Chí Nam cho biết, theo Nghị quyết 128 chúng ta có 4 cấp độ dịch. Ở cấp độ 1 và 2, học sinh có thể đến trường học trực tiếp, cấp độ 3 và 4, các trường có thể dạy học trực tiếp hoặc trực tuyến. Trường hợp dạy trực tiếp, cần hạn chế về quy mô, số lượng và thời gian học. Điều này do UBND các tỉnh, thành quyết định dựa trên căn cứ đánh giá dịch tễ của y tế địa phương.
Hiện nay, có trên 90% xã phường ở cấp độ dịch 1, 2 như vậy tương ứng 90% học sinh có thể đi học trực tiếp và học sinh ở địa bàn cấp độ 3, 4 chiếm chưa tới 10%.
Ảnh: Thanh Hùng |
Về vấn đề khi trường học xuất hiện F0 cần xử trí thế nào, TS Dương Chí Nam cho rằng: “Thời gian qua, có một số trường khi phát hiện F0 đã dừng, đóng cửa toàn bộ trường học là rất cực đoan. Nguyên tắc là chúng ta cần xử lý khoanh gọn. Ca F0 ở đâu thì xác định F1 ở đó, tại lớp học đó. Không nên dừng toàn bộ trường học. Nếu chỉ có 1 ca F0 mà dừng toàn bộ trường học là cực đoan, ảnh hưởng việc học tập của các học sinh khác”.
Phó Cục trưởng Cục quản lý môi trường y tế cũng đưa ra các lưu ý đối với địa phương khắc phục vấn đề F0 tại trường học. Cụ thể, các tỉnh cần rà soát lại, tăng cường tập huấn, diễn tập các kịch bản xảy ra. Phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường, gia đình và cơ quan y tế trong việc phát hiện các trường hợp nghi ngờ.
“Chúng tôi nhấn mạnh, nhà trường cần yên cầu phụ huynh học sinh khi phát hiện con có triệu chứng nghi ngờ như sốt, ho, khó thở… cho học sinh nghỉ tại nhà, báo ngay cho nhà trường, cơ quan y tế để có biện pháp xử lý thích hợp”, TS Nam nói.
Các cơ sở giáo dục phải thường xuyên thông qua sổ liên lạc điện tử hoặc hệ thống thông tin liên lạc khác (nếu có) để tuyên truyền, hướng dẫn cho học sinh, cha mẹ học sinh các biện pháp phòng, chống dịch cũng như thông tin về các biện pháp phòng, chống dịch đã được thực hiện và sẽ tiếp tục thực hiện tại các nhà trường để học sinh, cha mẹ học sinh biết, yên tâm và thực hiện đúng.
Xử lý khi có các trường hợp nghi mắc Covid-19 tại trường:
Khi có trường hợp nghi mắc, TS Dương Chí Nam nêu, nhà trường phải thông báo cho Ban chỉ đạo/Tổ an toàn phòng, chống dịch Covid-19 của cơ sở giáo dục, phụ huynh học sinh. Đồng thời, thông báo cho lực lượng đã được phân công để phân luồng lối đi từ khu vực có trường hợp nghi ngờ đến phòng cách ly tạm thời.
Hướng dẫn trường hợp nghi ngờ di chuyển theo lối đi đã được phân luồng để đến phòng cách ly tạm thời, hạn chế di chuyển bằng thang máy hoặc bố trí thang máy riêng và khử khuẩn theo quy định ngay sau khi sử dụng.
Khai thác các tiền sử tiếp xúc của người nghi ngờ, Thông báo phụ huynh học sinh và tham vấn ý kiến y tế địa phương. Bên cạnh đó, cần lấy mẫu xét nghiệm nhanh kháng nguyên SARS-CoV-2 cho người nghi nhiễm.
Khi có F0 trong trường học:
TS Dương Chí Nam thông tin: "Cần chuyển ngay F0 xuống phòng cách ly tạm thời của trường học. Nhà trường thông báo ngay cho trạm y tế cấp xã hoặc cơ sở y tế đã được giao nhiệm vụ phân công hỗ trợ trường học trong công tác phòng, chống Covid-19 để ngay lập tức đến cùng xử lý".
TS Dương Chí Nam cũng lưu ý, đối với lớp có học sinh F0, cho học sinh ngồi yên tại chỗ, tổ chức điều tra xác định các trường hợp F1 theo hướng dẫn của ngành y tế. Tổ chức test kháng nguyên nhanh mẫu gộp cho toàn bộ học sinh của lớp đó. Cho học sinh di chuyển sang lớp học dự phòng và khử khuẩn toàn bộ lớp học. Nếu không phải là F1, xét nghiệm âm tính, cho học sinh đi học trở lại bình thường.
Nếu là F1, cho học sinh F1 ở nhà để theo dõi sức khỏe và xét nghiệm theo quy định. Thời gian theo dõi sức khỏe tại nhà, đối với trường hợp học sinh F1 đã tiêm đủ liều vắc xin, thì ở nhà không quá 7 ngày, xét nghiệm vào ngày thứ 7, âm tính, cho đi học trở lại. Đối với học sinh F1 chưa được tiêm vắc xin, cũng cho nghỉ tại nhà, theo dõi chặt các biểu hiện, xét nghiệm theo quy định; nghỉ học không quá 14 ngày, xét nghiệm vào ngày thứ 7, 13.
“Đối với các lớp học khác, nếu không có sự giao lưu tiếp xúc giữa F0 với các học sinh lớp khác, thì cho đi học bình thường”, TS Dương Chí Nam cho biết.
Yêu cầu với phòng cách ly tạm thời:
TS Dương Chí Nam cũng thông tin, phòng cách ly tạm thời cần có công trình vệ sinh khép kín. Cửa phòng bố trí nơi rửa tay với xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn tay nhanh để thuận tiện sử dụng. Đảm bảo thực hiện phòng chống lây nhiễm bằng việc thực hiện vệ sinh thông khí; hàng ngày lau rửa nền nhà, tay nắm cửa và bề mặt các đồ vật trong phòng bằng các dung dịch sát khuẩn hoặc chất tẩy rửa thông thường, nhà vệ sinh sạch sẽ.
Nhà trường phải bố trí thùng đựng chất thải có nắp đậy (Thu gom khẩu trang, khăn, giấy lau mũi, miệng đã qua sử dụng của người cách ly vào thùng đựng chất thải. Đối với trường hợp có yếu tố tiếp xúc dịch tễ thì thu gom, vận chuyển và xử lý như chất thải lây nhiễm theo hướng dẫn của trạm y tế cấp xã; thu gom các rác thải sinh hoạt khác vào thùng đựng rác thải thông thường).
Đảm bảo trang thiết bị y tế cơ bản theo quy định. Ngoài ra, cần có nội quy khu vực cách ly. Đó là hạn chế tối đa những người không phận sự vào khu vực cách ly; đảm bảo an ninh, an toàn; không tổ chức ăn uống tập trung trong khu vực cách ly; cung cấp suất ăn cho người được cách ly và đảm bảo an toàn thực phẩm.