Nước cờ liên tiếp của Nga khiến phương Tây "xoay như chong chóng"
Đối ngoại - Ngày đăng : 14:58, 16/02/2022
Giữa lúc căng thẳng leo thang gần như đến mức đỉnh điểm và phương Tây dự đoán xung đột có thể sẽ nổ ra ngay trong tuần này, Tổng thống Putin đã xác nhận tại buổi họp báo sau cuộc gặp với Thủ tướng Đức Olaf Scholz hôm 15/2 rằng, một phần của quân đội Nga sẽ được rút khỏi khu vực biên giới Ukraine.
Bộ Quốc phòng Nga cũng thông báo, một số đơn vị của quân đội Nga sẽ rút về căn cứ sau cuộc tập trận ở biên giới Ukraine. Phía Nga nói rằng binh sĩ của nước này đã hoàn tất một số cuộc tập trận quân sự ở Belarus, gần biên giới Ukraine và sẽ bắt đầu rút về vị trí triển khai thường trực.
Tuy nhiên, Nga chưa rút toàn bộ lực lượng về nước và một số cuộc tập trận vẫn tiếp tục diễn ra. Trước đó, Nga thông báo cuộc tập trận quân sự chung với Belarus sẽ kéo dài 10 ngày, bắt đầu từ 10/2. Cuộc tập trận không chỉ diễn ra ở khu vực gần biên giới Ukraine, mà còn gần biên giới Ba Lan và Lithuania, 2 nước thành viên của NATO.
Trong khi giới quan sát "thở phào nhẹ nhõm" vì tin rằng Nga - Ukraine đã tháo ngòi nổ xung đột, Mỹ và các đồng minh phương Tây vẫn hoài nghi tuyên bố rút quân của Moscow.
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg tuyên bố, không có bằng chứng cụ thể nào cho thấy Nga đã rút các vũ khí hạng nặng với khả năng đe dọa cao nhất khỏi biên giới với Ukraine.
"Thông báo rút quân là cơ sở cho phép chúng ta lạc quan một cách thận trọng. Nhưng cho đến nay, chúng tôi chưa thấy bất kỳ dấu hiệu giảm leo thang căng thẳng nào trên thực địa", ông Stoltenberg cho biết.
"Nga đã tập trung lực lượng vũ trang xung quanh Ukraine với quy mô chưa từng có kể từ sau chiến tranh Lạnh. Tất cả vẫn đang trong trạng thái sẵn sàng chiến đấu. Nhưng Nga vẫn còn thời gian để lùi khỏi bờ vực, chấm dứt chuẩn bị cho chiến tranh và bắt đầu tìm kiếm một giải pháp hòa bình", ông Stoltenberg nói, đồng thời mô tả tình hình hiện nay là "cuộc khủng hoảng an ninh nghiêm trọng nhất (NATO) phải đối mặt ở châu Âu trong nhiều thập niên".
Thủ tướng Anh Boris Johnson cũng cho biết, ông chưa được thuyết phục trước thông báo rút quân của Nga.
"Chúng tôi thấy các bệnh viện dã chiến của Nga đang được xây dựng ở Belarus, gần biên giới với Ukraine. Điều đó chỉ có thể được hiểu là Nga đang chuẩn bị cho một cuộc tấn công. Theo thông tin tình báo mà chúng tôi đang thấy, có thêm nhiều nhóm tác chiến cấp tiểu đoàn của Nga được đưa đến gần biên giới với Ukraine", ông Johnson nói.
Ngoại trưởng Ukraine Dmitry Kuleba cũng tỏ ra hoài nghi trước tuyên bố rút quân của Nga. Ông nhấn mạnh trong một cuộc họp báo rằng, Ukraine sẽ chỉ tin Nga giảm leo thang căng thẳng khi thấy Nga rút quân khỏi biên giới. Trong khi đó, Văn phòng Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết thông báo rút quân của Nga là "tín hiệu đúng đắn".
Vào cuối ngày 15/2, Ukraine xác nhận nước này phát hiện một cuộc tấn công mạng nhắm thẳng vào một ngân hàng cũng như các trang web của Bộ Quốc phòng và các lực lượng vũ trang Ukraine. Đây là một chiến thuật cấp thấp mà các quan chức phương Tây cáo buộc Nga có thể triển khai trước một cuộc tấn công. Moscow hiện chưa lên tiếng về thông tin này.
Hạ viện Nga bỏ phiếu
Vài giờ sau khi Bộ Quốc phòng Nga thông báo rút quân, các nghị sĩ tại Duma Quốc gia Nga (Hạ viện) bỏ phiếu thông qua dự luật nhằm kêu gọi Tổng thống Putin công nhận độc lập tại vùng Donbass, gồm 2 vùng lãnh thổ Donetsk và Luhansk ở đông Ukraine tiếp giáp Nga. Ngay lập tức, sự chú ý của phương Tây tập trung vào động thái này, mặc dù Điện Kremlin vẫn chưa đưa ra tuyên bố chính thức.
Donbass trở thành điểm nóng giao tranh từ năm 2014 giữa quân đội chính phủ Ukraine và lực lượng ly khai. Chính phủ Ukraine và phương Tây cáo buộc Nga hỗ trợ vũ khí và lực lượng cho phong trào ly khai ở Donbass, trong khi các chỉ huy quân sự thuộc lực lượng ly khai cáo buộc phương Tây và chính phủ Ukraine điều động lực lượng áp sát khu vực. Ước tính cuộc xung đột tại đông Ukraine khiến 15.000 người thiệt mạng.
Điện Kremlin nhiều lần khẳng định chưa từng triển khai quân đội tới đông Ukraine. Nếu Nga công nhận độc lập của Donetsk và Luhansk, động thái này sẽ phá vỡ trụ cột chính trong các cuộc đàm phán đang diễn ra giữa phương Tây và Nga: Hiệp định Minsk.
Hiệp định Minsk hay còn gọi là thỏa thuận Minsk được các nước Pháp, Đức, Nga và Ukraine thông qua ngày 12/2/2015, sau sự kiện Nga sáp nhập bán đảo Crimea, nhằm tìm cách chấm dứt cuộc khủng hoảng ở miền đông Ukraine.
Thỏa thuận có những nội dung cụ thể như: quân đội Ukraine và phe đối lập ở Donetsk và Luhansk nhất trí ngừng bắn, các chiến binh nước ngoài phải rời khỏi Ukraine, phóng thích tù nhân, Donetsk và Luhansk phải tiến hành bầu cử lại, Ukraine sẽ phải thay đổi hiến pháp để trao thêm nhiều quyền hơn nữa cho các vùng thuộc miền đông nước này và khôi phục mọi hoạt động kinh tế tại miền đông...
Tuy nhiên, trong nhiều năm qua, thỏa thuận vẫn chưa được thực hiện một cách đầy đủ khiến giao tranh vẫn diễn ra giữa các bên. Moscow cáo buộc Kiev không tuân thủ thỏa thuận Minsk.
Mặc dù các thỏa thuận đã thất bại trong việc ngăn chặn cuộc chiến kéo dài ở Donbass, song các nhà lãnh đạo phương Tây cho rằng việc khôi phục hiệp định Minsk có thể là cơ sở để Nga giảm bớt sức ép từ việc triển khai quân đội dọc biên giới Ukraine.
Sau cuộc bỏ phiếu của Hạ viện Nga, các đồng minh phương Tây đã nhanh chóng lên tiếng phản đối bất kỳ sự công nhận độc lập nào đối với các vùng lãnh thổ ly khai, cảnh báo động thái này có thể phá vỡ các nỗ lực ngoại giao đang diễn ra.
"Nếu làm vậy (công nhận độc lập), Nga sẽ một lần nữa vi phạm trắng trợn lãnh thổ và chủ quyền của Ukraine", Tổng thư ký NATO cho biết.
Ngoại trưởng Latvia Edgars Rinkevics kêu gọi Liên minh châu Âu (EU) trừng phạt Nga nếu Moscow công nhận độc lập của vùng lãnh thổ ở Donbass.
"Nghị quyết của hạ viện Nga kêu gọi công nhận Donetsk và Luhansk độc lập một hành động đáng trách và trái với luật pháp quốc tế. Nếu Nga đi theo hướng này, EU phải hành động và áp đặt các biện pháp trừng phạt", Ngoại trưởng Rinkevics cảnh báo.
Tổng thống Putin ngày 15/2 tuyên bố Nga không muốn chiến tranh ở châu Âu. Ông kêu gọi giải quyết xung đột ở Donbass thông qua tiến trình hòa bình của thỏa thuận Minsk, đồng thời yêu cầu phương Tây đáp ứng các đề xuất của Nga. Ông chủ Điện Kremlin cũng nói rằng, đề xuất của Hạ viện Nga cho thấy các nghị sĩ đã đồng cảm với những người dân sống ở vùng Donbass bị chiến tranh tàn phá.
Một số chuyên gia phương Tây cho rằng, Donetsk và Luhansk có thể trở thành "quân bài mặc cả", việc Ukraine cho phép Nga kiểm soát khu vực này có thể là một phần của sự thỏa hiệp, từ đó giúp ngăn chặn nguy cơ xảy ra cuộc tấn công toàn diện của Nga. Ukraine có thể lựa chọn từ bỏ "giấc mộng" gia nhập NATO và chấp nhận quyền tự trị của Donbass, đổi lại Nga sẽ đồng ý tôn trọng chủ quyền của Ukraine và từ bỏ bất kỳ nỗ lực nào nhằm đưa Ukraine vào tầm ảnh hưởng của Moscow. Tuy nhiên, Ukraine dường như không mặn mà với kịch bản này.
Ngoại trưởng Ukraine Dmitry Kuleba cảnh báo nước này sẽ coi cuộc bỏ phiếu công nhận độc lập của 2 khu vực ở đông Ukraine đồng nghĩa với việc Moscow từ bỏ kế hoạch hòa bình nhằm chấm dứt xung đột ở vùng Donbass.
"Nếu quyết định công nhận được đưa ra, Nga sẽ chính thức rút khỏi các thỏa thuận Minsk và sẽ nhận tất cả hậu quả tương ứng", Ngoại trưởng Ukraine cảnh báo.