Vì sao F0 khỏi bệnh lâu ngày vẫn thở oxy?
Tin Y tế - Ngày đăng : 13:34, 16/02/2022
Khỏi bệnh vẫn thở oxy gần một tháng
Gần đây, một phụ nữ 52 tuổi đến khám hậu COVID-19 tại Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM trong tình trạng suy hô hấp mạn tính, phải mang theo bình oxy dù khỏi COVID-19 gần một tháng. Trên phim X-quang, hai bên phổi của bệnh nhân mờ đục, diện tích tổn thương nhiều.
Tại khu điều trị nội trú của phòng khám di chứng hậu COVID-19, Bệnh viện Quân y 175 có khoảng 30 bệnh nhân có tình trạng nặng đang được điều trị do các rối loạn hậu COVID-19.
TS BS. Nguyễn Như Vinh - Trưởng khoa Thăm dò chức năng hô hấp Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM - cho biết, những người bệnh sau khi điều trị khỏi COVID-19, mặc dù test âm tính nhưng vẫn phải trợ thở bằng bình ô-xy đa phần là bệnh nặng, bị tổn thương phổi, xơ phổi. Người bệnh cần đi khám và điều trị ở các bệnh viện có phòng khám hậu COVID-19 ngay.
Nếu ở nhà thở ôxy lâu ngày sẽ dẫn đến xơ hóa phổi, khó điều trị. Nhiều người lúc nhiễm COVID-19 có những biểu hiện rất nhẹ nhàng như không có gì, nhưng sau khi điều trị khỏi bệnh lại có vấn đề về phổi. Thường bệnh xuất hiện lai rai vào những tháng thứ hai, thứ ba và thứ tư hậu COVID-19.
Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Hải Công - Trưởng phòng khám di chứng hậu COVID-19, Bệnh viện Quân y 175 - cho biết một số người đến khám do tình trạng hậu COVID-19 có biểu hiện ở mức độ nặng.
Họ gặp các di chứng về hô hấp, khó thở, suy hô hấp phải phụ thuộc vào thở oxy. Một số bệnh nhân gặp rối loạn ý thức, vận động hoặc di chứng xơ phổi, thuyên tắc phổi. Một số bệnh nhân gặp rối loạn ý thức, vận động do di chứng đột quỵ não hoặc các vấn đề bệnh lý tim mạch.
Phải kiểm tra và phục hồi chức năng phổi
Theo TS Vinh, người bệnh điều trị COVID-19 sau khi xuất viện cần đi khám tổng quát, chụp hình phổi xem có bị tổn thương phổi hay không để điều trị kịp thời khi chưa bị xơ phổi. Những người bệnh tự điều trị ở nhà, nếu có những biểu hiện khó thở, thở hụt hơi cũng cần đi khám ngay.
Với người bệnh sau khi điều trị khỏi COVID-19 vẫn phải kiểm tra và phục hồi chức năng phổi sau ít nhất 2 - 4 tuần, cả không có lẫn có triệu chứng như mệt mỏi, hồi hộp, chóng mặt, kiệt sức, đứng và đi lại không được lâu hoặc không tập thể dục nặng như trước.
Đối với người bệnh bị tổn thương phổi cần tìm đến bệnh viện hoặc bác sĩ hô hấp chuyên về xơ phổi. Điều trị viêm phổi có thể dùng thuốc kháng sinh, nhưng điều trị về xơ phổi thường khó hơn rất nhiều.
Việc điều trị xơ phổi hậu COVID-19 có thể kéo dài nhiều tháng, nhiều năm tùy diễn tiến bệnh. Do đó, việc kiên trì tuân thủ điều trị và tái khám đóng vai trò rất quan trọng.
Do đó, người bệnh điều trị COVID-19 sau khi xuất viện cần đi khám tổng quát, chụp hình phổi xem có bị tổn thương phổi hay không để điều trị kịp thời khi chưa bị xơ phổi. Những người bệnh tự điều trị ở nhà, nếu có những biểu hiện khó thở, thở hụt hơi cũng cần đi khám ngay.
Bên cạnh đó, người mắc thuộc nhóm nguy cơ (cao tuổi, người có bệnh nền như huyết áp, tiểu đường, ung thư, phổi tắc nghẽn mạn tính, hen, suy tim...) là những đối tượng đầu tiên dễ mắc di chứng hậu COVID-19.
Bác sĩ Hải Công cho biết thêm, những bệnh nhân có di chứng hậu COVID-19 mức độ nặng thường có tiên lượng hồi phục chậm hơn so với bệnh lý tổn thương phổi thông thường khác. Một số trường hợp người bệnh lệ thuộc hoàn toàn vào chăm sóc y tế, khiến chất lượng cuộc sống của họ và gia đình suy giảm nghiêm trọng.
Với F0 khỏi bệnh, khi nhận thấy cơ thể có triệu chứng bất thường nhưng không liên quan tới những bệnh trước đây, ảnh hưởng chất lượng sống, nên đi khám sớm tại cơ sở y tế uy tín.