Nói khả năng Nga tấn công Ukraine, Tổng thống Mỹ khẳng định không điều quân, tung đề xuất an ninh châu Âu
Đối ngoại - Ngày đăng : 12:53, 16/02/2022
Tổng thống Mỹ cho rằng, Nga vẫn còn ở vị trí để đưa ra 'mối đe dọa lớn' với Ukraine. (Nguồn: AP) |
Trong tuyên bố được đưa ra sau những động thái mới nhất của Nga về việc rút một số lượng binh sĩ khỏi khu vực gần biên giới Ukraine, Tổng thống Biden cho biết, Mỹ "vẫn chưa kiểm chứng được" và "nhận thấy những phân tích chỉ ra rằng, Nga vẫn còn ở vị trí có thể đưa ra mối đe dọa lớn".
Liên quan việc triển khai vũ khí trên lãnh thổ Ukraine, ông Biden tuyên bố: "Cả Mỹ và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đều không có tên lửa ở đây, cũng không có kế hoạch triển khai chúng. Chúng tôi không nhắm vào người dân Nga. Chúng tôi không tìm cách gây bất ổn cho Nga".
Tổng thống Mỹ cho hay, nước này không có kế hoạch điều binh sĩ tới Ukraine trong trường hợp nổ ra một cuộc xung đột quân sự, tuy nhiên, Washington sẽ duy trì cam kết đối với nguyên tắc phòng thủ tập thể của NATO.
Theo đó: "Tôi sẽ không điều quân nhân Mỹ tới chiến đấu với Nga ở Ukraine, nhưng chúng tôi cung cấp cho quân đội Ukraine trang thiết bị giúp họ tự vệ. Chúng tôi cung cấp huấn luyện, cố vấn và tình báo với cùng mục đích đó".
Mỹ cam kết sẽ bảo vệ từng tấc đất của lãnh thổ NATO, khẳng định, một cuộc tấn công nhằm vào bất kỳ quốc gia thành viên nào cũng là cuộc tấn công chống lại tất cả liên minh.
Bên cạnh đó, theo ông chủ Nhà Trắng, Mỹ đã triển khai bổ sung các lực lượng tới củng cố sườn phía Đông của NATO và "chúng tôi cũng sẽ tiếp tục tập trận quân sự với các đồng minh cùng đối tác để tăng cường năng lực sẵn sàng phòng thủ".
Tổng thống Biden cảnh báo, "nếu Nga xâm lược Ukraine, chúng tôi sẽ có những bước đi tiếp theo nhằm củng cố sự hiện diện ở NATO, trấn an các đồng minh và ngăn chặn có thêm hành động gây hấn".
Tuy nhiên, ông cho rằng, "các bên cần cho ngoại giao một cơ hội thành công".
Liên quan các đảm bảo về an ninh châu Âu, nhà lãnh đạo Mỹ cho hay, ông đã đề xuất những sáng kiến cụ thể để thiết lập một môi trường an ninh ở châu Âu như "biện pháp kiểm soát vũ khí mới, các biện pháp minh bạch mới, các biện pháp ổn định chiến lược mới, sẽ áp dụng đối với cả NATO và Nga".
Theo ông, sáng kiến đó là những bước đi thực chất, hướng tới kết quả và có thể thúc đẩy an ninh chung.
Tổng thống Mỹ đồng thời khẳng định: "Chúng tôi sẽ không hy sinh những nguyên tắc cơ bản. Các quốc gia có chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ. Họ có quyền tự do thiết lập lộ trình của riêng mình và lựa chọn đối tác họ sẽ liên kết".