Giải pháp nào cho việc xử lý rác thải sinh hoạt ở Ninh Bình?
Thiên nhiên - Môi trường - Ngày đăng : 10:50, 16/02/2022
Rác thải gia tăng gây “áp lực” thu gom, xử lý
Sở TN&MT tỉnh Ninh Bình cho biết, năm 2021, trong tổng lượng rác thải sinh hoạt phát sinh trên địa bàn tỉnh có khoảng 164 tấn/ngày phát sinh tại khu vực đô thị, khu vực nông thôn có khoảng 341 tấn/ngày. Khối lượng được thu gom, xử lý khoảng 383 tấn/ngày, đạt tỷ lệ khoảng 86%; trong đó thấp nhất là huyện Kim Sơn (khoảng 70%) và Nho Quan (khoảng 75%). Phần lớn lượng rác thải phát sinh chủ yếu từ quá trình sinh hoạt của các hộ gia đình, khu dịch vụ công cộng, từ các cơ quan và cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ... ngày càng lớn và chưa được phân loại tại nguồn đã và đang gia tăng áp lực cho công tác thu gom, xử lý.
Hiện rác thải sinh hoạt phát sinh trên địa bàn tỉnh chủ yếu do các Công ty môi trường và dịch vụ đô thị hoặc Trung tâm vệ sinh môi trường đô thị của các huyện, thành phố thực hiện vận chuyển. Ngoài ra, còn có một số xã (11 xã của huyện Nho Quan, 6 xã của huyện Yên Khánh, 5 xã của huyện Gia Viễn, 3 xã của huyện Kim Sơn) hợp đồng với các doanh nghiệp tư nhân để vận chuyển rác thải đến Nhà máy xử lý rác thải rắn của tỉnh tại xã Đông Sơn, thành phố Tam Điệp để xử lý; đối với các xã xử lý rác tại bãi rác của xã hoặc lò đốt rác thì các tổ thu gom rác của địa phương chịu trách nhiệm vận chuyển.
Đến nay, tất cả các khu dân cư của các phường, thị trấn đã thực hiện thu gom rác thải sinh hoạt; đã có 115/119 xã thành lập tổ thu gom rác thải; hoạt động thu gom rác thải đã được thực hiện thường xuyên, liên tục và đã tạo thành thói quen của các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân tại khu vực nông thôn. Tuy nhiên, vẫn còn 131 thôn/xóm của 32 xã chưa thành lập được tổ thu gom rác.
Rác thải tại các địa phương trên địa bàn tỉnh Ninh Bình được xử lý bằng nhiều hình thức khác nhau như: đốt bằng lò đốt rác chuyên dụng công suất nhỏ (3 xã của huyện Kim Sơn và Gia Viễn); đốt bằng lò đốt thủ công quy mô hộ gia đình tại 2 xã của huyện Nho Quan; xử lý tập trung tại Nhà máy xử lý chất thải rắn tại thung Quèn Khó, xã Đông Sơn, thành phố Tam Điệp…
Đáng chú ý, hiện vẫn còn 10 bãi rác của các xã thuộc địa bàn huyện Yên Khánh đang xử lý rác bằng biện pháp chôn lấp lộ thiên, các bãi rác không được chống thấm, không có hệ thống thu gom, xử lý nước rỉ rác dẫn đến gây ô nhiễm môi trường xung quanh; công tác vệ sinh môi trường tại một số điểm tập kết rác thải còn kém dẫn đến ô nhiễm môi trường tại các điểm tập kết.
Trên địa bàn mới chỉ có một số địa phương triển khai mô hình phân loại rác thải tại nguồn ở một số hộ gia đình tại 9 xã của huyện Yên Khánh, 5 xã của huyện Hoa Lư, 1 xã tại thành phố Ninh Bình. Chất thải hữu cơ dễ phân hủy được sử dụng để ủ phân compos làm phân vi sinh, chất thải khó phân hủy được giao cho đơn vị thu gom rác thải vận chuyển đến nhà máy xử lý chất thải rắn tại thung Quèn Khó để xử lý.
Từ thực trạng công tác xử lý chất thải rắn trên địa bàn tỉnh Ninh Bình cho thấy, các khu xử lý chưa đáp ứng được nhu cầu xử lý toàn bộ lượng chất thải sinh hoạt phát sinh; hiệu quả xử lý chất thải chưa cao, việc xử lý chất thải sinh hoạt theo mô hình lò đốt nhỏ lẻ là chưa phù hợp. Trong khi đó, phần lớn rác thải không được phân loại tại nguồn gây khó khăn cho công tác xử lý tại nhà máy xử lý tập trung của tỉnh. Mặt khác, việc vận chuyển rác thải từ địa bàn các huyện, thành phố về Khu xử lý rác tập trung tại Thung Quèn Khó xa, chi phí vận chuyển lớn. Chi phí cho công tác quản lý chất thải còn hạn hẹp, gây khó khăn trong việc đầu tư xây dựng các cơ sở xử lý chất thải rắn theo quy hoạch...
Cần giải pháp cấp bách
Ông Lê Hùng Thắng, Phó giám đốc Sở TNMT tỉnh Ninh Bình cho rằng, cùng với sự gia tăng về dân số, sự phát triển kinh tế - xã hội, đời sống nhân dân ngày càng được nâng cao thì lượng rác thải phát sinh ngày càng nhiều, gây áp lực lên môi trường sống ngày càng cao. Vì vậy, việc đầu tư hệ thống thu gom, vận chuyển, các công trình xử lý rác thải đồng bộ tại các địa phương trên địa bàn tỉnh Ninh Bình là hết sức cần thiết và là nhu cầu thiết yếu để đảm bảo môi trường, đảm bảo chất lượng cuộc sống của người dân trên địa bàn.
Để giải quyết vấn đề này, UBND tỉnh Ninh Bình đã ban hành Đề án thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải nông thôn tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2020-2025. Theo đó, mục tiêu cụ thể đến năm 2025, tỷ lệ thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải sinh hoạt khu vực nông thôn đạt khoảng 85%; 100% các thôn, xóm có tổ thu gom rác thải sinh hoạt; xử lý triệt để các điểm tồn đọng rác thải tại các khu dân cư, các trục đường giao thông, các bãi rác cũ và chấm dứt xử lý rác thải tại các bãi chôn lấp nhỏ lẻ trước năm 2025.
Cùng với đó, cải tạo, nâng cao hiệu quả sử dụng các lò đốt rác đang hoạt động tại huyện Yên Khánh; tăng cường đầu tư các phương tiện, thiết bị để thu gom, vận chuyển rác đến khu vực xử lý, phấn đấu trang bị xe chở rác chuyên dụng đủ năng lực vận chuyển cho tất cả các huyện, thành phố; xây dựng các khu xử lý rác thải theo quy hoạch, có công nghệ xử lý phù hợp, đảm bảo tỷ lệ chôn lấp còn dưới 20%.
Ngoài ra, xây dựng cơ chế để khuyến khích, thu hút các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt; có giải pháp thu hút các dự án xử lý chất thải rắn có công nghệ đốt tiên tiến, hiện đại, thân thiện với môi trường theo quy hoạch tại Quyết định số 321/QĐ-UBND ngày 06/3/2019 của UBND tỉnh về việc phê duyệt Đồ án điều chỉnh quy hoạch quản lý chất thải rắn tỉnh Ninh Bình đến năm 2030.
Để đáp ứng chu nhầu xử lý rác thải trong thời gian tới cần mở rộng diện tích của khu chôn lấp rác thải thung Quèn Khó. UBND huyện Kim Sơn cần triển khai phương án cải tạo Nhà máy xử lý rác thải tại xã Hồi Ninh và đưa vào sử dụng để xử lý, tái chế chất thải thực phẩm thành phân hữu cơ, phân vi sinh nhằm giảm tải cho khu xử lý rác Quèn Khó tại xã Đông Sơn, TP Tam Điệp.
Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Ninh Bình