36 phường, xã tại TP.HCM nâng cấp độ dịch Covid-19

Xã hội - Ngày đăng : 10:19, 16/02/2022

Bắt đầu từ 14/2, TP.HCM triển khai đánh giá cấp độ dịch theo Quyết định mới của Bộ Y tế. Theo đó, có 36 phường, xã tăng cấp độ so với cách đánh giá cũ.

Theo Sở Y tế TP.HCM, TP có 275 phường, xã đạt cấp 1, 37 phường, xã đạt cấp 2 theo kết quả đánh giá cấp độ dịch theo hướng dẫn mới của Bộ Y tế. Như vậy có 36 phường, xã tăng cấp độ dịch với cách đánh giá cũ.

Đối với 37 phường, xã trong tuần qua có cấp độ 2, Sở Y tế nhận định có 4 nhóm nguyên nhân chính như sau:

Thứ nhất, tỷ lệ tiêm vắc xin đủ mũi không đạt quy định sẽ bị tăng thêm 1 mức độ lây nhiễm. Nhóm này có 28 phường, xã (2 phường ở quận 8; 7 phường ở quận Bình Tân, 10 phường ở quận Gò Vấp, 1 phường ở Tân Phú; 6 phường ở TP Thủ Đức; 2 xã ở huyện Hóc Môn).

36 phường, xã tại TP.HCM nâng cấp độ dịch Covid-19
Tỷ lệ vắc xin Covid-19 không đả bảo khiến phường xã bị nâng cấp độ dịch.

Thứ hai, mức độ lây nhiễm ở mức 2 nhưng khả năng đáp ứng ở mức trung bình. Nhóm này có 5 phường (3 phường ở quận 12, 1 phường ở quận Gò Vấp và 1 xã ở huyện Nhà Bè).

Thứ ba, mức độ lây nhiễm ở mức 3 và khả năng đáp ứng ở mức cao. Nhóm này có 1 phường ở quận 6.

Thứ tư, tỷ lệ ca tử vong/100.000 dân vượt ngưỡng quy định (6 ca/100.000 dân). Do đó đối với những phường, xã có mật độ số dân dưới 16.667 người và chỉ cần 1 ca tử vong trong tuần thì sẽ vượt ngưỡng và tăng thêm 1 cấp độ dịch. Nhóm này có 3 phường (2 phường ở quận 5 và 1 phường ở quận 8).

Sở Y tế nhận định, các phường, xã cần phải tập trung vận động người dân tiêm vắc xin đủ mũi, đặc biệt là người thuộc nhóm nguy cơ; khi mắc bệnh phảo báo ngay cho Trạm y tế để chăm sóc, cấp phát thuốc điều trị Covid-19 kịp thời, hạn chế thấp nhất tỷ lệ chuyển nặng và tử vong do Covid-19.

Theo hướng dẫn mới nhất của Bộ Y tế, việc đánh giá cấp độ dịch phải đảm bảo nguyên tắc kiểm soát nguy cơ sớm nhất, gọn nhất ở quy mô cấp xã nhằm đảm bảo linh hoạt, hiệu quả; phát hiện sớm sự bất thường để xử lý đúng, trúng, hiệu quả.

Đồng thời, phát huy tính chủ động của chính quyền địa phương, tránh tư tưởng buông tay, giao phó cho y tế trong việc điều trị ca bệnh, nặng.