Hội đàm cấp cao Nga-Đức: Tổng thống Putin ra lời chắc nịch liên quan Ukraine và dự án khí đốt
Đối ngoại - Ngày đăng : 07:01, 16/02/2022
Tổng thống Nga Putin và Thủ tướng Đức Scholz tại cuộc họp báo chung sau hội đàm ở Moscow ngày 15/2. (Nguồn: Reuters) |
Nhà lãnh đạo Nga nhấn mạnh, ông đã nhận thấy tâm lý mong muốn hợp tác thực tế và cùng có lợi hơn nữa giữa Moscow và Berlin của Thủ tướng Đức.
Phát biểu tại cuộc họp báo sau cuộc hội đàm kéo dài hơn 3 giờ, Tổng thống Putin nói: “Chúng tôi đã thảo luận kỹ lưỡng và thực chất một loạt vấn đề trong quan hệ song phương và triển vọng phát triển mối quan hệ này và tất nhiên, chú ý nhiều đến những vấn đề cấp bách nhất trong chương trình nghị sự quốc tế”.
Theo nhà lãnh đạo, Nga hiện đang cung cấp hơn 1/3 nhu cầu hydrocarbon của Đức và năng lượng đóng vai trò trọng tâm trong hợp tác kinh tế với Berlin.
Kể từ sau khi dự án “khí đốt đổi lấy đường ống” vào những năm 1970 được thực hiện thành công, người tiêu dùng Đức và các nước châu Âu khác đã được cung cấp khí đốt của Nga một cách đáng tin cậy và không bị gián đoạn.
Theo thống kê, năm 2021, Nga đã cung cấp khoảng 50,7 tỷ m3 khí đốt cho Đức.
Ông Putin lưu ý, "ngay cả trong giai đoạn giá khí đốt cao và nguồn cung thiết hụt ở châu Âu, chúng tôi vẫn tiếp tục cung cấp nhiên liệu cho người tiêu dùng Đức trên cơ sở mức giá theo hợp đồng dài hạn”.
Về Dòng chảy phương Bắc 2, Tổng thống Nga nhấn mạnh, dự án nhằm tăng cường an ninh năng lượng ở châu Âu và không hề phục vụ các mục đích chính trị.
Theo đó: “Đây là một trong những dự án cơ sở hạ tầng lớn nhất ở châu Âu, được xây dựng nhằm tăng cường đáng kể an ninh năng lượng trên lụa địa này, góp phần giải quyết các vấn đề kinh tế và môi trường toàn châu Âu”.
Người đứng đầu nước Nga cho biết, cơ quan quản lý quốc gia Đức đang tiến hành các thủ tục cấp giấy chứng nhận cho Dòng chảy phương Bắc 2, vốn đã hoàn toàn sẵn sàng hoạt động trên quan điểm kỹ thuật từ tháng 12/2021.
Nhà lãnh đạo khẳng định sẵn sàng tiếp tục cung cấp khí đốt cho châu Âu thông qua Ukraine sau năm 2024, "khi hợp đồng vận chuyển hiện tại qua quốc gia này hết hạn, tất nhiên, nếu vẫn có nhu cầu từ các nhà nhập khẩu châu Âu, vẫn có lãi và bản thân hệ thống vận chuyển khí đốt vẫn trong tình trạng kỹ thuật tốt”.
Về phần mình, Thủ tướng Đức Olaf Scholz né tránh trả lời trực tiếp câu hỏi về khả năng áp đặt trừng phạt chống dự án khí đốt Dòng chảy phương Bắc 2.
Ông Scholz nói: “Mọi người đều biết chuyện gì đang xảy ra. Chúng tôi có nghĩa vụ đảm bảo quá trình vận chuyển khí đốt sang châu Âu, thông qua Ukraine, Belarus và Ba Lan, theo đường ống Dòng chảy phương Bắc 1.
Theo người đứng đầu chính phủ Đức, nước này "muốn phát triển hòa bình tình hình ở châu Âu, muốn ở Ukraine, mọi thứ không dẫn đến xung đột quân sự”.