UEFA bỏ luật bàn thắng sân khách, Champions League và bóng đá sẽ ra sao?
Bóng đá quốc tế - Ngày đăng : 18:02, 15/02/2022
PSG – Real là cặp đấu được chờ đợi nhất ở vòng 1/16, hứa hẹn một bữa đại tiệc tấn công lẫn bàn thắng khi cả hai sở hữu hàng công cực mạnh. Luật bàn thắng sân khách đã bị UEFA hủy bỏ kể từ mùa giải này sẽ đảm bảo một trong hai đội sẽ không vào sân với tư tưởng “thủ hòa” để đợi lợi thế ở lượt về.
Con dao hai lưỡi của “phát kiến vĩ đại”
Luật bàn thắng trên sân khách được UEFA áp dụng lần đầu tiên vào năm 1967. Tháng 6/2021, sau cuộc họp thống nhất tại Thụy Sỹ, UEFA đã đi đến quyết định sẽ bãi bỏ luật bàn thắng sân khách (Away goals Rules) tại các giải do tổ chức này điều hành gồm: Champions League, Europa League và Europa Conference League.
Chủ tịch UEFA Ceferin cho rằng dù vẫn còn nhiều tranh cãi nhưng tất cả đều thấy tính công bằng của nó đã không còn phù hợp với bóng đá hiện đại, đi ngược lại mục đích ban đầu. Các đội chủ nhà ở lượt đi thường có xu hướng phòng thủ vì luôn sợ bị thủng lưới sẽ tạo ra lợi thế cho đối thủ ở trận lượt về.
Năm 2018, lần đầu tiên có một cuộc thảo luận do UEFA tổ chức với rất nhiều HLV tham gia để tìm giải pháp chung. Cuộc họp có cả Sir Alex Ferguson, Arsene Wenger, Mourinho v..v
Alex Ferguson là người ủng hộ bỏ luật này. Bán kết Champions League 2010, ông nuốt cay nuốt đắng khi bị Bayern Munich loại dù ...thắng 3-2 trên sân nhà.
MU khi đó đã dẫn trước đến 3-0 khi hiệp 1 chưa kết thúc. Cả sân Old Trafford hừng hực như chảo lửa vì đã đặt 1 chân vào chung kết. Nhưng khi Ivica Olic rút ngắn tỉ số xuống 1-3, sự căng thẳng bắt đầu. Tỉ số chung cuộc lúc này là 2-3 nghiêng về MU nhưng chỉ một bàn nữa là Bayern sẽ vào chung kết. Lượt đi MU đã thua 0-1 trên đất Đức.
Phút 74, đón quả phạt góc của Ribery, Ajen Robben tung cú vô lê ngoạn mục từ ngoài vòng cấm, bóng vượt qua một rừng chân và chui vào lưới trong sự bất lực của Van der Sar. Một trong những bàn thắng đẹp nhất lịch sử Champions League. Tỉ số chung cuộc 3-3 nhưng Bayern vào chung kết do có 2 bàn trên sân khách.
Luật bàn thắng sân khách từng được xem là phát kiến vĩ đại để tăng sự kịch tính và bất ngờ, thúc đẩy các đội bóng chơi tấn công. Nhưng sau những bài học của MU, Barcelona, PSG, hay Milan, UEFA thừa nhận có nhiều chỉ trích về sự thiếu công bằng của luật này, đặc biệt là trong hiệp phụ. Nghĩa là cứ 1 bàn của đội khách thì chủ nhà phải ghi 2 bàn.
5 lý do để đồng tình bãi bỏ
Một trong 5 lý do được đưa ra để bỏ luật là nó quá lỗi thời khi ra đời năm 1965, sau trận tứ kết Cúp C1 (tiền thân của Champions League) giữa Liverpool – Cologne phải phân định thắng thua bằng việc…tung đồng xu sau cả hai lượt đều hòa không bàn thắng. Khi kết quả được quyết định bởi may rủi từ lật trở của đồng bạc, chẳng khác gì kiểu muốn bắn hai con chim nhưng chỉ có một hòn đá. Buộc phải chọn 1.
Luật ra đời thời điểm thập kỷ 1960s khi việc đi lại xuyên lục địa để đá Cúp châu Âu là một cực hình, tốn kém và hao tổn thể lực, chủ yếu bằng tàu lửa, cho cả đội bóng lẫn CĐV. Nhưng hiện nay đi từ London sang vùng cực Bắc của Nga để đá Champions League chỉ tốn vài giờ bay.
Lý do nữa, như Ceferin thừa nhận, bàn thắng sân khách đã đi ngược lại mục đích ban đầu. Các đội chủ nhà lượt đi có xu hướng phòng ngự để không thủng lưới, tránh lợi thế cho khách ở lượt về. Cựu HLV Arsenal Arsene Wenger cho rằng: “sức nặng của bàn thắng sân khách là quá lớn và không còn khả thi nữa. Tôi nghĩ đó là một vấn đề trong bóng đá hiện đại. Đôi khi nó có tác dụng ngược vì điều đầu tiên các HLV của đội chủ nhà lượt đi sẽ nói với cầu thủ là “đừng để thủng lưới”.
Sir Alex Ferguson cũng đồng tình: “khi chơi trên sân nhà, tôi thường tự nói với mình “đừng để thua”. Theo UEFA, tỷ lệ thắng sân nhà và sân khách hiện tại được thu hẹp đáng kể so với trước. Thập niên 1970, đội chủ nhà đạt tỷ lệ thắng 61%, còn đội khách chỉ 19%. Hiện tại, đội chủ nhà thắng 47% số trận, và đội khách đạt 30%.
Sự vô lý còn nằm ở chỗ đội thắng chung cuộc trong cả hai lượt đều bằng trận…hòa. Lượt đi hòa 0-0 và lượt về hòa 1-1. Một trận hòa chắc chắn là bất phân thắng bại, không thể là một chiến thắng. Mọi bàn thắng đều có giá trị như nhau bất kể ghi vào thời điểm nào.
Lý do thứ tư là tạo động lực để một đội chủ động kéo trận đấu vào hiệp phụ. Mọi thứ sẽ trở nên nực cười vì bất cứ khi nào tỷ số hòa vượt quá 180 phút, đội khách luôn có lợi thế. Champions League 2012, Chelsea thua Napoli 1-3 lượt đi và thắng 4-1 ở lượt về tại Stamford Bridge, bàn thắng quyết định do Branislav Ivanovic ghi ở phút 105 của hiệp phụ.
Điều gì sẽ xảy ra nếu Napoli ghi được bàn thắng ở phút 110? Thật phi lý nếu mội đội được chơi 120 phút với lợi thế bàn thắng sân khách trong khi đội kia chỉ có 90 phút để bảo vệ thành quả (?!).
Câu chuyện trên dẫn đến lý do thứ 4 là việc lộ trước chiến thuật của một đội bóng. Khi đó, có lợi nhất là các…hãng cá cược. Nếu vậy, UEFA đáng ra phải khai tử nó từ sớm. Champions League đêm nay có lý do để kỳ vọng vào sự hấp dẫn ngay từ lượt đi.