Bộ trưởng Công an: Sử dụng biện pháp vũ trang chủ yếu là cảnh sát cơ động
Xã hội - Ngày đăng : 15:52, 15/02/2022
Ngày 15/2, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Cảnh sát cơ động.
Nêu ý kiến tại cuộc họp, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga bày tỏ băn khoăn về quy định trách nhiệm của HĐND, UBND cấp tỉnh trong "hỗ trợ kinh phí, cơ sở vật chất cho hoạt động của Cảnh sát cơ động phù hợp với khả năng của địa phương và theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước".
"Tại sao không quy định ngân sách Nhà nước đảm bảo ngân sách cho hoạt động của cảnh sát cơ động mà lại quy định HĐND, UBND có hỗ trợ?", bà Nga nêu.
Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, quy định như dự thảo luật không sai với Luật Ngân sách Nhà nước. Thực tế, các địa phương đều hỗ trợ cho lực lượng công an, quân đội trong các trường hợp phòng chống thiên tai, dịch bệnh, chống lâm tặc… được vào dự toán ngân sách hàng năm của các địa phương.
"Trong chống dịch vừa qua đã huy động lực lượng cảnh sát cơ động, các lực lượng vũ trang rất nhiều, ngân sách cấp trên chưa giải quyết được kịp thời thì ở cấp địa phương có quyền hỗ trợ và luật cho phép", ông Hải nói.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cũng đồng tình đưa cơ chế hỗ trợ kinh phí, cơ sở vật chất cho hoạt động của Cảnh sát cơ động. "Nếu không có luật thì các địa phương khó làm", ông Thanh nhấn mạnh.
Nêu ý kiến sau đó, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho hay, Luật Ngân sách Nhà nước cấm ngân sách cấp này chi cho cấp kia nhưng cho phép ngân sách địa phương được hỗ trợ cho các đơn vị trung ương như công an, tòa án, viện kiểm sát và các lực lượng khác trên địa bàn khi tham gia đóng góp cho phát triển kinh tế xã hội, bảo đảm an ninh trật tự, phòng chống thiên tai, địch họa…
Ông Vương Đình Huệ dẫn chứng bộ đội huy động cả tiểu đoàn "dầm mưa dãi nắng" gặt lúa cho dân trong lúc chạy lũ. Trong khi, dự toán kinh phí của Bộ Quốc phòng không chi cho việc này, cho nên địa phương có hỗ trợ. Từ đó, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, quy định như dự thảo luật "không trái với luật Ngân sách Nhà nước".
"Tôi thấy không có vấn đề gì cả. Không chỉ ngành công an, mà nhiều ngành dọc khác nữa như Hà Nội bỏ tiền xây trụ sở cho tòa án, rồi các tỉnh khác cũng hỗ trợ xây trụ sở cho lực lượng công an xã chính quy, chứ chờ kinh phí của Bộ Công an thì bao giờ mới có được", ông Huệ nêu ý kiến.
Theo Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm, dự án Luật đã được điều chỉnh các quy định về vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, một số quy định liên quan đến tổ chức, hoạt động của cảnh sát cơ động theo hướng chặt chẽ, phù hợp với quy định của Hiến pháp, pháp luật, tiếp thu tối đa ý kiến góp ý của các Đại biểu Quốc hội.
Bộ trưởng Bộ Công an cho biết, cảnh sát cơ động là lực lượng vũ trang sử dụng biện pháp vũ trang trong Công an nhân dân. Trước đây, năm 1959, khi thành lập công an vũ trang đây chính là lực lượng thực hiện các nhiệm vụ vũ trang. Sau đó 35 năm thì có quyết định chuyển lực lượng công an vũ trang này sang quân đội để thực hiện nhiệm vụ bảo vệ biên giới mà bây giờ gọi là Bộ đội Biên phòng.
Theo Bộ trưởng Bộ Công an, trong công an có nhiều lực lượng, tất nhiên, đều là lực lượng vũ trang, nhưng sử dụng các biện pháp vũ trang chủ yếu ở cảnh sát cơ động. Các lực lượng như tố tụng, điều tra, trinh sát... chủ yếu thực hiện các biện pháp khác.
Đại tướng, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cũng dành thời gian nói về việc các địa phương chia sẻ với lực lượng công an, lực lượng cảnh sát cơ động khi thực hiện nhiệm vụ.
"Lúc dân cần, dân khó có công an. Song sự giúp đỡ của nhân dân đối với lực lượng công an cũng rất cần thiết. Cơ chế chính sách cũng không bó buộc chuyện này. Các ý kiến phát biểu có sự động viên, chia sẻ, thấu hiểu với lực lượng Cảnh sát cơ động", Đại tướng Tô Lâm bảy tỏ.
Theo chương trình, dự luật này sẽ được Quốc hội xem xét, cho ý kiến, thông qua tại kỳ họp thứ 3 của Quốc hội vào tháng 5 tới đây.