Nóng lòng về thỏa thuận hạt nhân, Iran ra tuyên bố 'phải thật tâm'

Đối ngoại - Ngày đăng : 09:51, 15/02/2022

Ngày 14/2, Ngoại trưởng Iran Hossein Amirabdollahian cho biết, Tehran sẽ nhanh chóng ký‎ một thỏa thuận hạt nhân mới chừng nào những lợi ích quốc gia của nước này được bảo vệ.
Nóng lòng về đàm phán hạt nhân, Iran ra tuyên bố. (Nguồn: AFP)
Ngoại trưởng Iran Hossein Amirabdollahian. (Nguồn: AFP)

Phát biểu họp báo tại Tehran, ông Amirabdollahian nêu rõ: "Iran cũng nóng lòng đạt được một thỏa thuận tại Vienna… nhưng điều này nên nằm trong khuôn khổ lợi ích quốc gia của chúng ta".

Tuyên bố được đưa ra trong bối cảnh Mỹ và Iran đang nối lại các cuộc đàm phán gián tiếp nhằm cứu vãn thỏa thuận hạt nhân được Tehran ký‎ hồi năm 2015 với các cường quốc thế giới, hay còn gọi là Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA)

Cùng ngày, Tổng thống Iran Ebrahim Raisi tuyên bố, một thỏa thuận nhằm khôi phục JCPOA đã "trong tầm tay", nhưng trước tiên quốc tế phải "thật tâm" dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt đối với Tehran.

Phát biểu tại buổi tiếp Ngoại trưởng kiêm Bộ trưởng Quốc phòng Ireland Simon Coveney đang ở thăm Tehran, Tổng thống Raisi khẳng định, "những quyền lợi của nhân dân Iran phải được tôn trọng" trong các cuộc đàm phán đang diễn ra tại Vienna (Áo).

Theo thỏa thuận ký năm 2015, Iran bị hạn chế làm giàu uranium nhằm gây khó khăn đối với việc phát triển các vật liệu chế tạo vũ khí hạt nhân. Đổi lại, quốc tế sẽ dỡ bỏ các lệnh trừng phạt đã áp đặt đối với Tehran.

Tuy nhiên, đến năm 2018, chính quyền của cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump đã rút khỏi thỏa thuận này và tái áp đặt các biện pháp trừng phạt cứng rắn với Tehran.

Nước Cộng hòa Hồi giáo cũng ngừng tuân thủ những quy định của thỏa thuận và xây dựng các kho dự trữ, tăng cường lắp đặt nhiều nhà máy ly tâm nhằm làm giàu uranium ở cấp độ cao hơn.

Từ tháng 4/2021, Iran đàm phán trực tiếp với Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc và Đức, đồng thời đàm phán gián tiếp với Mỹ tại Vienna (Áo) giữa lúc phương Tây lo ngại Tehran đẩy mạnh các hoạt động hạt nhân, được coi là không thể đảo ngược trừ khi ký ‎được một thỏa thuận mới.

Việt Hà