Những tàu sân bay đáng chú ý trên thế giới
Đối ngoại - Ngày đăng : 09:45, 15/02/2022
Trong một bài viết mới đây, trang mạng Marine Insight cho rằng các tàu sân bay chính là “những căn cứ không quân nổi”, là một trong những “tài sản lớn nhất”, trở thành biểu tượng sức mạnh hải quân đối với một số quốc gia. Chúng có thể mang theo nhiều loại máy bay, trong đó có các máy bay tiêm kích, cường kích, trực thăng.
Điểm danh một số tàu sân bay nổi bật hiện đang hoạt động của hải quân các nước, trang mạng Marine Insight cho biết, danh hiệu tàu sân bay lớn nhất thế giới thuộc về các tàu lớp Gerald R.Ford của hải quân Mỹ. Chiếc đầu tiên trong lớp này là USS Gerald R.Ford được bàn giao cho hải quân Mỹ hồi năm 2017 và 4 chiếc còn lại vẫn đang được đóng.
Tàu sân bay HMS Prince of Wales của hải quân Anh. Ảnh: standard.co.uk |
Với chiều dài 337m, lượng choán nước 100.000 tấn, tàu sân bay USS Gerald R.Ford có thể mang tới hơn 75 máy bay và có đủ không gian sinh hoạt cho 4.539 người. Trong khi đó, 10 chiếc lớp Nimitz của hải quân Mỹ là những chiếc tàu sân bay lớn thứ hai thế giới. Hải quân Mỹ được bàn giao chiếc đầu tiên trong lớp này là USS Nimitz vào năm 1975 và chiếc thứ 10 là USS George H.W.Bush vào năm 2009.
Các tàu sân bay lớp Nimitz có chiều dài 332,8m, lượng choán nước 97.000 tấn và có thể mang hơn 60 máy bay. Được trang bị 2 lò phản ứng hạt nhân, mỗi tàu sân bay lớp Nimitz của hải quân Mỹ có thể đạt tốc độ tối đa hơn 30 hải lý/giờ.
Theo trang mạng Marine Insight, 2 tàu sân bay lớp Queen Elizabeth của hải quân Anh là những tàu sân bay lớn thứ ba thế giới. Hải quân Anh được bàn giao chiếc HMS Queen Elizabeth vào năm 2017 và chiếc HMS Prince of Wales vào năm 2019.
Cả 2 tàu sân bay của hải quân Anh đều có chiều dài 280m, lượng choán nước khoảng 65.000 tấn và có thể mang tới 40 máy bay. Nhờ áp dụng các hệ thống tự động hóa và công nghệ mới nhất mà mỗi tàu sân bay của hải quân Anh chỉ có thủy thủ đoàn gồm 679 người.
Trang mạng Marine Insight cho biết, Trung Quốc hiện sở hữu 2 tàu sân bay là Liêu Ninh và Sơn Đông. Được biên chế cho hải quân Trung Quốc vào năm 2012, tàu sân bay Liêu Ninh có chiều dài 304,5m, lượng choán nước hơn 58.000 tấn và có thể mang khoảng 50 máy bay.
Khác với “người tiền nhiệm” Liêu Ninh, Sơn Đông là tàu sân bay nội địa đầu tiên được biên chế cho hải quân Trung Quốc vào năm 2019, có chiều dài 305m, lượng choán nước 70.000 tấn và có thể mang tối đa 44 máy bay.
Trang mạng Marine Insight đánh giá tàu sân bay đô đốc Kuznetsov của hải quân Nga là một trong những tàu sân bay tốt nhất thế giới hiện đang hoạt động. Tàu sân bay đô đốc Kuznetsov dài 305m, có lượng choán nước 58.500 tấn và có thể mang tới 45 máy bay. Theo kế hoạch, tàu sân bay đô đốc Kuznetsov sẽ được nâng cấp vào tháng 6 năm nay.
INS Vikramaditya-tàu chiến lớn nhất của hải quân Ấn Độ-là một trong những tàu sân bay lớn nhất thế giới. Được đưa vào hoạt động năm 2013, tàu sân bay INS Vikramaditya có chiều dài 283,5m, lượng choán nước 45.400 tấn, có thể mang tối đa 36 máy bay.
Trong khi đó, INS Vikrant-tàu sân bay nội địa đầu tiên của Ấn Độ-đã hoàn tất các cuộc thử nghiệm trên biển và dự kiến sẽ được bàn giao cho hải quân nước này vào tháng 8 năm nay. Với chiều dài 262m và lượng choán nước khoảng 45.000 tấn, tàu sân bay INS Vikrant có thể mang tối đa 40 máy bay và được trang bị nhiều công nghệ hiện đại hơn so với tàu sân bay INS Vikramaditya.
Trang mạng Marine Insight cho biết, Charles De Gaulle là tàu chiến mặt nước đầu tiên của Pháp sử dụng nặng lượng hạt nhân và đã được đưa vào hoạt động từ năm 2001. Với lượng choán nước 42.500 tấn, tàu sân bay Charles De Gaulle có thể mang tới 40 máy bay.
Ngoại trừ các tàu sân bay của Hải quân Mỹ, Charles de Gaulle là tàu sân bay chạy bằng năng lượng hạt nhân duy nhất đang hoạt động trên thế giới và nó có thể đạt tốc độ tối đa 27 hải lý/giờ.
Cũng không thể bỏ qua tàu sân bay Cavour với tư cách là soái hạm của hải quân Italy. Được biên chế cho hải quân nước này vào năm 2009, tàu sân bay Cavour có chiều dài 244m, lượng choán nước 30.000 tấn, có thể mang tới 20 máy bay và đạt tốc độ tối đa 16 hải lý/giờ.
Sau đợt nâng cấp hồi giữa năm 2021, tàu sân bay Cavour có khả năng mang tới 12 máy bay tiêm kích đa nhiệm thế hệ thứ năm F-35B và 12 máy bay trực thăng cùng một thời điểm.
HOÀNG VŨ