Năm 2022: Kiếm tiền từ chứng khoán sẽ khó hơn
Kinh doanh - Ngày đăng : 07:06, 15/02/2022
Thị trường chứng khoán năm 2021 đã chứng kiến nhiều dấu ấn nổi bật. Đó là sự bùng nổ của các nhà đầu tư cá nhân, dòng tiền đạt kỷ lục với bình quân 1 tỉ USD/phiên và những cú tăng điểm vượt mốc lịch sử. Nếu tính theo giá trị đồng USD, thị trường chứng khoán Việt Nam (VN) tăng đến 37,3% vào năm ngoái.
Nhiều yếu tố nâng đỡ chứng khoán
Ông Michael Kokalari, kinh tế trưởng Tập đoàn VinaCapital, nói trong năm 2022, dự báo tăng trưởng GDP của VN sẽ tăng ít nhất 7%, nhờ vào việc phục hồi tiêu dùng nội địa và khả năng quay trở lại nhanh của du lịch quốc tế.
Chứng khoán trong năm nay dự báo sẽ phát triển tích cực nhưng không bùng nổ mạnh như năm ngoái. Ảnh: PM |
“Khi nền kinh tế phát triển mạnh mẽ sẽ thúc đẩy tăng trưởng thu nhập doanh nghiệp (DN) hơn 20% vào năm 2022. Điều này đồng nghĩa sẽ thúc đẩy thị trường chứng khoán vươn đến tầm cao mới” - ông Michael Kokalari phân tích.
Trong cùng góc nhìn, ông Nguyễn Anh Đức, Giám đốc khối phát triển khách hàng tổ chức Công ty Chứng khoán SSI, cho rằng hậu dịch bệnh, tiêu dùng nội địa bắt đầu tăng nhanh đã hỗ trợ cho tăng trưởng kinh doanh của các DN. Đồng thời xuất khẩu vẫn duy trì tốt, các gói kích thích kinh tế, đầu tư công được tung ra mạnh mẽ cũng giúp cho thu nhập của DN ở nhiều ngành nghề tăng trưởng như bán lẻ, tiêu dùng, bất động sản, xây dựng, ngân hàng và chứng khoán.
Ngoài ra, VN hiện có khoảng 4 triệu tài khoản chứng khoán, chiếm khoảng 4,2%-4,3% dân số. Trong đó, các nhà đầu tư cá nhân hiện chiếm khoảng 90% khối lượng giao dịch hằng ngày trên thị trường chứng khoán của VN. Trong khi đó, các quốc gia trong khu vực như Thái Lan đang có 10% dân số tham gia thị trường chứng khoán hay Đài Loan có con số hơn 90%.
Điều này cho thấy tiềm năng về làn sóng nhà đầu tư cá nhân mở tài khoản vẫn sẽ tiếp tục gia tăng. Đồng nghĩa các dòng tiền mới tiếp tục chảy vào thị trường. “Tăng trưởng lợi nhuận của DN và yếu tố dòng tiền từ nhà đầu tư cá nhân sẽ truyền dẫn cho thị trường chứng khoán tiếp tục duy trì đà tăng trong năm nay” - ông Đức dự báo.
Các chuyên gia của Công ty Chứng khoán KBSV cũng đánh giá xu hướng tăng của thị trường chứng khoán VN sẽ tiếp tục được duy trì trong năm nay với hai yếu tố kỳ vọng chính là dịch COVID-19 sẽ dần suy giảm khi chương trình tiêm chủng vaccine được triển khai hiệu quả và gói kích thích kinh tế của Chính phủ. Ngoài ra đà tăng của thị trường được hỗ trợ bởi tốc độ tăng trưởng lợi nhuận cao của nhóm các DN niêm yết trong năm qua.
Vẫn phải cẩn trọng
Theo ông Michael Kokalari, chiến lược đầu tư vào thị trường chứng khoán trong năm 2022 nên tập trung vào những lĩnh vực hưởng lợi từ nền kinh tế như các cổ phiếu ngành tiêu dùng, bất động sản, tài chính, hay nguyên vật liệu. Đồng thời dù gặp khó khăn do dịch COVID-19 nhưng các động lực tăng trưởng kinh tế dài hạn của VN vẫn còn nguyên, vì vậy nên tiếp tục tập trung vào các cổ phiếu trong lĩnh vực được hưởng lợi từ dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đổ vào, phát triển cơ sở hạ tầng, năng lượng sạch và số hóa.
“Cổ phiếu ngân hàng và bất động sản dự báo sẽ hấp dẫn trong năm nay. Theo đó, thu nhập của các ngân hàng có khả năng tăng khoảng 30% trong năm nay nhờ tăng trưởng tín dụng 14%. Ngoài ra, giá bất động sản gia tăng liên tục và nhu cầu vẫn cao về việc mua nhà để ở hoặc cho mục đích đầu tư sẽ thúc đẩy doanh số của các DN bất động sản. Chúng tôi kỳ vọng lợi nhuận của các công ty bất động sản sẽ tăng gần 25% vào năm nay” - ông Michael Kokalari nói.
Tuy vậy, một số chuyên gia cũng lưu ý khác với năm ngoái, năm nay các nhà đầu tư dự báo sẽ không còn dễ kiếm. Ông Mathew Smith, Giám đốc nghiên cứu chứng khoán Yuanta VN, cho rằng năm nay, các nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán sẽ khó kiếm tiền dễ dàng như năm 2021 vì thị trường đang ở giai đoạn cuối chu kỳ tăng trưởng. Mặt khác, khi kinh tế quay lại tăng trưởng thì chính sách tiền tệ sẽ thắt chặt hơn, không còn nhiều dòng tiền rẻ như trước. Lúc đó thị trường chứng khoán sẽ phân hóa mạnh và không phải cổ phiếu nào cũng tăng giá bằng lần như năm 2021.
Ngoài ra, khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tăng lãi suất trong trung và dài hạn có thể tác động đến thị trường tài chính VN, từ đó gián tiếp ảnh hưởng đến thị trường chứng khoán.•
Chứng khoán ngày 14-2 đỏ rực
Căng thẳng địa chính trị khu vực Nga và Ukraine, bóng ma lạm phát lớn dần… là những yếu tố ảnh hưởng mạnh đến thị trường chứng khoán toàn cầu, trong đó có VN. Vì vậy trong phiên giao dịch ngày 14-2, nhiều nhà đầu tư rút tiền ra khỏi thị trường khiến sắc đỏ bao trùm và đẩy nhiều cổ phiếu blue chip giảm điểm.Kết thúc phiên giao dịch ngày 14-2, không có hoa hồng và chocolate cho các nhà đầu tư nên chỉ số VN-Index mất 30 điểm, rớt xuống còn 1.471 điểm.
Kênh chứng khoán sẽ cạnh tranh mạnh với kênh đầu tư khácTS Quách Mạnh Hào, ĐH Lincoln (Anh), nhìn nhận các nhà đầu tư đang kỳ vọng gói kích thích kinh tế, đầu tư công của Chính phủ sẽ thúc đẩy tăng trưởng thị trường chứng khoán. Cách hiểu này không sai. Vì vào năm 2009, Chính phủ cũng đã bơm tiền vào nền kinh tế dẫn đến sự tăng trưởng của thị trường chứng khoán.
Nhưng lần này, bơm tiền vào nền kinh tế sẽ không theo cách nghĩ thông thường, hay nói cách khác Chính phủ sẽ không thực hiện theo cách giống như trong quá khứ. Vì hiện nay, tiền đã có sẵn trong nền kinh tế mà chưa tiêu hết, bằng chứng là nhiều địa phương phải trả lại tiền cho ngân sách.
“Chúng ta hoàn toàn không thiếu tiền mà là cỗ máy kinh tế chưa phục hồi để chạy. Thực tế tiền dư thừa thời gian qua cũng đã đẩy thị trường chứng khoán tăng mạnh. Do đó, theo quan điểm của tôi, Nhà nước cần tìm cách đưa dòng tiền thừa này vào các hoạt động kinh tế. Khi hoạt động kinh tế trở lại bình thường, nguồn tiền sẽ giảm dần đi. Nói cách đơn giản, nếu chúng ta là người chơi trên thị trường chứng khoán thì sắp tới nguồn tiền sẽ có sự cạnh tranh bởi các cơ hội đầu tư khác, các kênh khác” - TS Hào lưu ý.
Công ty Chứng khoán KBSV cũng cho rằng năm 2022, dòng tiền từ nhà đầu tư cá nhân trong nước được dự báo đi ngang hoặc có phần giảm bớt so với mức nền cao của năm 2021. Nguyên nhân do lãi suất huy động dự báo tăng 0,5%. Bên cạnh đó, một phần dòng tiền bị rút ra quay lại hoạt động sản xuất, kinh doanh khi nền kinh tế dần đi vào trạng thái bình thường mới.