4 sai lầm quen thuộc khi ăn dưa muối có thể khiến bạn mắc ung thư
Ẩm thực - Ngày đăng : 19:00, 14/02/2022
Vị chua dịu, cay nhẹ và vị thơm của dưa muối chua có thể giúp gia tăng hương vị của những món ăn khác. Món giải ngấy này giúp kích thích hệ tiêu hóa, hỗ trợ hoạt động của đường ruột và tăng cường hệ miễn dịch.
Thế nhưng nếu ăn dưa muối quá độ lại chẳng hề có lợi như những gì chúng ta đã nghĩ. Trái lại nó làm tăng nguy cơ bị ngộ độc thực phẩm, mắc các bệnh nguy hiểm cho sức khỏe, trong đó có ung thư.
1. Ăn dưa muối xổi
Trong dưa muối xổi khi ăn vẫn còn vị cay nồng, hăng hăng. Lúc này, hàm lượng nitrat rất cao và bị chuyển hóa thành nitrit do vi sinh vật có trong nước dưa cà muối tác động.
Khi vào dạ dày, dưới tác động của môi trường dạ dày, nitrit sẽ kết hợp với các acid amin trong thực phẩm giàu đạm như cua, tôm, cá, thịt và trở thành nitrosamine - một chất có khả năng gây ung thư dạ dày. Vì vậy, chúng ta chỉ nên ăn dưa khi đã ngả sang màu vàng tươi, chua vừa, giòn và có mùi thơm.
2. Ăn dưa muối lâu ngày
Thói quen của nhiều gia đình là muối dưa một lần ăn lâu ngày. Tuy nhiên, khi ăn dưa muối lâu ngày nổi váng, vi khuẩn xâm nhập sẽ gây bệnh ảnh hưởng tới sức khỏe.
Bên cạnh đó, dưa muối lâu ngày chứa khá nhiều muối, độ chua cao. Điều này dễ gây cao huyết áp, tim mạch, viêm loét dạ dày.
3. Ăn quá nhiều cùng một lúc
Trên thực tế, mỗi ngày chúng ta chỉ nên ăn khoảng 50g dưa muối và ăn 2- 3 lần trong tuần thôi và nên ăn dặm cùng nhiều món ăn khác trong một bữa ăn. Không nên lấy dưa muối làm món ăn chính.
Những người có tiền sử bệnh tim, tăng huyết áp, bệnh thận, viêm loét dạ dày không nên ăn dưa muối dù thèm đến mấy. Lượng muối cao trong món ăn này có thể khiến bệnh nghiêm trọng hơn.
4. Ăn dưa muối quá chua
Dưa muối quá chua có thể là nguyên nhân gây nên các bệnh mãn tính như tim, tăng huyết áp, bệnh thận, bệnh gan, viêm loét dạ dày. Không nên ăn dưa muối chua vì chúng chứa nhiều muối, men tiêu hóa cao, có thể gây ra những biến chứng bất lợi cho sức khỏe.
An Chi
Theo Vietnamnet