Đền Bà Chúa Kho phòng chống dịch ra sao sau khi mở cửa trở lại?
Xã hội - Ngày đăng : 16:40, 14/02/2022
Đền Bà Chúa Kho (phường Vũ Ninh, TP Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh) mở cửa, đón khách trở lại từ ngày 9/2. Để đảm bảo công tác phòng, chống dịch COVID-19, UBND TP Bắc Ninh yêu cầu UBND phường Vũ Ninh và Ban Quản lý di tích Đền Bà Chúa Kho tổ chức phân luồng giao thông từ xa để đảm bảo công tác phòng, chống dịch theo chủ trương “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiểu quả”.
Ông Lê Văn Thư, Phó Chủ tịch UBND phường Vũ Ninh cho biết, du khách đến Đền Bà Chúa Kho tham quan và hành lễ được yêu cầu khai báo y tế, quét mã QR và khử khuẩn tại cổng Đền, thực hiện nghiêm quy định 5K.
Bên cạnh đó, UBND phường phân công các lực lượng chia làm 7 lớp, mỗi một lớp sẽ hướng dẫn du khách khoảng 10 người vào thắp hương cúng lễ và được bố trí đi theo đường một chiều để tránh ùn ứ, đảm bảo khoảng cách và mỗi lượt vào lễ không quá 30 người. Đồng thời, cơ quan chức năng kiểm soát chặt người, phương tiện ra vào khu di tích Đền Trình và Đền Bà Chúa Kho.
"Chúng tôi thành lập 8 điểm chốt và dựng hàng rào để phân luồng ra-vào, tạo khoảng cách an toàn cho du khách. Khi lượng khách tăng cao sẽ hạn chế, điều tiết khách vào theo các điểm chốt, đồng thời bố trí các máy đo thân nhiệt, sát khuẩn tự động, có thành viên túc trực nhắc nhở du khách nêu cao ý thức phòng chống dịch, thực hiện khử khuẩn, quét mã QR tại khu vực ra-vào đền", ông Thư cho biết thêm.
Ông Nguyễn Văn Viện, Trưởng Ban Quản lý di tích Đền Bà Chúa Kho cho biết, những ngày đầu năm mới, Đền Bà Chúa Kho luôn tấp nập du khách đến hành lễ. Nhà Đền thực hiện nghiêm các quy định phòng, chống dịch COVID-19 của Bộ Y tế như hạn chế 1/2 số người trực Đền mỗi ngày để đảm bảo giữ khoảng cách.
Lối vào Đền được phân rõ 2 luồng ra-vào tạo khoảng cách an toàn cho du khách. Bên cạnh đó, Ban quản lý di tích cũng thường xuyên thực hiện vệ sinh, khử khuẩn các ban thờ, nơi hành lễ, hướng dẫn khách tham quan, bảo đảm giãn cách an toàn khi tiếp xúc.
"Ban Quản lý di tích chúng tôi trang bị 3 máy khử khuẩn ở ngay cổng vào Đền và có thành viên túc trực nhắc nhở người dân thực hiện khử khuẩn, quét mã QR khi vào và đeo khẩu trang khi hành lễ để đảm bảo an toàn cho du khách", ông Viện nhấn nhấn mạnh.
Cũng theo ông Viện, năm nay, do dịch bệnh nên những ngày đầu năm Nhâm Dần 2022, lượng du khách tới đền Bà Chúa Kho không đông như những năm trước. Tuy nhiên, mỗi ngày Đền vẫn đón 1.200 đến 1.500 lượt khách đến từ nhiều địa phương khác trong và ngoài tỉnh.
Với việc thích ứng diễn biến của dịch bệnh, không chỉ các cơ sở tôn giáo thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch mà chính người dân cũng chủ động bảo vệ bản thân.
Anh Tống Viết Huy (ở TP Ninh Bình, tỉnh Ninh Bình) cho biết, mỗi năm anh đều đi lễ Đền Bà chúa Kho. Khi đến Đền, cùng với sự nhắc nhở của nhà Đền và những biển báo tuyên truyền, mọi người thực hiện rất nghiêm túc. Mỗi người khi đến khu vực sắp lễ, các ban thờ cúng trong Đền đều tự giác xếp hàng, đến lượt mình mới vào để đảm bảo giữ khoảng cách.
“Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, trước khi đi lễ, tôi đã tìm hiểu về tình hình dịch bệnh nơi đến thông qua bản đồ dịch tễ. Khi đi, tôi thường xuyên nhắc nhở thành viên trong đoàn thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch, đeo khẩu trang và sát khuẩn tay nhằm giữ an toàn cho mình và những người xung quanh”, anh Huy cho biết thêm.
Chị Hoàng Thị Nguyên (quê Đan Phượng, Hà Nội) chia sẻ, dịp đầu xuân năm mới, gia đình chị thường xuyên đi lễ và luôn thực hiện nghiêm túc quy định 5K.
"Đến cửa Đền, tôi thấy ở đây đã chuẩn bị các thiết bị, biện pháp phòng chống dịch rất hợp lý và thường xuyên có lực lượng chức năng nhắc nhở người dân không tụ tập đông người, khi làm lễ xong nhanh chóng di chuyển ra xe để người khác vào lễ", chị Nguyên chia sẻ.
Sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, số ca mắc COVID-19 của tỉnh Bắc Ninh tăng đột biến, trung bình mỗi ngày ghi nhận trên 400 trường hợp. Các ca nhiễm chủ yếu được phát hiện trong cộng đồng.
Phong tục đi lễ đầu xuân của người dân còn kéo dài trong cả tháng Giêng. Vì vậy, việc đảm bảo yêu cầu phòng chống dịch tại các cơ sở di tích, thờ tự là ưu tiên hàng đầu. Bên cạnh đó, người dân cũng cần hạn chế tập trung, nâng cao ý thức, giữ an toàn cho cộng đồng, tạo điều kiện duy trì các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội và sinh hoạt của các địa phương.
Đền Bà Chúa Kho liên quan đến sự kiện Lý Thường Kiệt lãnh đạo cuộc kháng chiến chống quân Tống năm 1076. Vào thời đó, ở làng Cổ Mễ là nơi đặt kho lương thực của quân ở bờ nam chiến tuyến Như Nguyệt (Sông Cầu). Đền Cổ Mễ thờ Bà Chúa Kho chính là nơi tưởng niệm người phụ nữ Việt Nam đã khéo tổ chức sản xuất, tích trữ lương thực, trông nom kho tàng quốc gia trong thời kỳ kháng chiến.
Bà Chúa Kho xuất thân từ một gia đình nghèo khó ở làng Quả Cảm gần đó. Bà được miêu tả là người rất đẹp. Sau khi lấy vua Lý, thấy ruộng đất ở đây bị hoang hóa, bà xin vua cho về làng chiêu dân lập ấp, khai khẩn ruộng hoang. Bà đã mở rộng khai hoang vào tận vùng Nghệ An.
Vào đời nhà Lý, bà có công giúp triều đình trông coi kho lương thực tại Núi Kho (tỉnh Bắc Ninh). Bà đã bị giặc giết trong lúc phát lương cứu đỡ dân làng vào ngày 12 tháng Giêng năm Đinh Tỵ (1077). Nhà vua thương tiếc phong cho bà là Phúc Thần. Người dân nhớ thương bà lập nên đền thờ tại kho lương thực cũ của triều đình ở Núi Kho và gọi bà với một niềm tôn kính là Bà Chúa Kho.
Văn Chương