Dinh dưỡng, thể dục thể thao ra sao khi trẻ quay trở lại trường?

Tin Y tế - Ngày đăng : 15:38, 14/02/2022

Theo các bác sĩ nguy cơ nhiễm COVID-19 khi trẻ đi học trực tiếp sẽ không nhiều nếu nhà trường, thầy cô, phụ huynh cùng phối hợp để có sự chuẩn bị tốt giúp trẻ an toàn khi quay lại trường sau thời gian giãn cách xã hội kéo dài.
62df9be6779cbbc2e28d-1-.jpg
Học sinh tại TP.HCM học trực tiếp trên lớp - Ảnh: ANH ĐÀO

Hôm nay ngày 14-2, khoảng 1 triệu trẻ mầm non, tiểu học ở TP.HCM quay trở lại trường sau thời gian dài gián đoạn để phòng dịch COVID-19. Phụ huynh cần chú ý dinh dưỡng, thể dục thể thao ra sao để trẻ khỏe mạnh học tập.

Chú ý đến bữa sáng, trưa, tối

Ths.BS CKI Mai Quang Huỳnh Mai - phó khoa dinh dưỡng Bệnh viện Nhi Đồng 2 – cho biết theo Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) học trực tuyến quá lâu đã bộc lộ rất nhiều ảnh hưởng tiêu cực trên tâm sinh lý và khả năng học tập của trẻ.

Nguy cơ nhiễm bệnh khi trẻ đi học trực tiếp sẽ không nhiều nếu nhà trường, thầy cô, phụ huynh cùng phối hợp để có sự chuẩn bị tốt để giúp trẻ an toàn khi quay lại trường cho dù có nhiều biến thể COVID-19 mới xuất hiện.

Về dinh dưỡng

- Bữa sáng phụ huynh cần chú trọng bữa ăn sáng đầy đủ dưỡng chất vì đây là nguồn cung cấp năng lượng cho trẻ hoạt động và học tập hiệu quả tại trường. Cần dành đủ thời gian cho trẻ ăn sáng tại nhà (có thể đánh thức trẻ dậy sớm hơn khoảng 10-15 phút nếu cần để trẻ không phải ăn sáng trong tâm trạng vội vã).

Phụ huynh nên chuẩn bị bữa ăn sáng với đầy đủ 4 nhóm thực phẩm (chất bột đường, chất béo, chất đạm, vitamin và khoáng chất) không phải là những thức ăn nhanh mua vội trên đường đi học vừa không đủ dinh dưỡng vừa không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Có thể cung cấp cho trẻ một số loại snack ngũ cốc để bổ sung dinh dưỡng cho trẻ vào giờ giải lao.

- Bữa trưa nếu trẻ phải học 2 buổi tại trường, không thể đón trẻ về nhà thì một trong những biện pháp giúp trẻ an toàn khi học tại trường là cho trẻ mang theo hộp cơm ăn tại trường trong tình huống nhà trường chưa thể tổ chức cho trẻ ăn tập trung an toàn.

Bác sĩ Mai lưu ý thời tiết hiện nay khá nóng và oi bức, trẻ vận động sẽ đổ mồ hôi dẫn đến thiếu nước và điện giải, vì vậy chúng ta cần lưu ý chuẩn bị cho trẻ đủ nước (nước lọc, nước trái cây, nước có điện giải) và chất xơ vitamin (rau củ quả, trái cây…) trong khẩu phần mang theo. Cần lưu ý chuẩn bị các phương tiện bảo quản thức ăn cho trẻ tránh tình trạng thức ăn bị hư hỏng do thời tiết nóng bức.

- Bữa tối đây là bữa ăn hạnh phúc nhất trong ngày vì cả gia đình được ăn cùng nhau, nên chuẩn bị những món ngon miệng hợp khẩu vị trẻ, đủ dưỡng chất cần lưu ý giờ ăn tối phù hợp (khoảng 1-2 giờ sau khi từ trường về) để trẻ không quá đói.

Thiết kế chế độ ăn cho trẻ đầy đủ dưỡng chất theo nguyên tắc "my plate", trong đó chú trọng chất đạm (ưu tiên đạm quý có giá trị sinh học cao như: thịt, cá, trứng, sữa.. ), rau xanh, trái cây cùng với lượng tinh bột vừa phải, hạn chế thực phẩm nhiều đường đơn (bánh kẹo ngọt, nước ngọt …), thức ăn nhanh chiên rán với dầu mỡ có nhiều acid béo bão hòa.

Bên cạnh đó cần huấn luyện cho trẻ kỹ năng ăn uống an toàn cho trẻ tại trường (khử khuẩn tay trước khi ăn, cởi bỏ khẩu trang đúng cách, ngồi giãn cách với các bạn ở vị trí thông thoáng gió, không nói chuyện trong khi ăn, đeo khẩu trang mới sau khi ăn....).

anh-4-1-.jpg
Phụ huynh nhắc nhở trẻ tuân thủ nguyên tắc 5K tại trường học - Ảnh: ANH ĐÀO

Tăng vận động, ngủ đủ giấc

Bác sĩ Huỳnh Mai cho biết tập luyện thể thao trở thành "xa xỉ" trong thời điểm giãn cách xã hội, hậu quả trẻ ngày càng trở nên lười vận động, thụ động và tỉ lệ béo phì, mắc tật khúc xạ mắt tăng cao.

Phụ huynh nên hạn chế tối đa việc trẻ sử dụng thiết bị điện tử ngoài giờ học online, vận động trong nhà, tìm mọi cơ hội cho trẻ được vận động vừa sức như: yêu cầu trẻ phụ giúp làm việc nhà không dùng máy móc, lên xuống cầu thang, đi bộ trong khuôn viên nhà, chơi bóng rổ trong sân nhà…

Vận động ngoài trời để trẻ đạp xe đạp, đánh cầu lông ở chỗ thoáng gió không đông đúc, chạy bộ... là những vận động an toàn cho trẻ trong mùa dịch (lưu ý vẫn đeo khẩu trang nếu có đông người).

Tại trường phụ huynh phối hợp cùng thầy cô giáo huấn luyện cho trẻ 5K, chơi vận động vừa sức, hạn chế trò chơi nhóm tiếp xúc quá gần.

Trẻ học online tại nhà, giờ giấc ngủ có thể không vào nề nếp như khi trẻ trực tiếp đến trường (trẻ thường thức khuya, ngủ dậy trễ, không ngủ trưa, bật máy tính nhưng ngủ trong giờ học...).

Để chuẩn bị cho trẻ đi học lại chúng ta cần rèn lại cho trẻ có giờ giấc ngủ hợp lý.

Số lượng giờ ngủ trong ngày:

Độ tuổi
Số giờ ngủ cần thiết trong ngày
Mầm non
10-13 giờ
Tiểu học + trung học cơ sở
9-11 giờ
Trung học phổ thông
8-10 giờ
  • Cần giấc ngủ trưa (dù ngắn ) để trẻ có thể học hiệu quả vào buổi chiều. Trẻ cần đi ngủ sớm vào buổi tối ( khoảng 21h) để não trẻ được nghỉ ngơi, qua đó giúp trẻ có thể thức dậy sớm vào sáng hôm sau để chuẩn bị cho một ngày mới học tập hiệu quả hơn.
  • Thiết kế phòng ngủ không thiết bị điện tử / không dùng thiết bị điện tử ít nhất 1 giờ trước khi đi ngủ (giúp não trẻ không bị kích thích , trẻ sẽ có giấc ngủ ngon hơn ).
  • Bác sĩ Huỳnh Mai nhấn mạnh giấc ngủ trưa (dù ngắn) để trẻ nhưng có thể giúp trẻ học hiệu quả vào buổi chiều. Trẻ cần đi ngủ sớm vào buổi tối (khoảng 21giờ) để não trẻ được nghỉ ngơi, qua đó giúp trẻ có thể thức dậy sớm vào sáng hôm sau để chuẩn bị cho một ngày mới học tập hiệu quả hơn.
  • Không cho trẻ dùng thiết bị điện tử ít nhất 1 giờ trước khi đi ngủ.

Đeo khẩu trang cho trẻ sao cho đúng?

Th.s BS Kiều Xuân Thy - Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, cơ sở 3 – cho biết một số khuyến cáo phòng ngừa mắc COVID-19 của Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM và Hệ thống Y tế Mayo Clinic, Mỹ như sau:

- Đối với trẻ mầm non, phụ huynh cần đeo khẩu trang cho bản thân và cho trẻ khi đưa con đến trường, từ trường về nhà, hoặc khi tham gia giao thông công cộng.

- Học sinh tiểu học, trung học cần đeo khẩu trang khi đến trường, trong lớp học (khuyến khích), khi ra về và khi cần thiết. Việc đeo khẩu trang đặc biệt được chú ý ở những nơi khó duy trì khoảng cách, như trên xe buýt, tàu điện...Chuẩn bị nhiều khẩu trang sạch dự phòng.

Phụ huynh nên hướng dẫn trẻ cho khẩu trang vào túi sạch có kéo khóa khi con không sử dụng, hoặc làm ký hiệu dán nhãn trên khẩu trang của trẻ để không bị nhầm lẫn khẩu trang của trẻ khác.

Cha mẹ hướng dẫn trẻ thực hành đúng cách đeo và tháo khẩu trang, tránh chạm vào các phần vải bên ngoài. Nhắc con nên rửa tay sạch trước và sau khi chạm vào khẩu trang, không chia sẻ, dùng chung, trao đổi khẩu trang với người khác, nói với con về tầm quan trọng của việc đeo khẩu trang. Lưu ý không đeo khẩu trang cho trẻ dưới hai tuổi, trẻ có vấn đề về hô hấp...

Kiên nhẫn hướng dẫn trẻ mầm non rửa tay với xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn trước khi đến trường, sau khi từ trường về nhà, khi thấy tay bẩn và khi cần thiết. Không được khạc, nhổ, vứt rác hoặc khẩu trang bừa bãi. Không dùng chung đồ dùng cá nhân như cốc, bình nước, khăn mặt... Không đưa tay lên mắt, mũi, miệng.

ANH ĐÀO