Giới khoa học Anh cảnh báo biến thể mới nguy hiểm hơn Omicron
Tin Y tế - Ngày đăng : 18:40, 13/02/2022
Theo báo Guardian, giáo sư Mark Woolhouse từ Đại học Edinburgh (Anh) hôm 12/2 đã nhấn mạnh sẽ rất nguy hiểm nếu đồng tình với nhận định rằng các biến thể của virus corona sẽ chỉ gây ảnh hưởng nhẹ hơn trong tương lai.
“Biến thể Omicron không bắt nguồn từ biến thể Delta, mà từ một nhánh hoàn toàn khác trong “cây phả hệ” của virus corona. Và vì chúng ta vẫn chưa thể biết một biến thể mới sẽ đến từ đâu trong “cây phả hệ” này, nên chúng ta cũng chưa thể biết nó có thể gây bệnh như thế nào, nặng hay nhẹ hơn”, ông Woolhouse cho biết.
Nhiều chuyên gia cảnh báo virus corona có thể tiếp tục tạo ra các biến thể mới nguy hiểm hơn. Hình minh họa: GAVI |
Giáo sư Lawrence Young từ Đại học Warwick (Anh) cũng ủng hộ quan điểm này. “Mọi người có xu hướng cho rằng, virus corona đã có một quá trình biến đổi tuyến tính từ Alpha đến Beta, rồi đến Delta và sau cùng là Omicron”, ông chia sẻ với Guardian. “Nhưng thực tế không đơn giản như vậy. Quan niệm cho rằng các biến thể của virus corona ngày càng ít nghiêm trọng hơn là hoàn toàn sai lầm. Một biến thể mới thậm chí có thể nguy hiểm hơn, chết chóc hơn cả Delta".
David Nabarro, đặc phái viên của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) về đại dịch Covid-19, cũng lưu ý về sự biến đổi khó lường của các biến thể virus corona trong tương lai: “Sau Omicron sẽ có nhiều biến thể khác, và nếu dễ lây lan hơn, chúng sẽ trở thành chủng trội. Bên cạnh đó, chúng có thể gây ra các triệu chứng bệnh khác nhau, hay nói cách khác là có thể gây chết chóc nhiều hơn hoặc để lại hậu quả lâu dài hơn”.
Quan chức của WHO cũng hối thúc giới chức các nước tiếp tục lên kế hoạch đối phó với nguy cơ xảy ra các làn sóng lây nhiễm mới, khiến số người nhiễm và nhập viện tăng mạnh. "Cần khuyến khích mọi người tiếp tục bảo vệ chính mình và người khác. Nếu không làm điều này, chúng ta có thể đối mặt với những hậu quả nghiêm trọng. Đại dịch chưa thể kết thúc", ông Nabarro nói.
Những cảnh báo trên được đưa ra trong bối cảnh nhiều nước đang chạy đua trong việc nới lỏng hoặc dỡ bỏ hoàn toàn các biện pháp phòng chống Covid-19. Trong tuần này, hàng loạt quốc gia châu Âu, trong đó có Đan Mạch, Na Uy, Thụy Điển ... đã dỡ bỏ các biện pháp phòng dịch cuối cùng, và tuyên bố Covid-19 không còn là mối đe dọa đáng kể đối với xã hội. Tại Anh, các cố vấn cấp cao nhất về Covid-19 của chính phủ là Chris Whitty và Patrick Vallance cũng công bố trước quốc hội nước này kế hoạch dỡ bỏ toàn bộ các biện pháp phòng chống Covid-19 từ ngày 24/2, trong đó có yêu cầu cách ly người nhiễm virus corona.
Tuy nhiên, WHO cho rằng còn quá sớm để dỡ bỏ hoàn toàn các biện pháp phòng chống dịch. Soumya Swaminathan, người đứng đầu nhóm nghiên cứu khoa học của WHO, hôm 11/2 đã cảnh báo thế giới vẫn chưa thoát khỏi đại dịch Covid-19, vì có thể sẽ còn nhiều biến thể mới của virus corona xuất hiện trong tương lai.