Dịp Valentine: 6 điều cần nằm lòng để tránh lừa đảo hẹn hò trực tuyến
Cuộc sống số - Ngày đăng : 06:35, 13/02/2022
Theo báo cáo "Xây dựng lộ trình an toàn hướng tới tương lai của thanh toán số ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương" của Kaspersky tại 10 nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, trong thời gian cách ly tại từng địa phương và trên cả nước, hơn một nửa (53%) người dùng mạng xã hội trên toàn thế giới đã sử dụng các mạng xã hội này nhiều hơn rất nhiều so với trước đây.
Nghiên cứu này cũng cho thấy 24% số người tham gia khảo sát từ khu vực Đông Nam Á nói rằng họ đã xây dựng tình bạn cá nhân trong đời thực với những người gặp lần đầu tiên trên mạng xã hội, 18% khác nói rằng họ đã từng hẹn hò với một người gặp trên những nền tảng đó.
Tuy nhiên, cách tìm kiếm bạn đời ngày càng phổ biến này lại ẩn chứa những rủi ro về cảm xúc và tài chính.
Ví dụ, vào năm 2021, các cơ quan thực thi pháp luật từ Singapore và Malaysia đã cùng làm việc để truy tìm một nhóm chuyên lừa đảo tình ái. Tổ chức này bị cáo buộc đứng sau ít nhất tám vụ lừa đảo ở cả hai quốc gia, bao gồm trường hợp của một phụ nữ Singapore 41 tuổi đã bị lừa mất 28.000 USD.
Báo cáo này cũng tiết lộ rằng 45% người dùng trong khu vực Đông Nam Á bị mất tiền vì lừa đảo tình ái trên mạng.
Hầu hết các vụ lừa đảo gây tổn thất dưới 100 USD (22%). Tuy nhiên, điều đáng chú ý là tuổi của nạn nhân và giá trị tổn thất từ một vụ lừa đảo tình ái dường như trùng nhau.
Thế hệ lớn tuổi nhất được ghi nhận là có mức tổn thất cao nhất, với gần 2/5 trong số họ thừa nhận mất 5.000 – 10.000 USD từ các trò lừa đảo tình ái trên mạng.
Cuối cùng, một phần nhỏ (8%) người dùng trong thế hệ Gen Z cho biết tội phạm mạng đã khiến họ phải gánh chịu tổn thất tới hơn 10.000 USD từ các mối đe dọa liên quan đến tình yêu.
Ông Chris Connell - Giám đốc Điều hành Kaspersky khu vực châu Á - Thái Bình Dương - cho biết: “Khi còn trẻ, chúng ta có xu hướng tò mò và liều lĩnh hơn một chút. Khi trưởng thành hơn, chúng ta có rất nhiều thời gian và thường là có quỹ nghỉ hưu trong tài khoản ngân hàng. Giới tội phạm mạng hiểu rõ những thực tế này cũng như xu hướng con người của chúng ta là cô đơn và khao khát được bầu bạn khi buộc phải ở nhà một mình".
Ông cho rằng những trường hợp xảy ra gần đây sẽ là một lời nhắc nhở để chúng ta luôn “tỉnh táo” ngay cả khi lắng nghe trái tim mình. Vì không gì đau khổ hơn việc có một người tình giả và một chiếc ví rỗng. Mọi người ở mọi lứa tuổi hãy luôn cảnh giác và nhận thức rõ hơn tính xác thực của các mối quan hệ mà chúng ta đang xây dựng trực tuyến và trực tiếp.
Các phòng tránh lừa đảo hẹn hò trực tuyến
Để phòng tránh lừa đảo tình ái, cần thận trọng với bất kỳ mối quan hệ trực tuyến nào phát triển quá nhanh. Dưới đây là 6 cách khác để giữ an toàn cho trái tim và chiếc ví của bạn:
1. Khi sử dụng các trang mạng xã hội, không chấp nhận lời mời kết bạn từ những người mà bạn không biết.
2. Tránh tiết lộ quá nhiều thông tin cá nhân trong hồ sơ hẹn hò hoặc tiết lộ cho người mà bạn chỉ trò chuyện trực tuyến.
3. Không quá vội vàng. Đặt câu hỏi cho đối tượng tiềm năng và chú ý đến những điểm không nhất quán để có thể vạch mặt kẻ mạo danh.
4. Sử dụng các trang web hẹn hò có uy tín và hãy sử dụng dịch vụ nhắn tin của các trang web này để giao tiếp. Những kẻ lừa đảo sẽ muốn bạn nhanh chóng chuyển sang nhắn tin, sử dụng mạng xã hội hoặc điện thoại, để chúng không để lại bằng chứng nào trên trang web hẹn hò về việc chúng vay mượn tiền của bạn.
5. Đừng bao giờ đưa tiền cho người khác, trừ khi bạn cũng có mối quan hệ trực tiếp với họ.
6. Để được an toàn khi hẹn hò trực tiếp với người khác, hãy cho bạn bè và người thân biết bạn sẽ ở đâu.
Các dấu hiệu cảnh báo về lừa đảo hẹn hò trực tuyến:
- Thể hiện cảm xúc mãnh liệt chỉ trong thời gian rất ngắn.
- Nhanh chóng chuyển từ các trang web hoặc ứng dụng hẹn hò sang các kênh riêng tư.
- Kẻ lừa đảo hỏi rất nhiều câu về bản thân bạn. Điều này là vì càng biết nhiều về bạn, chúng càng dễ thao túng bạn.
- Câu chuyện của chúng không nhất quán. Những kẻ lừa đảo đôi khi hoạt động theo nhóm, trong đó những kẻ lừa đảo khác nhau cùng ẩn sau một danh tính. Vì vậy, hãy nghi ngờ nếu người bạn đang nói chuyện tỏ ra không nhất quán.
- Chúng không để lại dấu vết trên mạng. Mặc dù có một số người không sử dụng mạng xã hội và cố gắng giảm thiểu lượng thông tin cá nhân về họ trên internet, nhưng bạn nên nghi ngờ khi không thể tìm được bất kỳ dấu vết nào của một ai đó trên mạng.
- Không gọi điện video hoặc gặp mặt trực tiếp. Những người bị lừa thường nói rằng người nói chuyện với họ thường xuyên viện lý do tránh sử dụng camera. Lý do rõ ràng là chúng không giống với người trong ảnh đại diện. Chúng cũng muốn tránh bị nhận dạng để phòng ngừa việc bị theo dõi sau đó.
- Mượn tiền để giải quyết khó khăn cá nhân - ví dụ: người thân bị bệnh hoặc công việc kinh doanh thất bại.