Có gì đáng chú ý trong cuộc tập trận chung Nga-Belarus?

Đối ngoại - Ngày đăng : 21:08, 12/02/2022

Ngày 10/2, Nga và Belarus bắt đầu tập trận chung mang tên 'Quyết tâm đồng minh 2022'. Cùng thời điểm, quân đội Ukraine cũng tiến hành tập trận.
Có gì đáng chú ý trong cuộc tập trận Nga-Belarus?
Quân đội Nga-Belarus trong cuộc tập trận chung. (Nguồn: Shutterstock)

Trong thông báo của Bộ Quốc phòng Nga về kế hoạch của cuộc tập trận chung Nga-Belarus mang tên 'Quyết tâm đồng minh 2022' có đề cập việc sử dụng loại vũ khí mới (chưa có tên gọi). Vũ khí này dựa trên những nguyên lý vật lý mới, phối hợp hành động của quân đội Nga và Belarus trong cuộc chiến chống khủng bố.

Thông điệp gửi tới Ukraine

Nội dung quan trọng nhất của tập trận lần này là thực hành tấn công đáp trả những cuộc không kích dồn dập của đối phương. Giai đoạn cuối cùng của cuộc tập trận là chặn đứng cuộc tấn công quy mô lớn của những cụm quân binh chủng hợp thành của kẻ thù giả định.

Lãnh đạo các nước thuộc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) cáo buộc Nga lợi dụng tập trận để che đậy những hoạt động chuẩn bị cho một cuộc tấn công vào Ukraine.

Trong khi đó, Kiev cũng tiến hành tập trận ngay sát Belarus và Crimea. Trong cuộc tập trận này, Ukraine tiến hành thử nghiệm những vũ khí mới, những vũ khí do nước ngoài viện trợ trong những tháng gần đây.

Chuyên gia quân sự Nga Alexei Leonkov tiết lộ cuộc tập trận chung Nga-Belarus diễn ra theo kịch bản là kẻ thù giả định sử dụng không quân, máy bay không người lái tấn công bằng vũ khí chính xác cao. Nhiệm vụ đặt ra cho quân đội Nga-Belarus là chống đỡ các cuộc không kích từ các hướng khác nhau của đối phương.

Nhà nước liên minh Nga-Belarus có hệ thống phòng không chung. Các đơn vị phải phối hợp hành động với nhau một cách nhuần nhuyễn, một yêu cầu hết sức quan trọng. Bên cạnh đó, các đơn vị phải biết phân định mục tiêu, bộ phận nào chịu trách nhiệm tiêu diệt mục tiêu nào.

"Phi công và xạ thụ của Nga đã kinh qua tác chiến ở Syria, đã có kinh nghiệm, những kinh nghiệm này sẽ được chia sẻ cho các đồng đội Belarus”, chuyên gia Alexei Leonkov cho biết.

Đánh giá về mục đích của cuộc tập trận, chuyên gia quân sự Nga Vladislav Shurygin chỉ ra rằng tình hình Ukraine ngày càng trở nên căng thẳng, vì quân đội nước này tiếp nhận rất nhiều vũ khí hiện đại từ các nước thành viên NATO.

Theo ông Vladislav Shurygin, số vũ khí này mang lại ưu thế nhất định cho quân đội Ukraine đối với hai nước cộng hòa nhân dân tự xưng Lugansk và Donetsk. Một số thế lực của Ukraine cho rằng đây là thời điểm thuận lợi để giải quyết vấn đề Donbass bằng vũ lực.

Chuyên gia Vladislav Shurygin khẳng định: "Cuộc tập trận Nga-Belarus muốn gửi tới cái đầu nóng Ukraine những tín hiệu rằng hy vọng của họ là không có cơ sở, rằng nước Nga luôn có ý chí chính trị bảo vệ nhà nước liên minh và những người Nga sống ở nước ngoài”.

Lực lượng hùng hậu, trang thiết bị tối tân

Tham gia tập trận "Quyết tâm đồng minh 2022", Nga chủ yếu đưa lực lượng của quân khu phía Đông tới Belarus. Ngoài những đơn vị bộ binh, còn có lực lượng thủy quân lục chiến của Hạm đội Thái Bình Dương, các lữ đoàn lính dù. Tuy nhiên, con số binh lính cụ thể không được Bộ Quốc phòng Nga công bố.

Cùng với đó, Nga đem theo nhiều trang thiết bị, vũ khí tối tân, bao gồm các phi đội tiêm kích Su-35S, cường kích Su-25SMZ. Tổ hợp phòng không tầm xa S-400, tổ hợp phòng không tầm ngắn Pantsir-S, các đơn vị xe tăng, bộ binh cơ giới, pháo binh và tổ hợp tên lửa chiến dịch - chiến thuật Iskander.

Trước đó, ngày 8/2, Nga lần đầu tiên triển khai máy bay tiêm kích đánh chặn Mi-31K mang theo tên lửa siêu thanh Kinzhal tới căn cứ quân sự ở Kaliningrad.

Ngày 10/2, 6 tàu đổ bộ cỡ lớn của Hạm đội phương Bắc và Hạm đội Baltic của Nga đã tới Sevastopol. Trước đó, Nga thông báo đóng cửa không phận bán đảo Crimea và vùng biển Azov, cấm tàu thuyền hoạt động, do lực lượng hải quân Nga tiến hành tập trận bắn đạn thật.

Tham gia cuộc tập trận lần này còn có những đơn vị làm công tác hỗ trợ, hậu cần. Ngoài ra, Moscow còn điều động lực lượng của quân khu phía Tây và phía Nam tới những thao trường gần biên giới với Ukraine.

Bày tỏ lo ngại về cuộc tập trận, Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian ngày 10/2 cho biết: “Nga đã tập trung khoảng 125.000 quân sát biên giới Ukraine. Lực lượng này được cho là đủ để thực hiện một cuộc tấn công, tuy nhiên quyết định vẫn chưa được đưa ra”.

Trong khi đó, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tuyên bố: “Nga tập trung đông quân trên biên giới Ukraine để tạo ra sức ép về tâm lý. Ukraine sẽ làm tất cả những gì có thể, để củng cố khả năng phòng thủ quốc gia của mình”.

Đồng thời với cuộc tập trận Nga-Belarus, quân đội Ukraine cũng tiến hành diễn tập, trùng thời gian từ ngày 10-20/2.

Tham gia diễn tập của quân đội Ukraine có máy bay không người lái Bayraktar, tổ hợp tên lửa chống tăng vác vai Javelin, và tên lửa chống tăng có điều khiển NLAW.

Văn Đỉnh