Uống nước canh cũng bị nghẹn: Coi chừng ung thư thực quản!
Ăn ngon - Sống khỏe - Ngày đăng : 12:10, 12/02/2022
Lạm dụng thuốc lá, rượu bia làm tăng nguy cơ ung thư thực quản
Theo các nghiên cứu dịch tễ học, thói quen ăn uống không khoa học là một yếu tố quan trọng làm tăng nguy cơ ung thư. Người uống rượu bia có nguy cơ mắc ung thư thực quản cao gấp 2-4 lần người bình thường. Nếu mắc cùng lúc 3 thói quen xấu là: hút thuốc, uống rượu và ăn trầu cau thì nguy cơ mắc ung thư cao gấp 200 lần so với người bình thường. Ngoài ra, những người thường xuyên ăn thực phẩm muối xổi có chứa nitrosamine, cũng như những người vệ sinh răng miệng kém, có thể làm tăng nguy cơ ung thư thực quản.
Theo báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), thức ăn và đồ uống trên 65 độ C có thể gây kích ứng niêm mạc thực quản và làm tổn thương bộ phận này. Do đó, việc ăn thức ăn có nhiệt độ cao trong thời gian dài có thể khiến niêm mạc thực quản bị tổn thương, có nguy cơ trở thành ung thư.
Bệnh nhân có tiền sử gia đình mắc bệnh ung thư thực quản, từng bị ung thư miệng, ung thư hầu họng, ung thư vòm họng và các bệnh ung thư vùng đầu cổ khác cũng dễ bị ung thư thực quản.
1/3 số bệnh nhân ung thư hầu họng sẽ bị ung thư thực quản. Những người thiếu enzyme acetaldehyde dehydrogenase (ALDH2), có tác dụng chuyển hóa rượu, có nguy cơ phát triển ung thư thực quản tăng gấp 50 lần.
Khi xuất hiện triệu chứng thường đã ở giai đoạn muộn
Theo các chuyên gia, do thực quản có tính đàn hồi nên rất khó phát hiện ra khối u khi chúng xuất hiện ở giai đoạn đầu. Khi bệnh nhân có biểu hiện khó nuốt, vướng trong họng thường xuyên, ho, nóng rát ngực, thậm chí ho ra máu, khó thở, tức ngực thì rất có thể ung thư đã đến giai đoạn cuối.
Theo lý giải, thực quản dài khoảng 20 đến 25cm, một khi tế bào ung thư phát triển trên màng nhầy thì sẽ không có cảm giác đau, hầu như không có triệu chứng rõ ràng trong giai đoạn đầu. Khi khối u lớn dần và chiếm không gian dần dần sẽ dẫn đến tình trạng khó nuốt. Lúc đầu khó nuốt cơm, rồi đến các loại sợi mỳ cuối cùng là húp nước canh cũng bị nghẹn. Tiếp theo các triệu chứng ho, giảm cân. Khi các triệu chứng rõ ràng, hầu hết bệnh nhân đã ở giai đoạn giữa và cuối của bệnh ung thư thực quản.
Điều trị ung thư thực quản
Nhìn chung, ngoài ung thư thực quản giai đoạn đầu có thể điều trị tại chỗ thì hầu hết bệnh nhân được khuyến cáo xạ trị và hóa trị, để giảm kích thước khối u rồi cắt bỏ để có tỷ lệ sống cao hơn. Khi ung thư thực quản ở giai đoạn nặng, phần lớn thực quản phải được cắt bỏ qua phẫu thuật nội soi lồng ngực, sau đó là tái tạo lại dạ dày hoặc ruột, kết hợp với hóa trị và xạ trị.
Ung thư thực quản tiên lượng thường kém, đặc biệt đối với ung thư thực quản giai đoạn muộn, do hệ thống bạch huyết gần thực quản rất nhiều. Do đó ung thư thực quản dễ di căn vào mô bạch huyết hoặc các mô xung quanh ở giai đoạn tương đối sớm. Tỷ lệ sống sót sau 5 năm đối với ung thư thực quản giai đoạn 3 chỉ còn 20%, giai đoạn 4 chỉ còn dưới 10%.
Tuy nhiên, dù là hóa trị, xạ trị hay điều trị ngoại khoa, do thực quản tiếp giáp với tim, phổi và các cơ quan quan trọng khác nên rất dễ gây rối loạn dinh dưỡng do không thể ăn uống bình thường, hoặc bị sặc do chèn ép khí quản gây ra tình trạng viêm phổi hoặc thậm chí gây chảy máu ồ ạt.