Cán bộ bị bắt vì đấu thầu: 'Cần có tổ chức trung lập trong mua sắm tài sản công'
Pháp luật - Ngày đăng : 07:22, 12/02/2022
Thời gian gần đây, nhiều lãnh đạo, cựu lãnh đạo các bệnh viện lớn bị bắt liên quan đến sai phạm về đấu thầu. Họ đều là những bác sĩ làm tốt công tác chuyên môn, nhưng khi đụng đến vấn đề "không chuyên" là tổ chức đấu thầu thì lại mắc sai phạm.
Mới đây, Thanh tra Chính phủ đã chuyển hồ sơ đề nghị Bộ Công an vào cuộc, liên quan đến dấu hiệu sai phạm tại các bệnh viện lớn. Điển hình như bệnh viện Bạch Mai, bệnh viện K, bệnh viện Ung Bướu TP.HCM...
Điểm chung trong các vụ việc này là đều có dấu hiệu sai phạm liên quan đến đấu thầu thiết bị, vật tư y tế.
Trước đó, nhiều lãnh đạo, cựu lãnh đạo các bệnh viện lớn đã bị bắt, một số người bị đưa ra xét xử liên quan đến sai phạm đấu thầu, mua sắm tài sản công. Điển hình như ông Nguyễn Quốc Anh (cựu Giám đốc bệnh viện Bạch Mai, bị tuyên 5 năm tù về tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ), ông Nguyễn Quang Tuấn (cựu Giám đốc bệnh viện Tim Hà Nội, cựu Giám đốc bệnh viện Bạch Mai, đã bị bắt tạm giam), ông Nguyễn Minh Khải (cựu Giám đốc bệnh viện Mắt TP.HCM, đã bị bắt tạm giam)...
Đây không chỉ là nỗi đau xót đối với ngành y mà còn là nỗi buồn của những người bệnh nói chung. Nhiều lãnh đạo bệnh viện làm tốt công tác chuyên môn, nhưng khi “đụng” vào vấn đề đấu thầu tài sản công lại vướng sai phạm. Để rồi chính họ phải vào vòng lao lý vì những sai phạm ấy.
Thay vì điều hành công tác trị bệnh cứu người, các bác sĩ này phải dành thời gian ngồi phía sau song sắt. VOV.VN đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Hoàng Ngọc Giao, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách, Pháp luật và Phát triển về vấn đề này.
- Thưa ông, thời gian gần đây nhiều lãnh đạo, cựu lãnh đạo các bệnh viện lớn đã bị bắt liên quan đến đấu thầu tài sản công. Ông có thể cho biết, đối với việc đấu thầu tại bệnh viện, vật tư y tế thì liệu có những kẽ hở nào dẫn đến sai phạm, thậm chí khiến chúng ta phải mất cán bộ?
Nói về đấu thầu, chúng ta có Luật Đấu thầu và các văn bản dưới luật trong mua sắm công, tức là dùng tiền ngân sách mua sắm tài sản công. Dù chúng ta đã có khuôn khổ pháp luật về đấu thầu, tuy nhiên thực tế chúng ta có thể thấy nhiều vấn đề xảy ra trong đấu thầu, mua sắm tài sản công. Có thể kể đến các tình trạng như “quân xanh, quân đỏ”, nâng giá thiết bị, vật tư...
Tất cả các hiện tượng tiêu cực xảy ra, thứ nhất là do không thực hiện đúng khuôn khổ quy định pháp luật về đấu thầu. Nguyên tắc cơ bản của đấu thầu là phải công khai, minh bạch. Đây là yếu tố rất quan trọng. Công khai, minh bạch từ khâu chuẩn bị thông báo thầu. Công khai, minh bạch và khách quan từ khâu hội đồng chấm thầu và thời hạn công bố tổ chức đấu thầu...
Nói chung, tất cả những khâu đó phải được thực thi đúng pháp luật, thì mới giảm thiểu được khả năng lợi dụng để vụ lợi, tham nhũng.
Đối với dấu hiệu sai phạm ở các bệnh viện lớn mà truyền thông đã đưa, thực ra đây chưa phải là những thông tin chi tiết. Rồi vụ việc sẽ được cơ quan điều tra làm rõ, sẽ có luật sư tham gia. Đến lúc đó mới có thể đánh giá vi phạm ở mức độ nào.
Có những vấn đề có thể nằm ở nguyên nhân khách quan. Nhưng tóm lại, đấu thầu để xảy ra sai phạm thì vấn đề tuân thủ pháp luật và kiểm tra, giám sát tuân thủ pháp luật còn kém.
- Theo ông thì phải có những biện pháp thế nào để giảm thiểu tình trạng sai phạm trong đấu thầu như hiện nay?
Chúng ta có thể đặt ra vấn đề là: Tại sao lại để cho chủ đầu tư, người quản lý tài sản công đó đứng ra tổ chức đấu thầu. Điều này liệu dễ dẫn đến tình trạng “vừa đá bóng, vừa thổi còi”, rồi sai phạm hay không?
Tại sao chúng ta không có một cơ quan chuyên tổ chức mua sắm công, chuyên nghiệp và minh bạch làm vấn đề đó. Cơ quan này mua sắm dựa trên nhu cầu của từng đơn vị và dựa trên nguồn ngân sách được cấp. Rồi sau khi mua sắm, họ sẽ phân phối thiết bị cho các bệnh viện một cách công khai, minh bạch.
Làm như vậy tách bạch lợi ích giữa người sử dụng và người tổ chức đấu thầu để mua sắm thiết bị. Đó cũng là một cách để khắc phục tình trạng hiện nay. Không chỉ trong mua sắm thiết bị, vật tư y tế, kể cả mua sắm các tài sản công khác cũng có thể áp dụng.
Bên cạnh đó, để có được giải pháp thì các bộ ngành liên quan phải lấy những vụ việc sai phạm để nghiên cứu kỹ, đánh giá xem lỗ hổng ở đâu. Trên cơ sở đó, hoàn thiện những quy định về đấu thầu. Việc này phải dựa trên nghiên cứu thực tế, nhằm “vá” những lỗ hổng trong quá trình thực thi pháp luật về đấu thầu. Nhờ đó sẽ giảm thiểu được sai phạm.
- Một vụ việc cụ thể đã được đưa ra xét xử là nâng khống giá thiết bị robot phẫu thuật ở bệnh viện Bạch Mai. Trong quá trình xét xử cũng làm rõ mối liên quan giữa người đứng đầu doanh nghiệp và người đứng đầu bệnh viện. Ông có suy nghĩ thế nào về trách nhiệm của người đứng đầu khi để xảy ra các sai phạm về đấu thầu?
Những vụ việc sai phạm khi xảy ra ở đơn vị nào thì chúng ta cũng nhắc đến trách nhiệm của người đứng đầu. Ở đây có hai loại trách nhiệm, thứ nhất là trách nhiệm về chính trị. Anh là người đứng đầu khi để xảy ra sai phạm, dù anh có khách quan, vô tư nhưng anh vẫn phải chịu trách nhiệm. Thậm chí là anh phải xin từ chức, hoặc chịu kiểm điểm, khiển trách.
Điều thứ hai, người đứng đầu nếu trong vụ việc có nhận hối lộ, có tham nhũng mà được chứng minh thì anh phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Tuy nhiên, trong từng vụ việc cụ thể, việc kết luận một người đứng đầu vi phạm ở mức độ nào, mức độ hành chính hay vi phạm hình sự thì phải do cơ quan điều tra và quá trình xét xử xác minh, làm rõ.
Tôi cho rằng, đã là người đứng đầu khi xảy ra sai phạm ở đơn vị, dù anh có khách quan vô tư đến đâu thì anh vẫn phải chịu trách nhiệm.
- Hiện chúng ta đang triển khai, phát triển Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia, theo ông liệu việc tích hợp công nghệ thông tin vào đấu thầu có làm tăng tính minh bạch, giảm thiểu sai phạm trong đấu thầu hay không?
Trong thời đại 4.0, sự tiến bộ về khoa học công nghệ giúp cho tiết kiệm chi phí, minh bạch hóa tất cả các giao dịch. Tôi cho rằng điều này rất tốt. Nhưng vấn đề là chúng ta làm như thế nào để đảm bảo sự minh bạch, công khai trên hệ thống mạng, cơ sở dữ liệu. Làm sao để người dân, doanh nghiệp và cả truyền thông tiếp cận dễ dàng với cơ sở dữ liệu đó. Để đảm bảo sự kiểm soát có thể đến từ nhiều phía.
Vấn đề đánh giá năng lực của nhà thầu, hội đồng chấm thầu ra sao... Nếu công khai, minh bạch và tạo điều kiện cho nhiều phía có thể giám sát là điều rất tốt. Tôi cho rằng làm được như vậy có thể góp phần giảm thiểu các sai phạm.
- Vâng, xin cảm ơn ông!
Trọng Phú(VOV.VN)