Tàu tuần tra “lưỡng cư” Strazh: Vũ khí độc nhất của Nga

Đối ngoại - Ngày đăng : 14:42, 11/02/2022

Tàu Strazh kết hợp ưu điểm của tàu ngầm và chiến hạm mặt nước, sẽ là bước đột phá quân sự của Nga trong tác chiến hàng hải hiện đại.

Chiến hạm lai tàu ngầm

Hôm 9-2, Cục Thiết kế kỹ thuật hàng hải trung ương Rubin tại thành phố St.Petersburg đã công bố phiên bản sửa đổi thứ 2 của tàu tuần tra Strazh. Điểm đặc biệt là nó có thể hoạt động như một tàu nổi và lặn như tàu ngầm.

Rubin đã phát triển Strazh, dựa trên việc kết hợp các tính năng của tàu ngầm và tàu tuần tra mặt nước. Biến thể mới này có vũ khí trang bị tối đa, gồm 1 pháo tự động cỡ nhỏ, 2 bệ phóng tên lửa dẫn đường, và 4 ống phóng ngư lôi 324 mm. Cấu hình trên khiến con tàu trở nên nguy hiểm ngay cả đối với các tàu mặt nước cỡ lớn.

Đại diện của Rubin cho biết thêm, phiên bản mới của tàu Strazh có kích thước lớn hơn nguyên mẫu ban đầu, với chiều dài 72m và lượng choán nước khoảng 1.300 tấn.

Việc tăng kích thước cho phép cung cấp cho con tàu nhiều chức năng hơn. Các đường viền mới với thân xuyên sóng 2 bên giúp giảm độ lăn, tăng độ ổn định của tàu, đồng thời cũng giảm khả năng phát hiện của radar đối phương.

Tàu có một anten thủy âm dạng hình cung, giúp cải thiện khả năng hoạt động và làm giảm lực cản chuyển động ở vị trí bề mặt. Tổ hợp máy điện mạnh mẽ, cho phép con tàu di chuyển với tốc độ lên đến 39 km/giờ.

Con tàu có 2 nhà chứa máy bay đa chức năng kín, có thể chứa tàu cỡ nhỏ, vũ khí trang bị của đơn vị tuần tra, UAV và các thiết bị khác.

Tàu tuần tra Strazh trang bị tên lửa và ngư lôi. Ảnh: Cục Thiết kế Rubin

Tàu Strazh có thể được sử dụng cho các cuộc tập trận của lực lượng chống ngầm, và huấn luyện thủy thủ đoàn tàu ngầm. Tàu có thể lặn dưới mặt nước hơn 6.400 km, với tốc độ 18,5 km/giờ.

Nhờ sự kết hợp giữa các đặc tính dưới nước và trên bề mặt, con tàu “lưỡng cư” này có thể được sử dụng trong thời bình, và chiến đấu hiệu quả khi xung đột leo thang.

“Khả năng lặn cho phép Strazh giải quyết các nhiệm vụ điển hình của tàu tuần tra theo phương pháp mới, bao gồm cả những cách đơn giản, nhưng mang lại nhiều ưu thế hơn”, đơn vị phát triển khẳng định.

Vũ khí đa năng

Tháng 4-2021, Cục Thiết kế kỹ thuật hàng hải trung ương Rubin đã công bố phiên bản đầu tiên của một tàu chiến mới, mang các ưu điểm của tàu ngầm và tàu tuần tra mặt nước.

Con tàu có tên gọi là “Strazh” (Người bảo vệ), và được lên kế hoạch xuất khẩu ra nước ngoài, với tên gọi BOSS (Border and Offshore Submersible Sentry). Phiên bản này có thể chở theo 42 người.

Theo nhận định, khả năng lặn dưới nước mang lại cho con tàu 2 lợi thế: Bí mật giám sát những kẻ xâm nhập và đánh chặn thành công chúng, đồng thời tránh được các điều kiện thời tiết bất lợi mà không làm gián đoạn các cuộc tuần tra.

Ngoài ra, khả năng lặn sẽ cho phép tàu Strazh được sử dụng như một tàu ngầm cổ điển, phục vụ cho mục đích trinh sát. Các nhà phát triển lưu ý rằng, bản sửa đổi lần này, về kiến trúc và đường nét, giống với các tàu ngầm diesel-điện thuộc Dự án 613 của Liên Xô.

Theo chuyên gia quân sự Konstantin Sivkov, tàu Strazh có thể sử dụng để giải quyết một số nhiệm vụ nhất định, như bảo vệ cho các khu vực ở dải ven biển, thực hiện phá hoại dưới nước, chống tàu ngầm ở độ sâu nhỏ và tìm kiếm thủy lôi.

Đồng thời, khả năng lặn dưới nước mang lại cho con tàu những lợi thế tác chiến, như giúp né tránh tên lửa chống hạm của đối thủ. Ngoài ra, do độ ồn thấp, con tàu có khả năng chống tàu ngầm nhất định, đặc biệt là ở khu vực ven biển.

Từ dự án Dolphin đến Strazh

Theo các chuyên gia, khái niệm tàu chiến “lai” tàu ngầm, có thể hoạt động ở cả chế độ dưới nước và trên mặt nước đã có từ lâu.

Những chiếc tàu ngầm đầu tiên của thế giới được tạo ra vào đầu thế kỷ 19 và 20, đã hoạt động theo nguyên tắc này. Do những hạn chế về công nghệ, các tàu ngầm đời đầu dành phần lớn thời gian trên mặt nước, vì chúng chỉ có thể lặn dưới nước trong một thời gian ngắn.

Với sự phát triển của công nghệ và tiến bộ của thiết kế tàu chiến, những con tàu “lai” này đã biến mất ngay sau Chiến tranh thế giới thứ nhất.

Mặc dù vậy, khái niệm về con tàu “lai” đã được quay trở lại sau đó. Trong những năm 1950 và 1960, Liên Xô đã phát triển tàu tên lửa Dự án 1231 Dolphin. Đây là con tàu có các đặc tính chung của tàu tên lửa và tàu ngầm.

Người khởi xướng dự án này khi đó là nhà lãnh đạo Liên Xô Nikita Khrushchev. Trong chuyến công tác tới Balaklava, ông Khrushchev đã tham quan các mẫu xuồng cao tốc và tàu ngầm, sau đó đã đề xuất tạo ra dự án tàu kết hợp những sản phẩm chung này.

Theo kế hoạch của người đứng đầu Liên Xô, những con tàu như vậy có thể hoạt động bí mật, tạo ra lợi thế trong một cuộc xung đột tiềm tàng có sử dụng vũ khí hạt nhân. Ngoài ra, với khả năng tàng hình vốn có của tàu ngầm, chúng sẽ có sức tấn công ngang ngửa tàu tên lửa mặt nước.

Tuy nhiên, trong quá trình phát triển tàu Dolphin Dự án 1231, các nhà thiết kế đã gặp phải một số vấn đề kỹ thuật phức tạp và những hạn chế đã làm giảm hiệu quả chiến đấu. Vì vậy, tàu Dolphin có tầm hoạt động và tốc độ ngắn, trong khi chúng dễ bị tấn công đường không hơn.

Các nhà thiết kế Liên Xô không thể giải quyết triệt để những hạn chế này. Dự án 1231 Dolphin sau đó đã bị dừng lại sau khi nhà lãnh đạo Khrushchev rời các chức vụ Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương và Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Liên Xô năm 1964.

Theo chuyên gia quân sự Yuri Knutov, mặc dù các kỹ sư của Liên Xô có trình độ cao, nhưng các công nghệ mới để tạo ra con tàu độc nhất này cho đến nay mới xuất hiện.

Đồng thời, theo chuyên gia, phương thức hoạt động trên bề mặt của con tàu nên là chủ yếu, và phương thức lặn sẽ được sử dụng trong các tình huống khẩn cấp hoặc để giải quyết các vấn đề đặc biệt.

Trong tình huống nguy cấp, kể cả bão hoặc các nhiễu động biển nghiêm trọng, con tàu có thể di chuyển dưới nước. Điều này cũng giúp tàu có khả năng tàng hình, và thuận lợi tiếp cận đường bờ biển của đối phương.

“Khi dự án được thực hiện thành công, nó sẽ trở thành một bước đột phá quân sự. Vì cho đến nay chưa có quốc gia nào có những con tàu như vậy được đưa vào biên chế”, chuyên gia nhấn mạnh.

MINH TUẤN (Theo RT)