Đặt trạm BOT cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận ở đâu, mức phí thế nào?
Xã hội - Ngày đăng : 13:59, 11/02/2022
Tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận có tổng chiều dài 51,5 km, bề rộng nền đường 17 m, mặt đường 16 m, gồm 4 làn xe, được thông xe hôm 19/1/2022. Trên tuyến có 53 cầu, trong đó có 39 cầu trên tuyến chính, 14 cầu vượt và cầu trên tuyến nối.
Tổng mức đầu tư dự án hơn 12.600 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách nhà nước hỗ trợ hơn 2.100 tỷ đồng, vốn của nhà đầu tư, vốn tín dụng hơn 10.400 tỷ đồng.
Tỉnh Tiền Giang đã thống nhất với Công ty CP BOT Trung Lương - Mỹ Thuận trình Bộ GTVT về việc xây dựng 2 trạm thu phí trên tuyến chính tại Km 51+940 và Km 99+200.
Cụ thể, vị trí đặt trạm thu phí trên tuyến chính tại Km 51+940 thuộc khu vực nút giao Thân Cửu Nghĩa, huyện Châu Thành để kiểm soát được toàn bộ phương tiện ra vào tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận; xây dựng nhà điều hành tạm trong phạm vi đã giải phóng mặt bằng của dự án để phục vụ công tác vận hành, thu phí, điều chuyển thiết bị chưa lắp đặt của 4 làn trên tuyến nhánh đã phê duyệt và bổ sung thiết bị cho hai làn thu phí để lắp đặt cho tuyến chính.
Các trạm thu phí trên tuyến nhánh tại nút giao Cai Lậy, nút giao Cái Bè, nút giao An Thái Trung được giữ nguyên theo hồ sơ thiết kế được duyệt.
Trong quá trình khai thác, nhà đầu tư tiếp tục theo dõi tình hình thực tế, chủ động đề xuất phương án đặt thêm 1 trạm trên tuyến chính tại cuối tuyến (khu vực nút giao An Thái Trung) trong trường hợp cầu Mỹ Thuận 2 và tuyến cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ hoàn thành nhưng chưa thu phí, có nghiên cứu phù hợp với nút giao đường cao tốc Cao Lãnh - An Hữu.
UBND tỉnh Tiền Giang thống nhất mức thu phí tạm thời sau khi 2 trạm thu phí trên tuyến chính thi công xong, đưa vào vận hành sẽ có xem xét điều chỉnh cụ thể.
Trong dự toán phương án tài chính ban đầu, mức thu phí sử dụng đường bộ tại cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận được chia theo 5 nhóm xe. Mức thấp nhất là 2.100 đồng/km, tương 110.000 đồng cho cả tuyến 51 km; nhóm chịu phí đắt nhất là xe tải 18 tấn trở lên với mức giá 8.400 đồng/km, tương đương khoảng 430.000 đồng cho cả tuyến.
Lộ trình tăng giá được tỉnh Tiền Giang duyệt là 3 năm doanh nghiệp thực hiện cao tốc được tăng giá vé lên 15% trong suốt vòng đời của dự án.
Tuy nhiên, trên thực tế, phải khi dự án hoàn thành, nghiệm thu thì mới có thể tính toán và xác định mức thu, giá vé cụ thể.
Được biết, Công ty Cổ phần BOT Trung Lương - Mỹ Thuận đã có báo cáo bổ sung giải pháp thu phí để hoàn vốn dự án đầu tư đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận. Trong đó, đơn vị này đề xuất xây dựng 2 trạm thu phí trên tuyến chính tại Km51+940 và Km99+200.
Ông Cao Văn Nghĩa - Phó Tổng Giám đốc dự án BOT cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận - thông tin, sau gần 3 năm tiếp nhận quản lý điều hành dự án, cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận đã hoàn thành tuyến chính và cơ bản hoàn thành các tuyến nối. Tuy nhiên, đến nay đề án thu phí tuyến cao tốc TPHCM - Trung Lương vẫn chưa được phê duyệt, vì vậy, việc thu phí hoàn vốn dự án Trung Lương - Mỹ Thuận sẽ không thực hiện được. Điều này có nguy cơ ảnh hưởng đến thời gian đưa tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận vào khai thác vận hành.
Với 2 trạm thu phí chính tuyến, nếu Bộ GTVT đồng ý với đề xuất thì việc xây dựng trạm thu phí cũng phải mất thời gian đến 6 tháng. Hiện dự án đang được thi công mặt đường và trạm thu phí các tuyến nhánh Cai Lậy, Cái Bè, Tân Phước, dự kiến đến cuối tháng 3/2022 sẽ hoàn thành.
Trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 (từ 25/1 - 10/2), tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận được đưa vào khai thác để phục vụ việc đi lại của người dân. Tính đến 12h ngày 9/2 đã có khoảng 450.000 lượt xe lưu thông trên tuyến cao tốc, trung bình khoảng hơn 28.100 lượt xe/ngày đêm.
Kể từ 0h ngày 11/2, cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận sẽ dừng vận hành theo kế hoạch để tiến hành đánh giá các yếu tố kỹ thuật và tiếp tục hoàn thiện công trình, tiến hành nghiệm thu, hoàn thiện đầy đủ cơ sở pháp lý trước khi đưa vào vận hành chính thức.