90% bệnh nhân ung thư đường ruột sẽ có những triệu chứng này khi đi vệ sinh
Ăn ngon - Sống khỏe - Ngày đăng : 10:15, 11/02/2022
Ung thư đường ruột là một trong những loại ung thư phổ biến nhất tại Châu Âu, phần lớn xuất hiện ở độ tuổi 60. Căn bệnh này có một vài triệu chứng đặc trưng nhưng hầu hết không phải là những dấu hiệu cảnh báo quá rõ ràng nên người bệnh thường chủ quan bỏ qua. Ung thư đường ruột thường được nhận biết thông qua những biểu hiện ở ruột kết và trực tràng nhưng rất khó phát hiện trong giai đoạn đầu.
Khi bị ung thư đường ruột, khoảng 90% bệnh nhân sẽ có những sự thay đổi nhất định trong thói quen đi vệ sinh, điển hình như việc thường xuyên đau bụng; đầy hơi; són tiểu; táo bón và tiêu chảy xen kẽ; phân đổi màu, không định hình thậm chí là có máu trong phân. Đồng thời, người bệnh sẽ luôn trong trạng thái cảm thấy người mệt mỏi, khó thở, chán ăn, sụt cân nhanh chóng, nôn mửa và thiếu sức sống.
Để lý giải về nguyên nhân dẫn đến những triệu chứng này, các chuyên gia cho biết, một số bệnh nhân ung thư đường ruột giai đoạn đầu sẽ bị tiêu chảy kéo dài, sau đó có thể xuất hiện táo bón, đôi khi xen kẽ nhau là vì sự phát triển của tế bào ung thư có thể ảnh hưởng đến hoạt động sinh lý bình thường của trực tràng, và làm niêm mạc ruột bị kích thích bởi tế bào ung thư dẫn đến tăng nhu động đường tiêu hóa và gây tiêu chảy. Bên cạnh đó, trong quá trình đại tiện, khối u trong ruột dễ bị ma sát khiến đi ngoài ra máu đỏ thẫm hoặc phân chuyển màu đen.
Tuy ung thư đường ruột là một căn bệnh cực kỳ nguy hiểm nhưng nếu phát hiện sớm từ giai đoạn đầu thì có thể dùng phương pháp phẫu thuật, xạ trị và hóa trị triệt để nhằm ức chế sự tăng sinh của tế bào ung thư, giúp tăng tỷ lệ sống thêm 5 năm và kéo dài thời gian sống.
Làm thế nào để ngăn ngừa ung thư đường ruột?
Hạn chế đồ ăn cay
Thức ăn cay có khả năng kích thích ruột một cách trực tiếp, "tiếp tay" đẩy nhanh sự phát triển của vi khuẩn có hại trong ruột gây ảnh hưởng nặng nề đến bộ phận này. Vì vậy, để phòng chống ung thư đường ruột phải thường xuyên ăn nhiều rau xanh, trái cây và ngũ cốc nguyên hạt, những thực phẩm có chứa chất xơ thô cao khác để thúc đẩy nhu động ruột và giảm gánh nặng cho đường ruột.
Hạn chế đồ ăn nhanh và các loại thịt đỏ
Tránh ăn quá nhiều thức ăn giàu chất béo và đạm động vật, vì nó có thể kích thích việc bài tiết mật, làm tăng lượng dịch mật trong đường mật, đồng thời cũng làm tăng axit mật và cholesterol trong phân. Trực khuẩn kỵ khí phát triển trong ruột già tác dụng trực tiếp lên cholesterol và axit mật dễ sinh ra nhiều chất gây ung thư.
Tránh bị táo bón
Để tránh bị táo bón thì việc uống nhiều nước và ăn nhiều thực phẩm có chất xơ là phương pháp tối ưu nhất để duy trì tình trạng tiêu hóa tốt. Đồng thời còn làm giảm hiện tượng phân ứ đọng lâu trong ruột già, góp phần phục hồi và thúc đẩy năng suất làm việc của bộ phận này, giúp hạn chế hấp thu các chất gây ung thư qua đường tiêu hóa.
Điều trị sớm polyp ruột
Điều trị tích cực các bệnh viêm loét đại tràng và các polyp đường ruột, đặc biệt là các polyp tuyến (tổn thương tiền ung thư của ung thư đại trực tràng) là một trong những biện pháp phòng ngừa ung thư đường ruột hiệu quả nhất. Bên cạnh đó, cần kịp thời cắt bỏ và kiểm tra sức khỏe định kỳ thường xuyên để tránh nguy cơ bị ung thư đường ruột. Ngoài ra, bệnh viêm ruột mãn tính và nhiều loại polyp khác nhau nên được điều trị càng sớm càng tốt, cũng như bệnh kiết lỵ mãn tính và bệnh sán máng.