Chuyển sang ăn dặm bé có tình trạng chán sữa, bỏ sữa: Bố mẹ cần làm gì?
Cùng con trưởng thành - Ngày đăng : 10:17, 11/02/2022
Ăn dặm là một bước chuyển tiếp vô cùng quan trọng trong quá trình phát triển của bé, từ việc bú sữa mẹ hoàn toàn sang giai đoạn bổ sung các dưỡng chất cần thiết bằng các thực phẩm khác được chế biến và ăn trực tiếp.
Việc giúp bé làm quen và thích nghi với các món ăn dặm bên cạnh thức ăn chính là sữa vốn không hề dễ dàng khiến nhiều bố mẹ phải vất vả, lo lắng.
Ngoài ra còn có một tình trạng khác xảy ra là một số bé sau khi ăn dặm lại quay ra chán sữa, không chịu bú/uống và thậm chí có nguy cơ bỏ hẳn sữa. Điều này làm làm các bậc phụ huynh bối rối, không biết phải xử trí ra sao.
Nguyên nhân bé ăn dặm không chịu uống sữa
1. Mẹ cho bé ăn dặm quá sớm
Theo khuyến cáo từ các chuyên gia thì trẻ cần được bú sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu, và thời điểm tập ăn dặm nên bắt đầu sau đó. Tuy nhiên vì nhiều lý do, không ít bố mẹ cho con ăn dặm sớm hơn tới 1-2 tháng. Lúc đó, hệ tiêu hóa của bé vẫn chưa hoàn thiện, cơ thể bé cũng chưa sẵn sàng dẫn đến các cơ quan tiêu hóa phải hoạt động hết công suất, thậm chí là quá tải.
Chính vì vậy, đường ruột và dạ dày của bé bị yếu đi, rối loạn tiêu hóa khiến bé cảm thấy khó chịu, khẩu vị bị ảnh hưởng bao gồm cả tình trạng chán sữa, không còn muốn uống sữa nữa. Khi ấy, nếu bố mẹ không có sự điều chỉnh kịp thời, có thể bé sẽ uống sữa ngày càng it đi hay bỏ hẳn sữa dù có thể bé sẽ biết ăn dặm sớm.
2. Trẻ bị thu hút bởi thức ăn dặm hơn là sữa
Đây được coi là nguyên nhân phổ biến nhất khiến bé bỏ sữa khi ăn dặm. Lý do là trẻ nhỏ sẽ rất thích thú với những thứ lạ, bị thu hút bởi hương vị và màu sắc của những thứ mà bé chưa nhìn thấy, chưa được thử bao giờ. Nên khi bé đã bắt đầu ăn dặm, bé dễ bị hấp dẫn bởi những thực phẩm ăn dặm mà lơ là với sữa, không chịu bú sữa mẹ hoặc uống sữa công thức nữa.
Bố mẹ cho bé ăn dặm lượng quá nhiều
Khi thấy con ăn dặm ngon miệng, nhiều bố mẹ có tâm lý thích thú, được đà tăng lượng ăn dặm cho bé nhiều hơn, no hơn và chủ động giảm lượng sữa mỗi ngày xuống. Lâu ngày, điều này cũng sẽ khiến bé không còn mặn mà với sữa nữa, thậm chí sẵn sàng bỏ hẳn món ăn thiết yếu này.
3. Nguồn sữa hạn chế hoặc nhàm chán, có vấn đề
Trong trường hợp trẻ bú mẹ, khi được tập ăn dặm sẽ bớt thời gian bú mẹ hơn, do đó mà sự kích thích của tuyến sữa cũng giảm đi khiến tuyến sữa tiết lượng ít hơn. Khi bé bú nhưng lượng sữa mẹ không còn dồi dào nhanh chóng như trước cũng là một phần nguyên nhân khiến bé chán sữa.
Với những bé đang uống sữa công thức, có khả năng bé không còn thích hương vị đó hoặc cũng có thể mẹ pha sữa không đúng tỉ lệ, làm giảm hương vị, hàm lượng dinh dưỡng hay sữa quá hạn nên mùi vị bị ảnh hưởng … khiến trẻ không còn hứng thú nữa.
4. Do bé mọc răng hoặc không khỏe trong người
Thời điểm bé tập ăn dặm cũng là lúc những chiếc răng bé xinh của trẻ bắt đầu nhú lên khiến lợi ngứa ngáy khó chịu. Khi này việc gặm đồ ăn dặm giúp răng lợi của trẻ thoải mái và dễ chịu hơn nên bé không còn yêu thích uống sữa.
Hoặc khi bé ở trong vào tình trạng mệt mỏi, khó chịu do bị ốm hay có vấn đề về trong người cũng dễ cáu gắt và bỏ bỏ bữa, bỏ bú. Khi đó, mẹ hãy chú ý hơn tới sức khoẻ của bé và nên đưa bé tới gặp bác sỹ để chuẩn đoán và điều trị kịp thời.
Hậu quả của việc bé ăn dặm chán/bỏ uống sữa
Sữa mẹ luôn là nguồn dưỡng chất tốt nhất cho bé tới khi 1 tuổi và không loại thực phẩm nào có thể thay thế được. Vì vậy nếu tình trạng bé ăn dặm và bỏ uống sữa kéo dài chắc chắn sẽ ảnh hưởng cực kỳ nghiêm trọng tới sức khoẻ của bé. Cụ thể như:
- Bé có thể thiếu hụt các chất dinh dưỡng quan trọng như chất béo, chất đạm, carbohydrate, kháng thể thụ động, vitamin – khoáng chất, men và hormone.
- Sức đề kháng của bé bị suy yếu, có thể khiến bé bị suy dinh dưỡng, chậm phát triển cả về thể chất và trí não.
- Bé lười uống sữa và ăn dặm nhiều hơn, từ đó năng lượng vượt quá nhu cầu thì dễ thừa cân, béo phì, tăng nguy cơ bệnh tật.
Thực tế việc ăn dặm sẽ giúp bổ sung thêm các nguồn dưỡng chất còn thiếu chứ không thể thay thế cho sữa mẹ được nhất là giai đoạn trước 1 tuổi. Vì vậy, bố mẹ hãy quan sát kỹ, đặc biệt là cân nặng, chiều cao và sức đề kháng trẻ, để tránh gặp vấn đề bé không chịu uống sữa kéo dài, có thể ảnh hưởng đến sức khỏe.
Vậy làm thế nào để bé hứng thú trở lại với sữa?
Khi bé có hiện tượng chán sữa, bỏ sữa thì phụ huynh nên phân tích xem nguyên nhân nằm ở đâu trong những lý do trên để từ đó có những biện pháp khắc phục hợp lý để đảm bảo trẻ tiếp tục duy trì nguồn dinh dưỡng quan trọng này.
Việc đầu tiên ba mẹ cần phải làm là kiểm tra tình trạng sức khoẻ của bé có bình thường không? Nếu sức khoẻ của bé có vấn đề thì sau khi điều trị khỏe trở lại, bé sẽ uống sữa bình thường. Còn nếu vấn đề không phải là do sức khoẻ của bé thì ba mẹ cần xem lại chế độ ăn dặm của bé có là phù hợp không và cân đối lại cho hợp lý. Bố mẹ cần nhớ chỉ nên cho bé ăn vừa đủ đồng thời chia thành các bữa ăn hợp lý để tránh tình trạng bé bị quá no trong một thời gian dài.
Tiếp theo, nếu nguyên nhân nằm ở nguồn sữa mẹ bị thiếu hụt khiến trẻ bú được ít dẫn tới chán, mẹ cần phải tăng cường lại chế độ ăn của mình và bổ sung các thực phẩm tăng tiết sữa để kích thích như thịt bò, các loại hạt, trái cây,… đồng thời hạn chế các loại thực phẩm gây mất sữa hay ảnh hưởng đến chất lượng, mùi vị của sữa. Mẹ có một nguồn sữa dồi dào, thơm lành chắc chắn sẽ tạo hứng thú hơn cho bé khi bú.
Còn với trẻ uống sữa công thức, ngoài nguồn gốc và hạn dùng là điều bắt buộc cần quan tâm thì mẹ nên thay đổi hãng sữa mới hay hương vị mới để giúp bé hứng thú trở lại.
Trong trường hợp chế độ ăn dặm của bé đã là hợp lý mà bé vẫn không chịu uống sữa thì ba mẹ nên tạm ngưng việc cho bé ăn dặm lại. Theo dõi một thời gian, nếu tình trạng vẫn không có gì thay đổi thì ba mẹ nên đưa bé đến gặp bác sỹ để kịp điều trị.
Theo V.K - Vietnamnet