Hiểu sao cho đúng về tục cúng cá lóc ngày vía Thần Tài?

Xã hội - Ngày đăng : 12:28, 10/02/2022

Không có một giải thích xác đáng nào về phát tích của tục cúng cá lóc nướng trong ngày vía Thần Tài. Vậy phải hiểu thế nào về tục này?

Tục cúng cá lóc nướng trong ngày vía Thần Tài chỉ có ở miền Nam, sinh động nhất là tại Sài Gòn. Ở miền Trung và miền Bắc hầu như không thấy. Sự “khu biệt” này đã cho thấy một thứ tín ngưỡng dân gian đặc trưng vùng miền.

Thần Tài là vị thần ý niệm, biểu trưng cho tiền tài, sự giàu có. Theo nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng, ngày mùng 10 tháng Giêng vốn không phải ngày vía thần Tài mà là ngày vía đất, đúng như quan niệm "mùng 9 vía trời, mùng 10 vía đất" của người Việt xưa.

2-15195306034792104396808-16442280865901618981468.jpg
Phố cá lóc nướng trên đường Tân Kỳ - Tân Qúy (Quận Tân Phú, TP. HCM) tất bật ngày Thần Tài.

Tuy nhiên, cùng với sự phát triển của kinh tế hàng hóa, thương nghiệp vào cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, thần Tài trở thành vị thần mới chuyên trách cho việc phát tài, được thờ cúng và là một gia thần phổ biến với các gia đình người Việt.

Việc thờ cúng Thần Tài diễn ra tự do theo quan niệm dân gian, phong tục của từng vùng miền. Lễ vật dâng cúng ngày vía thần Tài thường là lễ mặn. Bộ tam sinh gồm thịt heo, tôm hoặc cua luộc, trứng gà hoặc trứng vịt là những món quen thuộc trên mâm cúng.

Để hiểu sâu về lý do tại sao người ta lại dùng cá lóc nướng để cúng, chúng ta cần ngược dòng thời gian về với văn hoá vùng Nam Bộ gắn liền với sông nước. Từ thuở hồng hoang, đời sống người dân Nam Bộ gắn liền nhiều với miền sông nước, kênh rạch, sinh ra và lớn lên, nên trong văn hoá họ thấm đượm sự biết ơn, trân trọng nơi nuôi dưỡng mình trưởng thành.

download.jpg

Nhiều người cũng cho rằng tục cúng cá lóc nướng có thể bắt nguồn từ nét văn hóa gắn liền với sông nước, kênh rạch của vùng Nam Bộ. Cá lóc có thể được coi là sản vật đặc trưng vùng miền nên khi dâng lên thần linh sẽ thể hiện lòng biết ơn, trân trọng thiên nhiên mưa thuận gió hòa, tưởng nhớ đến cuộc sống cần cù của ông cha ngày trước.

Có thể nói, cá lóc là biểu tượng cho sự chịu thương chịu khó và đầy sự mộc mạc của người dân Nam Bộ. Bởi vậy, họ chọn loại cá có tính biểu trưng cho sự kiên cường của mình để mong cuộc sống có thể trôi chảy thuận lợi như cá với nước.

Có người quan niệm rằng, dùng cá lóc nướng để cúng do đây là món ăn yêu thích của Thần Tài. Cũng có người cho rằng, cá lóc có sức sống mãnh liệt, khả năng sinh tồn tốt trong nhiều điều kiện khác nhau nên tượng trưng cho may mắn và thành công. Ngoài ra, người ta cũng truyền tai nhau về ý nghĩa dùng cá lóc nướng là để tưởng nhớ cuộc sống thiếu thốn, đói khổ của ông cha ta ngày xưa.

Ngoài ra, trong phong thuỷ học, cá luôn là biểu tượng dùng để chiêu tài. Hơn nữa, dùng cá lóc là mong muốn thu hút, kêu gọi tài lộc nhanh đến. Quan niệm dân gian còn dựa trên hình thể của cá lóc để diễn giải về kỳ vọng “đầu xuôi đuôi lọt”, mọi sự hanh thông nếu khởi đầu thuận lợi.

foody-upload-api-foody-mobile-pho-ca-loc-nuong-nho-181027130737.jpg
Có nhiều cách giải thích khác nhau nhưng không có cách nào thực sự xác đáng dưới khía cạnh văn hóa về sự hình thành của tục cúng cá lóc nướng.

Thực chất, tất cả những giải thích và quan niệm về lễ vật cá lóc trong ngày vía Thần Tài đều không có cơ sở khoa học hoặc điển tích văn hóa xác đáng nào. Tất cả dựa trên những suy diễn từ quan sát và kỳ vọng từ cuộc sống thường nhật.

Tuy vậy, dù diễn giải theo cách nào thì đây cũng là một thói quen đáng trân trọng, bình dị và cốt là mong ước cho một cuộc sống tốt đẹp, may mắn, làm phong phú thêm sự hình thành của các tín ngưỡng dân gian và chỉ nên nhìn nhận ở khía cạnh này.

Bình An (tổng hợp)