Cây xăng đóng cửa: kiểm tra nhiều cây xăng tại các tỉnh thành
Chuyển động Thị trường - Ngày đăng : 10:55, 10/02/2022
Trong vài ngày qua thông tin nhiều cây xăng trên cả nước đóng cửa không bán xăng dầu với lý do là lỗ, hết xăng dầu để bán Tổng Cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) đã tiến hành kiểm tra tại nhiều địa phương.
Trong quá trình kiểm tra kiểm soát thị trường, lực lượng quản lý thị trường (QLTT) An Giang đã ghi nhận nhiều cây xăng trên địa bàn huyện Thoại Sơn, huyện Phú Tân, huyện Châu Thành và huyện Châu Phú, huyện An Phú tạm ngừng hoạt động. Phần lớn các cây xăng ngưng hoạt động đã thực hiện thủ tục thông báo với cơ quan chức năng theo quy định.
Cụ thể, trên địa bàn huyện Thoại Sơn, lực lượng QLTT ghi nhận 7 trường hợp cửa hàng không còn xăng để bán cho người tiêu dùng, phải ngừng hoạt động, gồm: 4 cửa hàng xăng dầu Trung Thắng (đến ngày 7/2 đã hoạt động lại 1 cửa hàng; còn 03 cửa hàng đóng cửa); 1 cửa hàng xăng dầu Thoại Giang; 1 cửa hàng xăng dầu thuộc xà lang xăng dầu Năm Mới (đến ngày 7/2 đã hoạt động lại); 1 cửa hàng xăng dầu Trương Anh Kiệt.
Nguyên nhân tạm ngưng hoạt động là do hết xăng, nguồn cung không được cung cấp kịp thời (thuộc hệ thống PVoil). Các trường hợp này đều có báo cáo gửi về Phòng Kinh tế - Hạ tầng, UBND huyện Thoại Sơn và Sở Công Thương tỉnh An Giang) theo quy định.
Trên địa bàn huyện Phú Tân, lực lượng QLTT An Giang ghi nhận 5 trường hợp ngưng hoạt động gồm: DNTN Nguyễn Văn Việt - thị trấn Chợ Vàm; DNTN xăng dầu Hiệp Vinh - thị trấn Phú Mỹ; DNTN xăng dầu Trần Thanh Bởi - thị trấn Phú Mỹ; DNTN xăng dầu Kim Hồng I - xã Hiệp Xương; Cửa hàng dầu khí An Giang số 6 - Công ty TNHH MTV DV TM Vạn Vạn Phúc - xã Phú An.
Trên địa bàn huyện Châu Thành, lực lượng QLTT An Giang ghi nhận 5 trường hợp ngưng hoạt động gồm: Thanh Long 2; Bảy Mẫn; Út Tuyết; Nguyễn Văn Đến; Cửa hàng xăng dầu số 20 Út Rô với lý do hết xăng, nguồn cung không được cung cấp kịp thời. Được biết, tất cả đều thuộc hệ thống PVOil.
Trên địa bàn huyện Châu Phú, lực lượng QLTT An Giang ghi nhận 1 trường hợp ngưng hoạt động đó là Hộ kinh doanh xăng dầu Nguyễn Văn Que - thuộc hệ thống Petrolimex An Giang với lý do hết xăng, nguồn cung không được cung cấp kịp thời.
Trên địa bàn huyện An Phú, lực lượng QLTT An Giang ghi nhận 5 trường hợp ngưng hoạt động gồm: 4 cửa hàng xăng dầu (Kim Lợi, Hồng Lợi, Hai Khanh, Cáo Hóa) thuộc hệ thống Công ty Trương Phát Thịnh (Pvoil); 1 cửa hàng xăng dầu (Trương Vũ) thuộc hệ thống Công ty xăng dầu Cửu Long (Petimex).
Các cây xăng còn lại trên các địa bàn: Long Xuyên, Châu Đốc, Tịnh Biên, Tri Tôn, Chợ Mới, Tân Châu hoạt động bình thường.
Theo thống kê trên địa bàn tỉnh An Giang có 10 doanh nghiệp đầu mối; 7 doanh nghiệp là tổng đại lý trong đó có 9 doanh nghiệp là tổng đại lý ngoài tỉnh và 489 cửa hàng xăng dầu.
Còn tại Tiền Giang, Cục QLTT tỉnh Tiền Giang tiến hành kiểm tra, giám sát tổng cộng 433/597 cửa hàng kinh doanh xăng dầu trên địa bàn tỉnh.
Qua rà soát, thống kê trên địa bàn tỉnh Tiền Giang hiện có tổng cộng 597 cửa hàng kinh doanh xăng dầu thuộc 7 thương nhân đầu mối, 6 Tổng đại lý và 453 đại lý kinh doanh xăng dầu.
Trong đợt ra quân đồng loạt từ ngày 29/1/2022 đến ngày 8/2/2022, Cục QLTT tỉnh Tiền Giang đã tiến hành giám sát 433/597 cửa hàng kinh doanh xăng dầu trên địa bàn toàn tỉnh (chiếm 72,5% tổng số cửa hàng). Kết quả, các cửa hàng này hoạt động bình thường, chưa phát hiện tình trạng đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý.
Riêng ngày 7/2/2022, đã kiểm tra đột xuất đối với 1 cửa hàng kinh doanh xăng dầu trên địa bàn xã Bình Đông, thị xã Gò Công, tỉnh Tiền Giang do ngừng kinh doanh mặt hàng xăng. Tuy nhiên, qua kiểm tra thực tế do không còn hàng nên cửa hàng ngừng bán mặt hàng này. Đến chiều ngày 8/2/2022, cửa hàng đã nhập 6.000 lít xăng để cung cấp cho người tiêu dùng.
Hoạt động giám sát, theo dõi, nắm tình hình, kiểm tra việc chấp hành các quy định trong kinh doanh xăng dầu sẽ tiếp tục được đẩy mạnh thực hiện trong thời gian tới; không để xảy ra tình trạng găm hàng, tạo khan hiếm nguồn cung xăng dầu; góp phần bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Cục QLTT tỉnh Tiền Giang cho hay.
Tương tự, trên địa bàn tỉnh Long An, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Minh Lâm cho biết, tỉnh đã quán triệt các văn bản chỉ đạo của Bộ Công Thương, chỉ đạo các lực lượng chức năng trên địa bàn tăng cường kiểm tra, giám sát thị trường. Mới đây, qua kiểm tra phát hiện trên địa bàn có 25 cửa hàng xăng dầu nghỉ bán từ mùng 1 đến mùng 5 tết (các cửa hàng này lấy lý do nhân viên nghỉ tết, chiết khấu thấp, nguồn cung chưa ổn định, giá thế giới tăng cao trong khi giá bán trong nước thấp mà lại chưa điều chỉnh do trùng ngày nghỉ Tết…). Đến ngày 7/2 hầu hết các cửa hàng đã hoạt động trở lại và bán hết xăng dầu tại cửa hàng, không nhập thêm do giá nhập cao, giá bán thấp.
Ông Nguyễn Tuấn Hà - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk cho biết, trên địa bàn tỉnh hiện nay có 340 doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu và có 457 CHXD. Thời điểm hiện nay có 19 cửa hàng đang tạm nghỉ hoặc dừng hoạt động do hết xăng dầu, không còn nguồn để bán. Những cửa hàng này nhập xăng dầu từ nhiều đầu mối khác nhau.
Ngày 09/2/2022 đội Quản lý thị trường số 1 tỉnh Hà Giang đã triển khai thực hiện việc giám sát, nắm bắt tình hình tại tất cả các cơ sở kinh doanh xăng dầu trên địa bàn thành phố Hà Giang và huyện Bắc Mê. Quá trình giám sát, Đội đã kết hợp thực hiện tuyên truyền tới chủ, đại diện cửa hàng kinh doanh xăng dầu về việc niêm yết giá, bán đúng giá niêm yết và không găm hàng, đầu cơ hàng hóa trong quá trình kinh doanh.
Kết quả giám sát trên địa bàn thành phố Hà Giang có 8 cửa hàng kinh doanh xăng dầu; địa bàn huyện Bắc Mê có 3 cơ sở kinh doanh xăng dầu. Nhìn chung các cơ sở kinh doanh đều đảm bảo hàng hóa cung ứng ra thị trường, không xảy ra tình trạng găm hàng, đầu cơ hàng hóa, bán hàng không đúng giá niêm yết.
Theo báo cáo nhanh của các địa phương, từ ngày 28/1/2022 đến nay, lực lượng QLTT trong quá trình thực hiện nhiệm vụ được giao, tại một số địa phương (Đồng Nai, An Giang, Hậu Giang...) có phát hiện một số đơn vị kinh doanh đóng cửa, tạm ngưng hoạt động do nhiều nguyên nhân (không có đủ nguồn cung xăng dầu, lượng tiêu thụ xăng dầu của người tiêu dùng tăng cao do nhu cầu đi lại, không có đủ nhân lực để kinh doanh tại các cửa hàng). Ngoài ra, lực lượng QLTT cũng tuyên truyền, phổ biến nội dung Công điện và yêu cầu các đơn vị kinh doanh xăng dầu ký cam kết thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật.