Bộ GD&ĐT nói gì về việc không tổ chức cho học sinh Hà Nội ăn bán trú?
Xã hội - Ngày đăng : 10:15, 10/02/2022
Hôm nay 10/2, hơn 500.000 học sinh từ lớp 1 đến lớp 6 ở 18 huyện thị xã ngoại thành Hà Nội bắt đầu đến trường học trực tiếp sau 9 tháng học trực tuyến để phòng chống dịch.
Ông Trần Thế Cương, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội, mong muốn phụ huynh, học sinh đồng hành cùng nhà trường, nghiêm túc thực hiện 5K, cùng giám sát và tuân thủ nguyên tắc "một cung đường, hai điểm đến" để đảm bảo an toàn khi học sinh trở lại.
Theo yêu cầu bắt buộc, 100% các trường phải thực hiện việc xây dựng kịch bản xử trí khi có F0 trong trường khi học sinh học trực tiếp. Khâu rà soát, theo dõi sức khỏe học sinh phải được các trường phối hợp với phụ huynh học sinh thực hiện chặt chẽ.
Học sinh được đo thân nhiệt, bắt buộc khai báo y tế trước khi vào trường học. Các trường phải khử khuẩn, dọn vệ sinh trước khi đón học sinh quay lại trường và làm ngay sau các buổi học.
Ông Cương cũng cho biết, với học sinh tiểu học và lớp 6 nội thành, sau khi cho các em ở 18 huyện ngoại thành đi học trực tiếp, Sở GD-ĐT Hà Nội sẽ có đánh giá sơ bộ, nếu đảm bảo an toàn thì dự kiến từ ngày 21/2 sẽ có kế hoạch cho học sinh các khối lớp này ở 12 quận nội thành được đến trường.
Ảnh minh họa |
Việc Hà Nội cho học sinh quay lại trường nhưng không tổ chức ăn bán trú khiến nhiều phụ huynh gặp cảnh khó khi vừa đi làm vừa nhấp nhổm đón con. Trước thực trạng trường cho học sinh học 1 buổi/ngày khiến việc chăm sóc, đưa đón của phụ huynh bị xáo trộn, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn nhắc lại khuyến cáo của các chuyên gia y tế rằng, việc học sinh đến trường học một buổi hay bán trú cả ngày về mặt phòng dịch là không khác nhau nhiều.
Do đó, để tạo thuận lợi cho phụ huynh yên tâm làm việc và đưa đón con cái, cũng như sinh hoạt của học sinh được nền nếp thì việc đưa học sinh quay trở lại học tập trực tiếp nên thực hiện đầy đủ và thống nhất.
“Chúng ta nên thực hiện đầy đủ, làm sao vừa đảm bảo việc dạy học cho các cháu, vừa thuận lợi cho chăm sóc, đưa đón của phụ huynh, tạo điều kiện cho cha mẹ học sinh yên tâm trong công việc, từ đó tạo thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội”, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nói.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn khẳng định, yếu tố quan trọng giúp chiến thắng dịch bệnh và đảm bảo an toàn trường học là tư tưởng, tinh thần, thái độ. Do vậy, việc cần làm hiện nay là ứng phó với dịch bệnh một cách bình tĩnh, không hoảng hốt và thể hiện rõ sự hiểu biết.
"Sự thống nhất, đồng thuận cao giữa nhà trường và gia đình là yếu tố quan trọng, bởi khi phụ huynh đồng thuận, hiểu biết, phối hợp thì nếu có phát sinh ca bệnh trong trường học cũng phối hợp cùng nhà trường xử lý hiệu quả hơn", Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nêu quan điểm.
Các trường sẵn sàng ứng phó khi có F0
Bà Văn Thuỳ Dương, Phó hiệu trưởng Trường THCS - THPT Lương Thế Vinh (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, trước khi mở cửa đón học sinh, ban giám hiệu nhà trường nhiều lần họp bàn về các kịch bản, tình huống có thể xảy ra. Trong đó, đặc biệt chú trọng đến các tình huống khi phát hiện học sinh mắc COVID-19 tại trường.
Trường cũng thường xuyên phối hợp, cập nhật thông tin, tình hình sức khoẻ của học sinh thông qua phụ huynh và giáo viên chủ nhiệm các lớp. Trường yêu cầu phụ huynh tự test nhanh cho con tại nhà từ 1 - 2 lần/tuần trước khi trở lại trường để đảm bảo an toàn và hạn chế nguy cơ lây lan dịch bệnh.
"Khi phát hiện ra F0, trường sẽ nhanh chóng khoanh vùng, yêu cầu F1 tự cách ly tại nhà theo quy định của Bộ GD&ĐT, Bộ Y tế và thực hiện test nhanh âm tính trước khi trở lại trường học. Với học sinh không may mắc COVID-19, trường phối hợp với gia đình theo dõi sức khoẻ và bố trí cách thức học phù hợp cho các em", bà Dương. Quan điểm của trường sẽ không đóng cửa toàn bộ khi có F0 mà thay vào đó là khoanh vùng diện hẹp, từng lớp, từng tầng và từng toà nhà học.
Bà Phạm Thị Lệ Hằng, Trưởng phòng GD&ĐT quận Hà Đông cho biết: "Chúng tôi xác định khi mở cửa trường học, chắc chắn sẽ xuất hiện các ca F0 nhưng quận đã tập huấn cho các nhà trường phương pháp xử lý, không hốt hoảng và khoanh vùng, không đóng cửa trường như trước đây".