“Viên ngọc sáng” dưới rừng Cúc Phương
Thiên nhiên - Môi trường - Ngày đăng : 09:52, 10/02/2022
Từ “viên ngọc thô” say mê với động vật hoang dã…
Sinh ra bên tán rừng già Cúc Phương, ngày nhỏ Nguyễn Văn Thái thường theo chân mẹ đến làm việc tại vườn quốc gia. Tình yêu thiên thiên, yêu động vật trong anh cũng từ đó mà trỗi dậy. Mỗi lần thấy cảnh người dân vào rừng chặt hạ cây lấy gỗ, về làm củi, trong lòng Thái lại thấy xót xa. Anh thương những tán cây rừng đang xanh tốt bỗng trở nên khô héo, lụi tàn. Nơi những gốc cây sinh sống chỉ còn lại đống tro tàn. Rừng xanh vì thế cứ lùi xa con người, chim thú cũng từ đó mà biến đi đâu mất.
Cách đây hơn 20 năm, khi mới 15 tuổi, cậu bé Nguyễn Văn Thái đã rùng mình khi nhìn thấy giữa đại ngàn Nho Quan (Ninh Bình), những người thợ săn trực tiếp bóc vảy hai mẹ con tê tê để lấy vảy cho những “phương thuốc” truyền miệng chữa đủ thứ bệnh.
Tiếng thét ré lên giữa rừng xanh, giữa chính "ngôi nhà" của những con tê tê như một lời kêu cứu thống thiết ai ngờ lại in đậm vào tiềm thức của cậu bé Thái ngày đó. Để rồi một quyết định được đưa ra là phải làm gì đó để cứu lấy những con vật đáng thương này.
Để thực hiện ước mơ của mình, Thái thi vào Trường Đại học Lâm nghiệp và bắt đầu hành trình tìm kiếm quyền được sống trong tự nhiên cho tê tê. Anh xin thực tập tại Vườn quốc gia Cúc Phương và có cơ hội tiếp cận nhiều tài liệu cũng như các buổi hội thảo, nói chuyện về công việc bảo tồn động vật.
Điều này đã giúp anh xây dựng nền tảng và được truyền cảm hứng để tiếp tục đi trên con đường dù biết còn lắm gian nan...
…được mài giũa sáng trong
Năm 2005, tân sinh viên Nguyễn Văn Thái ra trường, anh được nhận vào làm nhân viên của Trung Tâm bảo tồn động vật hoang dã tại vườn quốc gia Cúc Phương. Từ đó, Thái “bén duyên" với công tác bảo tồn động vật hoang dã. Anh làm việc, nghiên cứu say sưa không ngừng nghỉ và đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm. Mọi người nhận ra trong Thái lòng đam mê, sự nhiệt huyết thực thụ với tình yêu động vật vô bờ bến.
Những năm sau đó, “viên ngọc thô” Nguyễn Văn Thái có cơ hội ra nước ngoài mài giũa cho sáng. Anh liên tiếp nhận được các xuất học bổng giá trị, được đào tạo thêm nhiều kiến thức về công tác quản lý các loài động vật hoang dã nguy cấp, chuyên sâu về bảo tồn và cứu hộ động vật, hay học quản lý môi trường.
Sau những tháng năm tu nghiệp ở nước ngoài, có thêm nhiều kinh nghiệm trong công tác bảo tồn động vật hoang dã, năm 2014 anh Thái trở về Việt Nam và sáng lập ra Trung tâm Bảo tồn động vật hoang dã tại Việt Nam (Save Vietnam's Wildlife) với mong muốn được cống hiến, giúp cho Việt Nam tốt đẹp hơn.
Là người đặt nền móng cho công tác cứu hộ tê tê từ buôn bán trái phép ở Việt Nam, anh Thái đã sớm xây dựng chiến lược và triển khai thực hiện hiệu quả các hoạt động cứu hộ trực tiếp với các trung tâm cứu hộ động vật hoang dã. Từ việc tập trung cứu hộ tê tê, làm việc với các loài thú ăn thịt, và mở rộng ra cứu hộ đa dạng các loài.
Từ chuỗi hoạt động triển khai các dự án cứu hộ và phục hồi tê tê từ buôn bán trái phép, đến nay Save Vietnam's Wildlife do Nguyễn Văn Thái thành lập đã giải cứu 1.540 con tê tê ở Việt Nam khỏi nạn buôn bán động vật trái phép và chăm sóc chúng trước khi thả ra môi trường tự nhiên. Anh cũng trực tiếp cứu hộ 1.888 cá thể động vật hoang dã thuộc 40 loài khác nhau, trong đó khoảng 60% cá thể được tái thả thành công…
Bên cạnh đó, các chiến dịch giáo dục và tiếp cận cộng đồng cũng được tổ chức để nâng cao nhận thức của người dân bằng các bài báo, tài liệu về chăm sóc và cứu hộ tê tê. Ước tính trung tâm đã tập huấn cho hơn 11.000 người về tầm quan trọng của các loài động vật.
Trong công tác bảo vệ rừng và bảo vệ các quần thể động vật hoang dã ngoài tự nhiên, anh Thái đã trực tiếp xây dựng và triển khai sáng kiến thành lập lực lượng bảo vệ rừng chống săn bắt động vật hoang dã, là mô hình đồng quản lý của cơ quan quản lý nhà nước và tổ chức ngoài công lập.
Năm 2018, với vai trò là Giám đốc Trung tâm động vật hoang dã, anh Thái kết hợp với Ban quản lý VQG Pù Mát (Nghệ An) thành lập Đội chuyên trách Bảo vệ rừng (anti-poaching) đầu tiên của Việt Nam. Từ đó, tất cả các hoạt động săn bắt trái phép và vào rừng trái phép tại VQG Pù Mát giảm đến 80%.
“Có lẽ cuộc đời đã tạo cho tôi sự may mắn gắn bó với động vật hoang dã để cống hiến. Ngày nào còn sức khỏe tôi sẽ tiếp tục còn cống hiến cho công việc mà mình đang làm”, anh Thái chia sẻ.
Không chỉ trực tiếp cứu hộ, bảo tồn động vật hoang dã tại Việt Nam, anh Thái còn thúc đẩy công tác bảo tồn ngoại vi của tê tê trên thế giới. Anh trực tiếp tham gia giảng dạy, tập huấn công tác cứu hộ động vật hoang dã, đặc biệt là tê tê cho hàng chục trung tâm cứu hộ ở Việt Nam, Thái Lan, Campuchia, các nước khác ở Châu Á và Châu Phi…
Tiếp tục sứ mệnh bảo tồn
Với những đóng góp không ngừng nghỉ cho công tác bảo tồn động vật hoang dã, anh Nguyễn Văn Thái được trao Giải thưởng môi trường lớn nhất thế giới (Goldman Environmental Prize, được ví như giải 'Nobel xanh').
Nhận số tiền thưởng 200.000USD (tương đương 4,6 tỷ đồng) từ giải “Nobel xanh”, anh Thái cho biết, anh tài trợ toàn bộ số tiền này cho công các bảo tồn động vật hoang dã tại Việt Nam.
Vẫn những trăn trở với nạn sử dụng động vật hoang dã ở Việt Nam và sự thờ ơ của những con người ích kỷ khi nghĩ rằng việc sở hữu cá thể động vật hoang dã nào đó quý hiếm là một chiến tích.
“Tôi hy vọng giải thưởng này là động lực cho không chỉ riêng mình mà còn cho nhiều người Việt Nam khác cùng có nhiều hành động hơn nữa hướng về động vật hoang dã. Ai cũng có thể bảo vệ động vật hoang dã được, chỉ cần thật tâm và nỗ lực”, anh Thái cho hay.