Học sinh đến trường học trực tiếp, phụ huynh nửa mừng nửa lo

Xã hội - Ngày đăng : 09:32, 10/02/2022

Phụ huynh vui mừng khi con được trở lại trường sau thời gian dài ở nhà nhưng cũng rơi vào trang thái lo lắng khi ca mắc COVID-19 vẫn tăng hàng ngày.

Từ 8/2, học sinh khối 7 đến 12 toàn thành phố Hà Nội đến trường học trực tiếp sau thời gian dài ở nhà. Trẻ tiểu học và lớp 6 khu vực ngoại thành cũng đi học từ hôm nay. Con được học trực tiếp, hầu hết phụ huynh vui mừng nhưng cũng rơi vào trạng thái lo lắng trẻ không may bị nhiễm COVID-19.

Nửa mừng, nửa lo

"Trong ngày đi học đầu tiên, trường ghi nhận 2 học sinh F0. Để đảm bảo an toàn và đề phòng trường hợp lây nhiễm, đề nghị phụ huynh thực hiện test nhanh SARS-CoV-2 cho con tại nhà trước khi đến trường, một tuần 2 lần test. Giáo viên chủ nhiệm lớp sẽ cập nhật thông tin hàng ngày", nhận được thông báo của nhà trường, chị Nguyễn Mai Hường (39 tuổi, Cầu Giấy, Hà Nội) có phần lo lắng.

Từ khi bắt đầu năm học 2021 - 2022 được gần 6 tháng, cậu con trai lớp 11 của chị Hường mới được gặp lại bạn bè. Chị vui vì các con được đến trường nhưng ngay trong ngày đầu tiên 2 học sinh bị F0 khiến chị sốt ruột. "Tôi tự trấn an mình và con đã tiêm đủ 2 mũi vaccine, chẳng may mắc COVID-19 cũng chỉ như ốm sốt thông thường, vài hôm sẽ khỏi, không nguy hiểm đến tính mạng. Nếu không may con trở thành F0 thì tôi sẽ đồng hành cùng con. Việc đi học trực tiếp quan trọng hơn".

Học sinh đến trường học trực tiếp, phụ huynh nửa mừng nửa lo - 1

Học sinh trở lại trường. (Ảnh minh hoạ: Đắc Huy)

Để đảm bảo cho con, trước khi đến trường, vị phụ huynh này kiểm tra và yêu cầu con mang theo những thứ cần thiết như nước sát khuẩn, khẩu trang, tuân thủ lời thầy cô nhắc nhở, thực hiện tốt 5K, không tụ tập sau giờ học, về thẳng nhà hạn chế nguy cơ lây nhiễm.

Chị Lê Thu Hồng (41 tuổi, Thanh Trì, Hà Nội) bày tỏ, chưa năm nào học trực tuyến lại kéo dài như năm nay, các con lại cuối cấp sắp thi vào lớp 10 nên nếu cứ tự ôn ở nhà, học online hay hướng dẫn của giáo viên thì kết quả sẽ không cao.

Từ đầu năm học, con gái chị phải học online cả sáng và chiều mọi ngày trong tuần, sáng thường từ 8h đến 11h30, chiều 13h30 - 16h. Đến tối, con cũng phải làm bài tập trên máy tính. "Thời gian tiếp xúc với máy tính của con nhiều hơn cả tôi. Bố mẹ đi làm còn được giao tiếp xã hội, con học online hoàn toàn không có những thứ đó", chị nói.

Sau ngày đầu tiên đến lớp, tinh thần của con rất phấn khởi. Tan học, con kể chuyện không ngừng về các bạn ở lớp, thầy cô giáo... nhìn thấy con hào hứng chị phần nào bớt lo lắng về mối nguy dịch bệnh. Tuy nhiên, chị cũng không quên dặn con thường xuyên đeo khẩu trang, hạn chế ôm ấp, trêu đùa trong lớp để đề phòng các nguy cơ lây nhiễm.

Anh Nguyễn Quang Trung (38 tuổi, Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho biết, trên các hội nhóm, diễn đàn của phụ huynh, các ý kiến được chia thành hai quan điểm chính: đồng thuận hoặc ít nhiều băn khoăn về việc học sinh đến trường. Nhiều bố mẹ bày tỏ sự lo ngại khi ca nhiễm tại Hà Nội dao động 2.700 - 3.000 ca mỗi ngày.

"Tôi hoàn toàn ủng hộ cho trẻ đến trường. Tỷ lệ rủi ro con trở thành F0 không cao. Đây là quãng thời gian đẹp và có ý nghĩa của các con. Tôi không muốn trẻ phải dành hầu hết thời gian trước màn hình máy tính. Dịch bệnh chưa biết khi nào mới kết thúc, trẻ cũng có nhu cầu giao tiếp, kết bạn và phát triển, tôi nghĩ không nên giữ mãi các con ở nhà", phụ huynh nói.

Kịch bản ứng phó 

Bà Nguyễn Thị Hiền, Chủ tịch Hội đồng quản trị trường liên cấp Đoàn Thị Điểm (Nam Từ Liêm, Hà Nội) cho rằng, mở cửa trường học không tránh khỏi những rủi ro, nguy cơ lây nhiễm học sinh trở thành F0. Điều quan trọng là các trường lên kịch bản ứng phó ra sao để không lây lan rộng.

Với trường Đoàn Thị Điểm, giáo viên chủ nhiệm các lớp được yêu cầu thường xuyên cập nhật tình hình sức khoẻ của học sinh từ phụ huynh. Những em biểu hiện mệt mỏi, ho, sốt sẽ được ở nhà theo dõi sức khoẻ và xét nghiệm SARS-CoV-2 âm tính mới được tiếp tục đến trường.

"Trường đặt sức khoẻ và sự an toàn của học sinh lên hàng đầu", bà Hiền nói và cho biết, nếu không may phát hiện F0, trường sẽ khoanh vùng từng lớp thay vì đóng cửa toàn bộ, tránh ảnh hưởng hoạt động dạy học và tâm lý của học sinh toàn trường.

Nhiều trường trên địa bàn Hà Nội cũng khẳng định đã chuẩn bị kỹ lưỡng các phương án ứng phó khi xuất hiện F0 trong trường.

Theo thống kê của Sở GD&ĐT Hà Nội, hơn 99% cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh cấp THCS và THPT đã tiêm vaccine phòng dịch COVID-19. Qua rà soát, các nhà trường đều bảo đảm các tiêu chí trường học an toàn theo quy định, có phương án dạy học phù hợp với thực tế của từng đơn vị. Các trường cũng đặc biệt quan tâm đến việc xử lý tình huống khi phát hiện trường hợp F0 khi đang tổ chức dạy học, hạn chế thấp nhất nguy cơ lây lan của dịch bệnh tại trường học. Điều này giúp cán bộ, giáo viên tự tin hơn, phụ huynh, học sinh thêm yên tâm đưa học sinh trở lại trường.

Sở cũng yêu cầu khi học sinh mới trở lại trường học, nhà trường tổ chức tư vấn, hỗ trợ tâm lý, hướng dẫn thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn cho học sinh chuyển trạng thái từ học trực tuyến, học qua truyền hình sang học tập trực tiếp tại trường.

Tại cuộc họp giữa Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam với Bộ Y tế và UBND TP Hà Nội về công tác chuẩn bị điều trị trong tình huống học sinh nhiễm COVID-19, chiều 8/2, các chuyên gia y tế cho rằng, vòng lây nhiễm của trẻ em từ nhà trường về gia đình có thể lây bệnh cho người cao tuổi, trẻ nhỏ tuổi hơn và phụ nữ mang thai, những đối tượng nguy cơ cao, bệnh nền và chưa tiêm vaccine COVID-19.

Khi 20 triệu học sinh trở lại trường, số trẻ nhiễm bệnh có thể tăng lên, bởi thực tế, trẻ em khó thực hiện giữ khoảng cách và tuân thủ nghiêm ngặt các biện pháp chống dịch như 5K. Do đó, các trường học, các cơ sở y tế, các địa phương cần quan tâm yếu tố phòng dịch và không để có quá nhiều trẻ lây nhiễm bệnh cùng lúc. Bên cạnh đó, hiện các loại thuốc điều trị COVID-19 không khuyến nghị sử dụng cho trẻ em.

Bộ Y tế đang cập nhật phác đồ điều trị cho học sinh nhiễm COVID-19, không để xảy ra tình huống số ca nhiễm là học sinh tăng đột biến gây quá tải.

Minh Khôi

Minh Khôi