"Dùi cui còn trỏ lên trời, tiếng còi còn méo, nhưng thiếu họ là cả vấn đề"
Xã hội - Ngày đăng : 23:20, 09/02/2022
Chiều 9/2, Học viện An ninh Nhân dân tổ chức hội thảo khoa học "Hoàn thiện chính sách, pháp luật nhằm củng cố, phát huy vai trò của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở".
Toàn quốc có hơn 17.500 ban, tổ bảo vệ dân phố
Phát biểu đề dẫn tại hội thảo, Thiếu tướng, PGS.TS Trần Anh Vũ - Phó Giám đốc Học viện An ninh nhân dân - cho biết, thực tiễn sự nghiệp bảo vệ an ninh trật tự cho thấy, các vụ việc phức tạp thường phát sinh hoặc có nguồn gốc từ địa bàn cơ sở. Việc phát hiện giải quyết kịp thời, nhanh chóng có ý nghĩa rất quan trọng, nhằm chủ động ngăn ngừa các nguy cơ đe dọa an ninh quốc gia "từ sớm, từ xa".
Để đáp ứng yêu cầu đó, Thiếu tướng Trần Anh Vũ cho rằng cần thiết phải quan tâm đến việc tổ chức, quản lý, chỉ đạo lực lượng quần chúng tham gia bảo đảm an ninh trật tự ngay địa bàn cơ sở. Nhận thức rõ vấn đề này, tại Đại hội lần thứ 13 của Đảng đã xác định "quan tâm xây dựng lực lượng bảo đảm trật tự, an toàn xã hội cơ sở đủ mạnh, đáp ứng đòi hỏi nhiệm vụ giữ gìn an ninh trật tự ở cơ sở".
Phó Giám đốc Học viện An ninh Nhân dân cho biết thêm, cùng với lực lượng Công an Nhân dân, trên địa bàn cấp xã có sự tham gia bảo vệ an ninh trật tự của lực lượng bảo vệ dân phố, dân phòng, công an xã bán chuyên trách đã kết thúc nhiệm vụ được tiếp tục sử dụng. Các lực lượng này được gọi chung là "lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở". Đây là lực lượng quần chúng do UBND cấp xã thành lập, quản lý và duy trì hoạt động. Lực lượng này hỗ trợ công an trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh trật tự ở địa bàn cấp xã.
"Tính đến tháng 6/2021, trên toàn quốc đã thành lập được 17.538 ban, tổ bảo vệ dân phố với 72.362 thành viên; 64.332 đội dân phòng với 636.342 đội viên; 89.045 công an xã bán chuyên trách đang được tiếp tục sử dụng tham gia thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh trật tự" - Thiếu tướng Trần Anh Vũ nói.
Các ý kiến thảo luận tại hội thảo đã tập trung làm rõ một số nội dung trọng tâm như: Thống nhất chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về xây dựng lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở; làm rõ vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ, quan hệ phối hợp, chế độ hỗ trợ, điều kiện đảm bảo để lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở hoàn thành tốt nhiệm vụ. Đánh giá thực tiễn tổ chức hoạt động của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở thời gian qua, chỉ ra những bất cập của các quy định hiện hành đối với lực lượng này.
Trong tham luận của mình, TS. Nguyễn Trọng Hòa - Phó Viện trưởng Viện khoa học tổ chức cán bộ, Ban Tổ chức Trung ương - đã làm rõ quan điểm của Đảng về sắp xếp lại tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế trong kiện toàn, củng cố lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự tại cơ sở. Đồng thời, gợi mở một số vấn đề như hoàn thiện chính sách pháp luật, xử lý hài hòa giữa các mô hình tự quản với lực lượng chính quy, giảm áp lực về ngân sách; hài hòa giữa đặc thù với cá biệt; ưu tiên tập trung lực lượng tại các địa bàn trọng điểm, phức tạp về an ninh trật tự.
Lực lực bảo vệ an ninh trật tự cơ sở là "cánh tay nối dài" của công an chính quy
Nêu ý kiến trong bài tham luận của mình, TS Nguyễn Xuân Trường - Vụ trưởng Vụ Địa phương I, Ban Nội chính Trung ương - cho biết, từ kinh nghiệm đi địa phương nắm tình hình chiếm tới 50% thời gian làm việc, cho thấy các lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở được ví như "cánh tay nối dài" của lực lượng công an chính quy trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia và bảo đảm trật tự, an toàn xã hội.
"Chắc hẳn chúng ta đều thấy, dù là tổ chức một hoạt động chính trị, đón lãnh đạo Đảng, Nhà nước hay tổ chức lễ hội, văn hóa thì luôn phải có lực lượng này tham gia. Dù rằng dùi cui còn trỏ lên trời hay tiếng còi thổi còn méo mó, nhưng rõ ràng nếu thiếu họ thì là cả một vấn đề" - ông Trường nói.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Xuân Trường, hiện có rất nhiều vấn đề liên quan đến tổ chức, hoạt động của lực lượng lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự tại cơ sở cần phải được xem xét, đánh giá để đặt vào vị trí đúng mức.
Theo đó, mỗi địa phương có văn bản quy định riêng về số lượng, chế độ chính sách với lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự tại cơ sở và thời điểm áp dụng triển khai trên thực tế không đồng bộ, thống nhất ở phạm vi cả nước. Nhìn chung, chế độ, chính sách đối với lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự tại cơ sở còn thấp nên chưa tạo được động lực để phát huy hết vai trò của các lực lượng trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh trật tự.
Đáng chú ý, từ khi triển khai lực lượng công an chính quy xuống xã, lực lượng công an xã bán chuyên trách có tư tưởng chán nản, ỷ lại vào lực lượng công an xã chính quy, nếu không có chế độ, chính sách tốt thì không thu hút được đội ngũ này tiếp tục tham gia bảo vệ an ninh trật tự tại cơ sở. Ngoài ra, một số chức năng, nhiệm vụ của lực lượng bảo vệ dân phố, dân phòng và lực lượng công an xã bán chuyên trách còn bị chồng chéo, trùng dẫm lên nhau.
Ông Nguyễn Xuân Trường cho rằng cần thiết phải thống nhất trong một văn bản quy phạm pháp luật mà cụ thể là xây dựng, ban hành Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở. Yêu cầu này xuất phát từ thực tế là những lực lượng đã có, đang hoạt động hàng ngày chứ không phải xây dựng luật để tổ chức một lực lượng mới...
Phát biểu kết luận tại hội thảo, Trung tướng Lê Văn Thắng - Giám đốc Học viện An ninh Nhân dân - đánh giá cao các bài viết đăng trong kỷ yếu hội thảo và các ý kiến tham luận tại hội thảo đã thể hiện rõ sự tâm huyết, trách nhiệm của các nhà khoa học, các nhà quản lý và cán bộ hoạt động thực tiễn trong và ngoài lực lượng Công an Nhân dân.
Giám đốc Học viện trân trọng ghi nhận những ý kiến đóng góp, đề xuất kiến nghị và giao Ban tổ chức tập hợp các ý kiến của các đại biểu để báo cáo Bộ Công an làm luận cứ khoa học nhằm tiếp tục xây dựng và hoàn thiện dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở báo cáo trình Chính phủ, Quốc hội thảo luận, xem xét, thông qua.