Doanh nghiệp 'méo mặt' khi cửa hàng xăng dầu càng đông khách... càng lỗ
Chuyển động Thị trường - Ngày đăng : 20:30, 09/02/2022
Sáng 9/2, một lãnh đạo Sở Công Thương Đắk Lắk cho biết, đơn vị nhận được một số thông tin phản ánh của các đơn vị về tình trạng thiếu hụt nguồn cung ứng xăng dầu tại các cửa hàng bán lẻ xăng dầu trên địa bàn. Sở đã có văn bản đề nghị các bên liên quan phối hợp, đảm bảo cung ứng xăng dầu trên địa bàn tỉnh.
Sở đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo các phòng, ban chức năng phối hợp với các đơn vị có liên quan theo dõi, giám sát hoạt động tại các cửa hàng bán lẻ xăng dầu trên địa bàn, tránh việc thiếu hụt nguồn xăng dầu tại địa phương, phản ánh kịp thời nếu có tình trạng này đến Sở Công Thương.
Sở Công Thương tỉnh cũng đề nghị Cục Quản lý thị trường Đắk Lắk chỉ đạo các đội Quản lý thị trường phụ trách địa bàn kiểm tra, xử lý các cửa hàng bán lẻ xăng dầu dừng bán hàng không đúng quy định và báo về Sở để tổng hợp báo cáo UBND tỉnh.
Đồng thời, để đảm bảo nguồn cung ứng xăng dầu Sở Công Thương Đắk Lắk đề nghị Bộ Công Thương chỉ đạo các thương nhân xuất nhập khẩu xăng dầu, thương nhân sản xuất xăng dầu và các thương nhân phân phối xăng dầu chủ động về nguồn hàng, không để gián đoạn, thiếu hụt nhằm bảo đảm nguồn cung xăng dầu cho thị trường, để phục vụ cho nhu cầu sản xuất, tưới tiêu của người dân trong thời gian tới.
"Đối với những trường hợp kinh doanh xăng dầu cố tình "găm" hàng, chờ giá cao mới bán ra thì cơ quan chức năng sẽ phối hợp xử lý", vị lãnh đạo Sở Công Thương nhấn mạnh.
Theo báo cáo từ Sở Công Thương Đắk Lắk, vừa qua, do tình hình giá xăng dầu tăng và chiết khấu thấp, các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu hiện đang bán lỗ từ 1.000 đến 1.500 đồng/lít nên đã có một số cửa hàng tạm thời đóng cửa không đáng kể, do các đơn vị đầu mối thông báo giá xăng dầu nhập vào cao hơn giá bán ra thị trường, càng bán càng lỗ và đang khan hiếm nguồn cung.
Tình hình cung ứng xăng dầu trên địa bàn tỉnh đang hết sức khó khăn. Các thương nhân phân phối xăng dầu không mua được xăng dầu từ các thương nhân đầu mối, do vậy đã nên đã xảy ra khan hiếm xăng dầu cục bộ. Tính đến chiều ngày 8/2 có khoảng 18 cửa hàng đóng cửa trên tổng số 477 cửa hàng xăng dầu của toàn tỉnh.
Trao đổi với Dân trí, ông Lê Văn Quý - chủ doanh nghiệp xăng dầu tư nhân Quý Điều (huyện Krông Năng, Đắk Lắk) xác nhận, từ ngày 22/1 đến nay các cây xăng của ông đều phải bù lỗ vì giá nhập xăng vào cao hơn giá bán ra. Trong khi đó, mặt hàng dầu cửa hàng ông hiện vẫn chưa nhập về được để bán.
Cũng theo ông Quý, do xăng bán ra lỗ nên nhiều cây xăng trên địa bàn đóng cửa khiến người dân đổ xô về cây xăng của ông để mua rất đông và mức bán hàng ra gấp 2,3 lần bình thường. Tuy nhiên, càng bán được nhiều hàng thì ông càng chịu lỗ.
"Hiện mỗi lít xăng bán ra tôi phải chịu lỗ tới 650 đồng chưa kể chi phí hao hụt, tiền công nhân viên… Để giữ được khách hàng, cây xăng chúng tôi chịu lỗ suốt thời gian qua, do đó chúng tôi rất mong giá cả xăng dầu sẽ được cơ quan có thẩm quyền sớm điều chỉnh hợp lý", ông Quý cho hay.
Cũng theo ông Quý, nguồn hàng ông nhập từ tỉnh Bình Dương nhưng mấy hôm nay ông liên hệ thì đều nhận được câu trả lời là chưa có hàng. "Hiện kho hàng của chúng tôi chỉ duy trì được thêm 2, 3 ngày tới. Nếu không nhập được hàng, chúng tôi buộc phải đóng cửa", ông Quý than thở.
Một lãnh đạo Cục quản lý thị trường Đắk Lắk cũng thừa nhận, có tình trạng một số cửa hàng xăng dầu trên địa bàn tỉnh tạm dừng hoạt động và đơn vị đã tăng cường kiểm tra thực tế cả trước, trong và sau Tết Nguyên đán.
Vị này cho biết thêm, qua nắm bắt, nhiều cửa hàng xăng dầu cho rằng thiếu hụt nguồn cung và càng bán càng lỗ nên cửa hàng buộc phải tạm đóng cửa. Riêng việc những cây xăng còn hàng mà không chịu bán ra, có tình trạng "găm" hàng thì sẽ bị xử lý theo quy định.
(Theo Dân trí)