Cận cảnh hệ thống pháo phản lực nhiều nòng ‘khè lửa’ ở Yemen

Đối ngoại - Ngày đăng : 13:30, 09/02/2022

Hệ thống phun lửa hạng nặng TOS-1A mới đây đã tham gia giao tranh tại khu vực thành phố Harad thuộc tỉnh Hajja của Yemen.

Theo đó, các phương tiện chiến đấu được sử dụng bởi các đơn vị của lực lượng mặt đất Hoàng gia Saudi Arabia, cùng với những người ủng hộ Tổng thống Yemen Abdrabbuh Mansur Hadi đã tiến hành một cuộc tấn công chống lại các khu vực do lực lượng của phong trào Shiite Ansar Allah (Houthis) chiếm đóng.

Một đoạn video được đăng tải trên mạng xã hội cho thấy hệ thống phun lửa hạng nặng TOS-1A “Solntsepek” bắn vào đối phương.

Theo một số báo cáo, trong chiến dịch này, phe tấn công cũng chủ động sử dụng nhiều hệ thống tên lửa phóng thông thường, bao gồm cả pháo phản lực Grads 122 mm.

Trước đó, thông tin đầu tiên về sự xuất hiện của TOS-1A trên Bán đảo Ả Rập đã được công khai vào tháng 4/2019. Đồng thời, một số hình ảnh đã xuất hiện ghi lại khoảnh khắc vận chuyển của ít nhất 3 phương tiện chiến đấu.

Các chuyên gia quân sự lưu ý rằng, các mẫu thiết bị được chuyển giao đều được trang bị điều hòa nhiệt độ, điều này khá hợp lý với điều kiện nhiệt độ khắc nghiệt tại đây.

TOS-1A “Solntsepek” đang phục vụ cho 7 quân đội nước ngoài, một phần trong số đó đã tham gia vào các cuộc chiến, ví dụ như ở Iraq và Syria.

TOS-1A “Solntsepek” là hệ thống tên lửa nhiệt áp 24 ống phóng cỡ nòng 220 mm được mệnh danh là “Mặt trời trên sa mạc”. Tên lửa có tầm bắn khá khiêm tốn (6 km) song lại có khả năng phá hủy mọi thứ trong một vùng rộng 40.000 m2 (tương đương sáu sân bóng đá) xung quanh mục tiêu.

Hệ thống tên lửa nhiệt áp TOS-1A “Solntsepek” được Nga phát triển từ năm 2001 trên nguyên bản tên lửa TOS-1 “Buratino”, trang bị trên khung gầm của xe tăng T-72. Nhiệm vụ chính của TOS-1A là yểm trợ hỏa lực cho các đơn vị xe tăng và bộ binh cơ giới, vô hiệu hóa lực lượng xe cơ giới và xe bọc thép hạng nhẹ của kẻ địch.

Nguyên tắc hoạt động của các tên lửa nhiệt áp như TOS-1A là tạo ra vụ nổ với nhiệt độ cao, môi trường chân không tạm thời, sóng nhiễu động cường độ cao và kéo dài. Chính vì vậy, vũ khí nhiệt áp được coi như “vũ khí hạt nhân không phóng xạ”.

Hiện tại, Lực lượng vũ trang Nga được trang bị khoảng 100 hệ thống phun lửa hạng nặng với hai cải tiến: TOS-1 “Buratino” dựa trên xe tăng T-72 và TOS-1A “Solntsepek” cải tiến đặt trên khung gầm xe tăng T-90.

Vào tháng 11/2020, Tư lệnh lực lượng Phòng hóa Nga đã tiết lộ chi tiết dự án về hệ thống phun lửa hạng nặng TOS-1A “Solntsepek”. Theo đó, ngành công nghiệp được giao nhiệm vụ phác thảo một dự án hiện đại hóa tổ hợp Solntsepek nhằm nâng cao các đặc tính chiến đấu - sức công phá của đạn và khả năng sống sót trên chiến trường.

Ngoài ra, tầm bắn của các loại đạn pháo mới sẽ tăng từ 5-6 km hiện nay lên 15 km. TOS-1A hiện đại hóa sẽ nhận được thiết bị liên lạc mới cho phép kết nối với các hệ thống điều khiển pháo binh hiện đại của lực lượng mặt đất. Nó cũng được trang bị thiết bị thông tin liên lạc để truyền dữ liệu kín riêng.

Thanh Bình (lược dịch)