Những điều phụ huynh cần biết khi trẻ 5-11 tuổi tiêm vaccine ngừa COVID-19
Tin Y tế - Ngày đăng : 10:30, 09/02/2022
- Thưa PGS.TS.BS Phùng Thế Nguyên, hiện nay vaccine ngừa COVID-19 nào được các nước trên thế giới triển khai chích ngừa cho trẻ từ 5-11 tuổi?
Đến hiện nay CDC, FDA và WHO chỉ khuyến cáo Pfizer-BioNTech COVID-19 cho lứa tuổi này. Vaccine này được nhiều nước cấp phép chích ngừa cho trẻ từ 5-11 tuổi như Mỹ, Anh, châu Âu, Úc, Philippines, Singapore…
Ngoài ra còn có vaccine bất hoạt Sinovac của Trung Quốc tiêm cho trẻ từ 3 tuổi đã dùng tại Trung Quốc và một số nước ở Châu Mỹ La Tinh, Indonesia.
Cuba và Nicaragua tiêm ngừa vaccine Soberana cho trẻ từ 2 tuổi do Cuba sản xuất. Các vaccine khác đang tiến hành nghiên cứu.
- Theo ông, vaccine tiêm cho trẻ 5-11 tuổi của Pfizer- BioNTech và người lớn khác nhau như thế nào, đặc biệt là liều lượng khi tiêm?
Pfizer- BioNTech là vaccine mRNA, bản chất giống nhau, nhưng khi tiêm cho trẻ em 5-11 tuổi các nước trên thế giới, liều lượng thuốc là 10mg (microgram), thay vì liều lượng 30mg (microgram) đang được dùng cho người từ 12 tuổi trở lên hiện nay. Để an toàn và hiệu quả vaccine cho tuổi này chai màu cam, kim tiêm nhỏ hơn, thể tích là 0,2 ml mỗi lần tiêm.
Hiện nay, Đan Mạch là nước đang dùng vaccine Pfizer- BioNTech người lớn chích cho trẻ tuổi này. Tuy nhiên, hàm lượng bằng 1/3 so với người lớn.
- Hiện nay trên thế giới đã có những nghiên cứu nào về việc vaccine cho tuổi này an toàn hay không, thưa ông?
Nghiên cứu được đăng trên The New England Journal of Medicine cho thấy vaccine an toàn, hiệu quả, và có tính sinh miễn dịch cao như người lớn.
Một số tác dụng sau tiêm: đau chỗ tiêm (71-74%), sốt (8,3%), mệt mỏi (0,9%), đau đầu (0,3%), đau cơ (0,1%) các phản ứng này hết sau 2-3 ngày.
Cho đến nay chưa ghi nhận báo cáo nào về viêm cơ tim, viêm màng ngoài tim sau chủng ngừa cho tuổi này.
Liên quan đến vấn đề vaccine có gây vô sinh không. Hiện nay, các nghiên cứu vẫn đang tiến hành và cần 1 nghiên cứu theo dõi lâu dài. Tuy vậy giữa nguy cơ của nhiễm SARS-CoV-2 và lợi ích của vaccine, nhất là cho phụ nữ mang thai, hầu hết các nhà khoa học khuyến cáo chủng ngừa vaccine. Cho đến nay không có 1 bằng chứng khoa học kết luận vaccine gây vô sinh ở cả nam và nữ.
Nghiên cứu của Amelia K Wesselink và cs đăng trên American Journal of Epidemiology, ngày 20.1.2022 cho thấy nhiễm SARS-CoV-2 ở nữ không ảnh hưởng trên khả năng sinh sản, nhưng giảm thoáng qua khả năng sinh sản ở nam; trong khi vaccine không ảnh hưởng trên khả năng sinh sản của cả nam và nữ.
- Thưa ông, vậy trong quá trình tiêm vaccine, có những nghiên cứu nào chứng minh về tỷ lệ trẻ có thể bị phản vệ sau chích ngừa không?
Nghiên cứu ban đầu không ghi nhận trẻ nào ở nhóm tuổi này xảy ra phản vệ. Tuy vậy, phản vệ hoàn toàn có thể, đây là biến chứng sớm, xảy ra ngay sau chích ngừa và có thể tử vong ở tất cả các loại vaccine COVID-19 và cả vaccine của vi khuẩn, virus khác. Phản vệ là biến chứng phòng ngừa và điều trị được bằng cách chuẩn bị tốt, tập huấn chẩn đoán và xử trí phản vệ tốt. Theo dõi 15-30 phút sau khi tiêm. Như chúng ta thấy không có báo cáo trường hợp nào chích ngừa tại các bệnh viện lớn tử vong dù phản vệ vẫn có.
- Đi qua giai đoạn căng thẳng của đại dịch, tính hiệu quả phòng ngừa biến chứng khi nhiễm COVID-19 của vaccine đã thấy rõ tín hiệu tốt. Trong quá trình ông trực tiếp tham gia điều trị, đối với những trẻ từ 5-11 tuổi tỷ lệ mắc COVID-19 có nhiều không? Nặng không? Có hậu quả gì lâu dài lớn hơn so với chủng ngừa như thế nào?
Trên 80% trẻ mắc COVID-19 là nhẹ hay không triệu chứng. Tuy nhiên, trẻ mắc vẫn nặng và tỷ lệ trong 1 khảo sát ở trẻ nhập viện tại 1 nghiên cứu của Việt Nam là khoảng 12% (tỷ lệ nặng cao nhất khi có bệnh nền và béo phì). Tỷ lệ mắc của trẻ em gia tăng gần đây ở một số nước và gia tăng tỷ lệ nhập viện của tuổi này.
65,4% hội chứng viêm đa hệ thống liên quan COVID-19 (mà xảy ra 2-6 tuần sau nhiễm SARS-CoV-2, dù có hay không có triệu chứng) ở trẻ em lứa tuổi này. Đây là hội chứng nặng, có thể tử vong (khoảng 2%) và có thể có di chứng về sau trên chức năng tim và dãn mạch vành.
Hậu COVID-19 có thể ảnh hưởng lên tâm lý, khả năng học tập và sinh hoạt của trẻ. Trẻ không được đến trường vì chưa chích ngừa, vì sợ mắc bệnh, sợ bệnh nặng, sợ mắc và lây cho các thành viên khác trong gia đình nhất là trong gia đình có người già, có người có bệnh nền… sẽ ảnh hưởng rất lớn đến phát triển tâm lý, thể chất và hội nhập của trẻ.
Gần đây, khi trẻ 12-17 tuổi đã được chủng ngừa, khoa COVID-19 của Bệnh viện Nhi đồng 1 không còn nhận trẻ nào tuổi này đã chủng ngừa nhập vào khoa.
Để giúp trẻ hoà nhập trở lại, cho trẻ có một môi trường phát triển, học tập, sinh hoạt của nhà trường và cộng đồng, chúng ta cần tiêm chủng đầy đủ cho trẻ.