Người hùng bị rắn hổ mang cắn, phải dùng 65 chai huyết thanh kháng nọc độc để giữ mạng
Đối ngoại - Ngày đăng : 15:10, 08/02/2022
Một chuyên gia bắt rắn và là ngôi sao mạng xã hội ở Ấn Độ có tên Vava Suresh mới được xuất viện hôm 7/2, sau một tuần ông bị rắn độc cắn gây nguy hiểm tính mạng.
Theo tờ Onmanorama của Ấn Độ, ông Suresh rời khỏi Bệnh viện Đại học Y Kottayam ở thành phố Kottayam thuộc bang Kerala vào lúc 11h ngày 7/2 trong điều kiện sức khỏe tốt. Trước đó, vào ngày 31/1, ông Suresh đã bị một con rắn hổ mang cắn trong lúc ông đang cố bắt lại con vật nguy hiểm.
Đoạn video ghi lại toàn bộ sự việc cũng đã được tờ Indian Express công khai. Trong video dài 21 giây, ông Suresh được nhìn thấy đang cầm một con rắn và cố nhét nó vào chiếc bao tải nhựa. Tuy nhiên chỉ vài giây sau, con rắn đã quay ngược lại và cắn vào chân của ông Suresh. Vết cắn khiến ông Suresh đau đớn ngay lập tức và buông tay thả con rắn hổ mang xuống đất. Những người đứng xung quanh chứng kiến sự việc vô cùng hoảng sợ đã la hét và bỏ chạy.
Theo Newsweek, chỉ cần một vết cắn của rắn hổ mang đã chứa đủ lượng nọc độc đủ để khiến 20 người mất mạng.
Sau khi bị cắn, ông Suresh đã bị ngưng tim. Bệnh nhân mới chỉ tỉnh lại vào ngày 3/2 sau vài ngày phải nằm trong phòng chăm sóc đặc biệt (ICU) và dùng máy trợ thở.
Để giữ được tính mạng cho bệnh nhân, các bác sĩ đã cho ông Suresh dùng 65 chai huyết thanh kháng nọc độc rắn. Thông thường, các bác sĩ chỉ cho bệnh nhân dùng 25 chai huyết thanh, nhưng do ông Suresh bị rắn hổ mang cắn nên bệnh nhân cần dùng liều tăng cường để chống chọi với mức độ cực độc từ nọc rắn.
Ông Suresh là một trong những nhân vật nổi tiếng trên cộng đồng mạng Ấn Độ. Trên kênh YouTube cá nhân, ông có hơn 500.000 người theo dõi và 52 triệu lượt xem (view) sau khi ông cho đăng tải nhiều video về quá trình bắt các loại rắn. Ngoài ra, ông Suresh còn có lượng người theo dõi hùng hậu trên kênh Facebook và Instagram lần lượt là 2 triệu và 75.000.
Theo tờ India Today, ông Suresh lần đầu tiên ra tay bắt rắn là khi mới 12 tuổi và ông đã bắt được hơn 30.000 con vật nguy hiểm trong những năm qua.
“Tôi đã được sinh ra lần thứ hai”, ông Suresh nói khi cảm ơn đội ngũ y bác sĩ đã chăm sóc cho ông trong những ngày nằm viện.
Đây không phải là lần đầu tiên người hùng bắt rắn phải nhập viện vì bị rắn cắn. Trước đây, ông từng 2 lần phải dùng máy trợ thở và 4 lần nằm trong ICU. Ông đã may mắn sống sót sau khi bị rắn độc cắn hơn 300 lần.
Minh Thu (lược dịch)