Nên làm gì khi dính 'bẫy' cố tình chuyển tiền nhầm?

Pháp luật - Ngày đăng : 10:47, 08/02/2022

Người nhận tuyệt đối không được dùng khoản tiền này, yêu cầu ngân hàng cung cấp sao kê đối chiếu và chuyển lại, không cung cấp mã OTP, tên đăng nhập, mật khẩu tài khoản...

Nhiều người đã phản ánh về 1 hình thức lừa đảo trắng trợn nhưng tinh vi. Đó là các đối tượng cố tình chuyển 1 khoản tiền vào tài khoản ngân hàng của nạn nhân chúng nhắm tới, sau đó tìm cách đòi lại như một khoản cho vay nặng lãi hoặc tìm cách lấy thông tin tài khoản ngân hàng của nạn nhân rồi chiếm đoạt tiền trong đó.

Cuối tháng 12/2021, tài khoản ngân hàng của anh Chính bỗng nhận được số tiền 20 triệu đồng, không rõ người gửi. Cuối giờ chiều cùng ngày, có một tài khoản Zalo lạ, chủ động nói chuyện và cho biết anh đã được một công ty tài chính giải ngân số tiền trên. Qua trao đổi, anh Chính bỗng trở thành "con nợ" của đối tượng này.

Điều đáng nói, anh Chính chưa từng thực hiện khoản vay nào trên mạng xã hội. Sau khi đòi tiền không thành, một loạt những hình ảnh, thông tin anh Chính nợ tiền, chiếm đoạt tài sản được gửi cho người thân, bạn bè qua mạng xã hội Facebook và Zalo.

Nên làm gì khi dính bẫy cố tình chuyển tiền nhầm? - Ảnh 1.

Anh Chính bị các đối tượng tung tin thất thiệt, ảnh hưởng uy tín cá nhân.

Chiêu thức lừa đảo này được kẻ gian nhắm vào những người hay truy cập tìm hiểu về các dịch vụ vay tiền trên mạng. Sau khi có được một số thông tin cá nhân của người dùng như tên tuổi, số điện thoại, địa chỉ, các đối tượng lừa đảo sẽ cố ý chuyển nhầm một khoản tiền đến tài khoản của người đang có ý định vay tiền nhưng chưa dám vay. Sau đó, đối tượng giả danh là người thu hồi nợ của công ty tài chính, yêu cầu người dùng trả lại số tiền kia như một khoản vay nặng lãi.

Đại tá Hoàng Ngọc Bách - Cục An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Bộ Công an cho biết, những đối tượng này thường nhắm vào người nhẹ dạ cả tin cho nên người nhận chuyển khoản tuyệt đối không được sử dụng khoản tiền này.

Một chiêu thức khác của các đối tượng lừa đảo là lập ra trang web giả mạo ngân hàng, có giao diện giống với website của ngân hàng. Sau đó, chúng tìm kiếm những trường hợp khách hàng nhận được tiền chuyển khoản nhầm, đang có nhu cầu trả lại tiền cho người chuyển nhầm rồi đóng giả nhân viên ngân hàng hỗ trợ khắc phục sự cố, gửi đường link đăng nhập vào trang web giả mạo để người bị hại khai báo. Sau đó, các đối tượng lừa đảo chiếm đoạt thông tin cá nhân và chiếm đoạt tiền trong tài khoản thật của khách hàng.

Theo Đại tá Hoàng Ngọc Bách, trước tình huống nhận được tiền chuyển khoản nhầm, các chuyên gia khuyến cáo chủ tài khoản nên liên hệ với ngân hàng để yêu cầu ngân hàng cung cấp sao kê rồi đối chiếu với những thông tin nhận được và tiến hành chuyển lại, tuyệt đối không cung cấp mã OTP, tên đăng nhập và mật khẩu truy cập vào tài khoản ngân hàng của mình cho các giao dịch trên mạng để tránh bị chiếm đoạt tiền trong tài khoản thật của mình.

(Theo ANTV/ VTV)