Hòn đảo bị dàn tên lửa Triều Tiên bắn phá nhiều nhất có gì đặc biệt?

Đối ngoại - Ngày đăng : 10:13, 08/02/2022

Một hòn đảo ngoài khơi trở thành địa điểm hứng chịu đòn tấn công nhiều nhất từ dàn tên lửa phóng thử nghiệm của Triều Tiên.

Trong loạt vụ phóng tên lửa với tần suất nhiều chưa từng có của Triều Tiên vào tháng Một, vị trí hứng trọn đòn tấn công là một hòn đảo có tên dịch ra nghĩa là “vùng đất không người”.

Theo Bloomberg, đảo Alsom nằm cách bờ biển phía đông bắc Triều Tiên 18 km đã trở thành mục tiêu bị tấn công của 25 tên lửa phóng thử kể từ năm 2019.

Hòn đảo bị dàn tên lửa Triều Tiên bắn phá nhiều nhất có gì đặc biệt?
Tên lửa thử nghiệm của Triều Tiên tấn công mục tiêu trên đảo Alsom vào năm 2019. (Ảnh: KCNA)

Riêng trong tháng Một, 8 tên lửa được Triều Tiên phóng xuống đảo Alsom. Tháng Một cũng là khoảng thời gian Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un cho triển khai số lượng vụ phóng thử tên lửa nhiều nhất kể từ khi ông lên nắm quyền. Các vụ phóng tên lửa của Triều Tiên trong tháng qua còn được xem là tín hiệu phản đối của Triều Tiên trước các lệnh trừng phạt của Mỹ.

Theo nghị sĩ đảng đối lập ở Hàn Quốc là ông Yoon Ju-kyeong, quân đội Hàn Quốc đã theo dõi sát sao các vụ phóng tên lửa vào bãi đá Alsom nhất là sau khi Triều Tiên cho xây dựng một cấu trúc rộng 10 m tại đây vào tháng 8/2020. Công trình này được cho dùng để thử nghiệm hoạt động của các loại bom phá boong-ke. Thậm chí, nhiều người nhận định cấu trúc này đại diện cho toà nhà chính phủ ở thủ đô Seoul.

Chuyên gia vũ khí tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế ở London là ông Joseph Dempsey chia sẻ trên Twitter rằng, Alsom chính là “tảng đá bị Triều Tiên ghét nhất”. Nguyên nhân là do khu vực này hứng chịu quá nhiều đòn tấn công từ dàn tên lửa phóng thử nghiệm của chính quyền Bình Nhưỡng.

Cũng theo ông Dempsey, đảo Alsom là nơi lý tưởng để Triều Tiên xác minh độ hiệu quả tấn công của thế hệ vũ khí tầm ngắn mới bao gồm tên lửa KN-23. KN-23 hiện được cho có khả năng tấn công mọi mục tiêu trên lãnh thổ Hàn Quốc.

Trong những tuần gần đây, Triều Tiên đã liên tục phóng thử nghiệm các tên lửa đạn đạo tầm ngắn mới nhất vào đảo Alsom. Một số tên lửa còn lao xuống hòn đảo với tốc độ hơn 3.000 km/h.

Ngoài ra, Triều Tiên còn dùng đảo Alsom để chứng minh tính chính xác và cơ động của các tên lửa hành trình tầm xa. Theo truyền thông Triều Tiên, một tên lửa đã di chuyển quãng đường dài 1.800 km trước khi đánh trúng mục tiêu đã định ở đảo Alsom trong vụ phóng thử vào ngày 25/1.

Điểm đặc biệt là đảo Alsom nằm đủ xa ngoài khơi để tạo thành vùng đệm trong trường hợp tên lửa gặp trục trặc, cũng như đủ gần để chắc chắn chỉ có các tàu của Triều Tiên hoạt động trong khu vực này. Với chiều dài khoảng 850 m, đảo Alsom đủ để Triều Tiên chứng minh với Mỹ và các đồng minh rằng tên lửa của nước này có thể tấn công vào mọi mục tiêu đã định.

Những năm gần đây, Chủ tịch Kim vẫn tiếp tục hiện đại hoá kho vũ khí quân sự mà trước đây chỉ chủ yếu dựa vào năng lực của dòng tên lửa Scud. Kể từ năm 2019, Triều Tiên đã cho ra mắt tên lửa đạn đạo tầm ngắn dùng nhiên liệu rắn với khả năng bay xa từ 250 – 500 km. Thậm chí, một số tên lửa Triều Tiên từng phóng thử nghiệm còn bay xa hơn 600 km. Khoảng cách này đủ để vươn tới một số khu vực ở bờ biển phía tây Nhật Bản.

Trong giai đoạn Triều Tiên tăng cường phóng tên lửa, đảo Alsom còn là công cụ hỗ trợ đặc biệt cho chiến dịch tuyên truyền của nước này. Cụ thể, truyền thông Triều Tiên nhiều lần đăng tải hình ảnh tên lửa được bắn vào đảo Alsom trong những ngày gần đây.

Ngoài ra, Triều Tiên còn thực hiện phóng các tên lửa mới phát triển từ nhiều vị trí khác nhau nhằm chứng minh năng lực như vụ phóng tên lửa đạn đạo trong tháng Một được thực hiện từ toa tàu hỏa.

Tuy nhiên, đảo Alsom nằm ở vị trí quá gần, nếu như ông Kim muốn cho phóng thử các tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) cỡ lớn hơn. Nói cách khác, các ICBM sẽ di chuyển hàng trăm kilomet trong không trung và sau đó rơi xuống khu vực nằm cách xa bờ biển của Triều Tiên.

Khác với người tiền nhiệm là cựu Tổng thống Donald Trump, chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden lại tránh đưa ra những lời đe dọa hoặc làm leo căng thẳng sau các vụ phóng tên lửa của Triều Tiên. Thay vào đó, Mỹ vẫn khẳng định duy trì cánh cửa ngoại giao để giải quyết bất đồng đôi bên.

Các chuyên gia cho rằng trong thời gian tới, đảo Alsom dường như sẽ còn tiếp tục phải hứng đòn tấn công của dàn tên lửa Triều Tiên. Dù năm 2022 mới chỉ bước sang tháng thứ hai, nhưng Triều Tiên đã thực hiện số vụ phóng tên lửa có khả năng mang theo đầu đạn hạt nhân nhiều hơn so với cả năm 2021.

Theo truyền thống những năm trước, trong giai đoạn nghỉ lễ 16/2 và 15/4 để kỷ niệm sinh nhật của cố lãnh đạo Kim Jong-il và cố Chủ tịch Kim Nhật Thành, Triều Tiên thường có hành động phô trương sức mạnh quân sự.

“Bằng cách tấn công vào cùng một mục tiêu từ nhiều hướng khác nhau, Triều Tiên có thể kiểm chứng và cải thiện năng lực tấn công nhằm vào Hàn Quốc. Bình Nhưỡng đang thử nghiệm tên lửa để xem liệu phương án tấn công có khả thi nếu được thực hiện trong thực tế”, ông Cheon Seong-whun, cựu quan chức ở Nhà Xanh kết luận.

Minh Thu (lược dịch)