Tin thế giới 7/2: Nga nói gì về chuyến thăm của Tổng thống Pháp? Belarus cảnh cáo Ukraine; Nhật Bản 'nhập cuộc' đối đầu Nga
Đối ngoại - Ngày đăng : 01:05, 08/02/2022
Tổng thống Nga và người đồng cấp Pháp chuẩn bị họp thượng đỉnh tại Moscow vào tối 7/2 (giờ Việt Nam). (Nguồn: Getty Images) |
Báo Thế giới và Việt Nam điểm một số tin quốc tế nổi bật trong ngày
Thượng đỉnh Nga-Pháp: Moscow ít kỳ vọng đột phá
Ngày 7/2, Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Pháp Emmanuel Macron sẽ gặp nhau tại Moscow, dự kiến vào khoảng 22h00 (giờ Việt Nam, 17h00 giờ Moscow).
Trước cuộc gặp, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho hay, cuộc khủng hoảng Ukraine có thể sẽ chi phối cuộc hội đàm, trong bối cảnh lo ngại của phương Tây gia tăng về việc Nga có kế hoạch tấn công Kiev, cáo buộc mà Moscow luôn bác bỏ.
Theo ông Peskov, Nga không kỳ vọng cuộc gặp thượng đỉnh đạt được đột phá mang tính quyết định, bởi "tình hình quá phức tạp", song Moscow bày tỏ hy vọng Tổng thống Macron sẽ đề xuất các cách để xoa dịu căng thẳng tại châu Âu.
Cho rằng không thể thảo luận về việc tạm lắng căng thẳng trong khi phương Tây vẫn tiếp tục nói về một cuộc tấn công của Nga nhằm vào Ukraine, tuy nhiên, người phát ngôn Peskov khẳng định, chuyến thăm của ông Macron rất quan trọng.
Nga bày tỏ "mong muốn có một cuộc thảo luận rất thực chất và kéo dài, bao quát cả về thời gian và nội dung" với Pháp.
Liên quan vấn đề Dòng chảy phương Bắc 2 và cuộc khủng hoảng khí đốt ở châu Âu, theo người phát ngôn Điện Kremlin, "đây không thể là một chủ đề chính để thảo luận, nhưng có thể được đề cập" tại Thượng đỉnh.
Sau cuộc hội đàm, hai tổng thống sẽ tổ chức một cuộc họp báo chung để thông báo kết quả của Hội nghị thượng đỉnh Nga-Pháp. Ngày 8/2, Tổng thống Pháp có kế hoạch thăm và làm việc tới Ukraine. (TASS)
Nhật Bản phản đối Nga tuyên bố tập trận gần quần đảo tranh chấp
Ngày 7/2, chính phủ Nhật Bản cho biết, nước này đã gửi công hàm phản đối hôm 3/2 sau khi Nga đưa ra cảnh báo tổ chức tập trận liên tục từ ngày 1/2-1/3 ở vùng biển phía Đông Nam đảo Kunashiri mà Tokyo có tuyên bố chủ quyền
Phát biểu họp báo thường kỳ, Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Hirokazu Matsuno nói: "Việc Nga trang bị thêm vũ khí cho 4 hòn đảo phía Bắc xung đột với lập trường của Nhật Bản và không thể chấp nhận được".
Kunashiri là một trong số những hòn đảo tranh chấp ngoài khơi đảo chính Hokkaido ở phía Bắc Nhật Bản được Tokyo gọi là Vùng lãnh thổ phương Bắc, trong khi Moscow gọi là Quần đảo Nam Kurils. (Kyodo)
Mỹ nhắm mục tiêu trừng phạt Nga, Nhật Bản nhập 'cuộc chơi'
Ngày 6/2, Thứ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Wally Adeyemo cho biết, nước này sẽ áp đặt các lệnh trừng phạt nhằm vào giới tinh hoa Nga trong trường hợp Moscow tấn công quân sự Ukraine.
Ông Adeyemo nhấn mạnh: “Có những công nghệ then chốt mà Nga phụ thuộc vào Mỹ và các đồng minh của Mỹ, những công nghệ mà Nga, Trung Quốc chưa tiếp cận được. Giới tinh hoa Nga là những đối tượng mà chúng ta sẽ loại bỏ ra khỏi hệ thống tài chính toàn cầu, họ không gửi tiền tại Trung Quốc”.
Theo quan chức này, giới tinh hoa của Nga gửi tiền tại châu Âu và Mỹ. Đó là những nhân vật hỗ trợ Tổng thống Vladimir Putin ra quyết định, "chúng ta sẽ loại bỏ họ cùng gia đình ra khỏi hệ thống tài chính toàn cầu bằng những biện pháp hạn chế khả năng kinh doanh của họ”.
Cùng ngày, tờ Sankei Shimbun dẫn một nguồn tin chính phủ Nhật Bản cho hay, nước này đang cân nhắc các biện pháp trừng phạt Nga nếu Moscow tiến hành xâm lược Ukraine.
Theo đó, một số bộ gồm Bộ Ngoại giao, Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp đang phối hợp xem xét các biện pháp trừng phạt có thể đưa ra, đồng thời thảo luận vấn đề này với Mỹ thông qua kênh ngoại giao. (TASS, Sputnik)
Mỹ: Bất kỳ kịch bản nào cũng có thể xảy ra ở khu vực biên giới Nga-Ukraine
Ngày 6/2, trong cuộc phỏng vấn với chương trình Fox News Sunday, Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan cho hay, Nga có thể tiến hành các hoạt động quân sự nhằm vào Ukraine vào bất kỳ ngày nào, có thể là một vài tuần hoặc từ bây giờ, hoặc Nga có thể lựa chọn con đường ngoại giao.
Ông cho biết thêm, Nga có thể tiến hành các động thái như sáp nhập khu vực Donbass của Ukraine, nơi phe ly khai được Nga hậu thuẫn đã thoát khỏi sự kiếm soát của chính phủ Ukraine hồi năm 2014, tấn công mạng cũng như xâm lược toàn diện Kiev nếu cần.
Theo ông Sullivan, Mỹ đã chuẩn bị cho khả năng Nga triển khai các hoạt động quân sự cả trong và sau Thế vận hội mùa Đông Bắc Kinh 2022. Washington đã điều động quân đội đến châu Âu chỉ để hỗ trợ các đồng minh NATO và không tham gia các hoạt động thù địch trên lãnh thổ Ukraine.
Mỹ khẳng định sẵn sàng thảo luận với Moscow về các hạn chế chung trong việc triển khai các tên lửa tấn công và các biện pháp minh bạch bổ sung. (Reuters)
Belarus tố Mỹ đẩy Ukraine tới chiến tranh, cảnh cáo Kiev
Trong chương chình Soloviev Live của Nga trên Youtube ngày 6/2, Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko cho rằng, Mỹ đang đẩy Ukraine tới chiến tranh.
Ông nêu rõ: "Đây là bản chất của cuộc chiến, điều mà bạn và chúng tôi đang tranh luận. Ukraine sẽ chiến đấu ... chính Mỹ đang đẩy Ukraine vào chiến tranh”.
Cũng trong cuộc phỏng vấn này, Tổng thống Belarus cho biết, Moscow và Minsk sẽ cùng phản ứng nếu Ukraine tấn công khu vực miền Đông Donbass.
Theo nhà lãnh đạo, ông có kế hoạch ngừng xuất khẩu nhiên liệu và điện cho Ukraine nếu hành vi của Kiev dẫn đến chiến tranh với Nga.
Sputnik dẫn lời ông Lukashenko nói rõ: "Chúng tôi sẽ cắt mọi nguồn cung cấp nhiên liệu và dầu nhờn cũng như điện cho Ukraine. Chúng tôi sẽ không cung cấp nếu họ bắt đầu chiến tranh chống lại chúng tôi hoặc Nga".
Tổng thống Belarus cảnh báo rằng, Nga và Belarus đã vẽ những lằn ranh đỏ và "nếu Ukraine cố gắng vượt qua, họ sẽ phải đối mặt với những tác động nghiêm trọng". (Sputnik)
Myanmar cho phép đặc phái viên ASEAN gặp các thành viên đảng NLD
Lãnh đạo chính quyền quân quản Myanmar, Tướng Min Aung Hlaing nhất trí sắp xếp cho đặc phái viên của Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) từ Campuchia gặp các thành viên của Liên minh Quốc gia vì Dân chủ (NLD) cầm quyền, vốn bị lật đổ trong cuộc chính biến hồi tháng 2/2021, trong tương lai.
Tuy nhiên, theo ông Kao Kim Hourn, Bộ trưởng bên cạnh Thủ tướng Campuchia, ông Min Aung Hlaing không cho biết thành viên nào của NLD có thể gặp đặc phái viên.
Quan chức cấp cao Campuchia thừa nhận, đặc phái viên, Ngoại trưởng Campuchia Prak Sokhonn, khó có thể gặp bà Suu Kyi trong chuyến thăm đầu tiên của ông. (Reuters)
Mỹ-Hàn-Nhật sắp họp bàn về vấn đề Triều Tiên
Từ 10-15/2, Đặc phái viên Mỹ về Triều Tiên Sung Kim sẽ tới Honolulu, thủ phủ của tiểu bang Hawaii, để tham dự cuộc gặp 3 bên với những người đồng cấp Noh Kyu-duk của Hàn Quốc và Funakoshi Takehiro của Nhật Bản, thảo luận một loạt vấn đề, trong đó có phi hạt nhân hóa hoàn toàn Bán đảo Triều Tiên.
Các đặc phái viên hạt nhân cũng sẽ cùng các ngoại trưởng của ba nước tham dự cuộc họp cấp bộ trưởng 3 bên vào ngày 12/2 tới.
Các cuộc họp này diễn ra sau khi Triều Tiên thực hiện một loạt vụ phóng trong tháng 1 vừa qua, trong đó có các vụ phóng tên lửa mà Bình Nhưỡng tuyên bố là tên lửa siêu vượt âm vào ngày 5 và 11/1. (Reuters)
Thượng đỉnh châu Phi: AU đề ra các ưu tiên trong năm 2022
Ngày 6/2, Hội đồng Các nhà lãnh đạo nhà nước và chính phủ của Liên minh châu Phi (AU) đã kết thúc Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 35 với các định hướng ưu tiên của châu Phi cho năm 2022 và xa hơn nữa.
Hội nghị thượng đỉnh kéo dài hai ngày lần này được đánh dấu bằng những lời kêu gọi tinh thần đoàn kết của châu Phi trong việc khắc phục các tác động của đại dịch Covid-19 và tính cấp bách trong việc giải quyết những đe dọa đang nổi lên như các hoạt động khủng bố, biến động chính trị ở các nước.
Tổng thống Senegal Macky Sall, quyền Chủ tịch luân phiên AU, nhấn mạnh, các nước cần nỗ lực phối hợp để ứng phó với các mối đe dọa như bất ổn, biến đổi khí hậu và những tác động tàn phá của đại dịch Covid-19 đang diễn ra.
Nhà lãnh đạo này kêu gọi các nước thành viên hợp tác để cùng đạt được những mục tiêu tham vọng được đề ra trong Chương trình Nghị sự 2063 về sự phát triển của lục địa trong 50 năm.
Về phần mình, Chủ tịch Ủy ban AU Moussa Faki Mahamat cho rằng, Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 35 đã đạt được nhiều thành quả, đặc biệt trong bối cảnh châu Phi đang phải đối mặt với “nhiều thách thức”.
Ông đề cập một loạt vấn đề như y tế, quản trị, hòa bình và an ninh giữa các quốc gia, cũng như các hành động của AU và các quốc gia thành viên để giải quyết các vấn đề quan trọng của khu vực.
Phát biểu trực tuyến tại hội nghị thượng đỉnh, Tổng thư ký Liên hợp quốc (LHQ) Antonio Guterres cho biết, việc thực hiện các Mục tiêu Phát triển bền vững của LHQ và Chương trình Nghị sự 2063 của AU là nền tảng của mối quan hệ giữa hai tổ chức.
Ông chỉ trích hệ thống tài chính toàn cầu đã "bỏ rơi các nước châu Phi", đồng thời cam kết với các nhà lãnh đạo châu Phi rằng LHQ sẽ hỗ trợ lực địa này trong việc khắc phục đại dịch Covid-19.
Covid-19:Trung Quốc phong tỏa một thành phố, nguy cơ tái mắc chỉ sau 2-3 tuần
Ngày 7/2, giới chức thành phố Bách Sắc thuộc khu vực Quảng Tây, miền Tây Nam Trung Quốc, đã yêu cầu người dân ở nhà và tránh hoạt động đi lại không cần thiết để ngăn chặn sự lây lan của đại dịch Covid-19.
Thành phố Bách Sắc cũng tạm ngừng các hoạt động kinh doanh không thiết yếu, giao thông công cộng, đóng cửa trường học và tạm hoãn mở cửa trở lại các cửa khẩu dọc biên giới.
Đây là những biện pháp phòng ngừa dịch bệnh được cho là nghiêm ngặt nhất mà Trung Quốc áp dụng nhằm đối phó với tình trạng gia tăng các ca mắc Covid-19 trong cộng đồng.
Ủy ban Y tế quốc gia (NHC) Trung Quốc, thành phố Bách Sắc đã ghi nhận 37 ca lây nhiễm trong cộng đồng trong ngày 6/2, tăng từ mức 6 ca ghi nhận một ngày trước đó.
Trong một tin khác liên quan Covid-19, tiến sĩ DS Rana - Chủ tịch của Bệnh viện Sir Ganga Ram của Ấn Độ - cho biết: “Những người từng mắc Covid-19 trước đó đang tái nhiễm virus trở lại. Họ có thể sẽ tái nhiễm chỉ trong vòng 2 hoặc 3 tuần, nếu virus xâm nhập cơ thể".
Tiến sĩ Suranjit Chatterjee, chuyên gia tư vấn cấp cao thuộc khoa Nội của Bệnh viện Apollo, Ấn Độ, cho biết: "Tỷ lệ tái nhiễm do Omicron cao hơn so với biến thể Delta, vì khả năng lẩn tránh kháng thể của Omicron diễn ra mạnh hơn so với Delta hoặc bất kỳ biến thể nào khác từng ghi nhận cho đến nay".
Trong khi đó, một nhóm các nhà nghiên cứu quốc tế chỉ ra rằng, biến thể Omicron có những đặc tính có thể tránh được hệ miễn dịch của vật chủ nhưng ít khả năng xâm nhập vào các tế bào như phế nang phổi, qua đó giảm khả năng gây bệnh.